Khó đạt chỉ tiêu Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, đến năm 2010, tỉnh này phấn đấu tổng đàn bò đạt 65.800 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 4.000 tấn. Mục tiêu này không xa rời thực tế vì diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ đê, diện tích đồi của tỉnh khá lớn nên có bãi chăn thả và nguồn cỏ tự nhiên dồi dào. Mặt khác, tiến bộ kỹ thuật về giống, thụ tinh nhân tạo, thức ăn công nghiệp... cũng tạo thuận lợi cho phát triển đàn bò lai Sind trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những thuận lợi đó vẫn chỉ là tiềm năng bởi giá bò hơi giảm mạnh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên nông dân không dám đầu tư mở rộng đàn bò. Chính vì vậy, tổng đàn bò ở Hải Dương giảm khá nhanh, từ 60.057 con (năm 2006) còn 43.516 con (năm 2008) và nhiều khả năng năm 2009 chỉ còn dưới 40.000 con. Ngành chăn nuôi tỉnh Hải Dương đã tính đến việc tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng bằng dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, thông qua áp dụng thụ tinh nhân tạo, phối giống trực tiếp từ bò đực giống ngoại và bò lai có nhiều máu ngoại. Dự án này phần nào phát huy tác dụng, làm tăng đáng kể sản lượng thịt hơi xuất chuồng, song do tổng đàn giảm mạnh nên sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng chỉ đạt 2.000 tấn/năm, điều này đồng nghĩa với việc khó đạt kế hoạch sản lượng 4.000 tấn vào năm 2010. Thạc sỹ Lê Sỹ Cương, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm tích cực hỗ trợ nông dân ở những vùng có truyền thống nuôi bò bằng cách vận động bà con đưa bò lai Sind vào chăn nuôi, thực hiện vỗ béo bò thịt bằng thức ăn công nghiệp. Song hiệu quả đạt thấp bởi nguồn thức ăn thô xanh không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện số nông dân trồng cỏ nuôi bò chỉ đếm trên đầu ngón tay và diện tích trồng cỏ cũng ít. Về cơ bản, nông dân vẫn chăn nuôi bò theo kiểu tận dụng đồng cỏ tự nhiên chứ chưa tập trung chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp và sản xuất hàng hoá”. Nghịch lý giá cả Tại huyện Kinh Môn, nhiều xã như Lê Ninh, Lạc Long, Thăng Long, Quang Trung, Phúc Thành..., nông dân có truyền thống nuôi bò nhưng cán bộ khuyến nông cũng không khuyến khích được nông dân trồng cỏ, phát triển quy mô đàn do giá bò hơi giảm mạnh. ông Nguyễn Văn Xây, nông dân nuôi bò nái sinh sản ở xã Lạc Long cho biết: “Năm ngoái, tôi định gây nuôi thêm một con nái nữa nhưng đến khi có bê non xuất bán thì chẳng thấy ai mua. Trước đây, giá bê cái khoảng 9 triệu đồng/con, bê đực 6- 7 triệu đồng nhưng hiện nay cao lắm cũng chỉ được 3,5 - 4 triệu đồng/con”. Anh Hoàng Văn Vụ, nông dân nuôi bò thịt ở xã An Lạc (Chí Linh) tính toán: “Mỗi con bò thịt có trọng lượng 220 – 240kg trước đây bán với giá 10 triệu đồng thì nay chỉ còn 6 - 6,2 triệu đồng. Trừ chi phí mua bê giống, thức ăn vỗ béo, mỗi con bò chỉ lãi khoảng 1,3 triệu đồng. Vì vậy, nhiều người đã bỏ chuồng, không nuôi bò nữa mà chuyển sang các vật nuôi khác”. Giá thức ăn chăn nuôi tại địa bàn Hải Dương bắt đầu tăng mạnh từ cuối năm 2007 và liên tục duy trì ở mức cao, 12.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ 4.000-5.000 đồng/kg. Do giá thức ăn tăng cao nên bà con đã giảm lượng cung cấp thức ăn vỗ béo, tăng thời gian chăn thả cho bò ăn cỏ. Cách làm này khiến bò chậm lớn, trọng lượng xuất chuồng không cao. Đã vậy, việc thu mua, giết mổ, phân phối thịt bò lại hoàn toàn nằm trong tay tư thương nên nông dân thường bị ép giá, dẫn tới bà con kém mặn mà với việc nuôi bò. Nếu chính quyền các cấp ở Hải Dương không sớm có biện pháp hỗ trợ bà con mua thức ăn vỗ béo bò thịt, liều tinh phối giống bò thì đàn bò sẽ suy giảm mạnh. Điều này rất lãng phí bởi thực tế tiềm năng phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. |