Tạo thu nhập khá cho người lao động Trong xưởng mộc của anh Phạm Văn Tuấn, 46 tuổi, 3 người thợ đang cần mẫn làm việc. Trải qua nhiều nghề, nhưng anh Tuấn vẫn không từ bỏ ước mơ làm giàu bằng chính nghề mộc truyền thống của quê hương mình. Năm 2007, anh quyết định trở về làng, mở xưởng làm mộc, thuê thêm 3 người phụ giúp. ông Phan Văn Dũng, một người thợ trong xưởng cho biết, ông đã theo nghề này hơn 20 năm. Hiện số tiền công hàng tháng là nguồn thu chủ yếu để trang trải cuộc sống của cả gia đình. Nhờ cần cù, tiết kiệm, nên từ một gia đình nghèo, phải nuôi 5 người con ăn học, đến nay đã có cuộc sống ổn định. Góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội Làng nghề không chỉ giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ mà còn tạo việc làm cho người dân những vùng lân cận. Làng nghề Dương Nham, xã Phạm Mệnh (huyện Kinh Môn) chuyên chế tác các sản phẩm từ chất liệu đá như: lăng, mộ, lư hương, các con vật, tường bao... Cơ sở chế tác đá của ông Tô Văn Khỏa có 4 người thợ. Trước đây, họ làm nhiều công việc khác nhau như: xây, mộc, khai thác đá. Đây là những công việc có thu nhập khá nhưng phải đi xa, lao động nặng nhọc, nguy hiểm. ông Khỏa đã thu nhận những người này về làm việc tại xưởng của mình, trả công 70.000 - 80.000 đồng /người/ngày. ông Nguyễn Văn âu ở xã An Sinh trước đây từng làm thợ xây. Khi tuổi đã cao, công việc thợ xây không còn phù hợp, ông được ông Khỏa nhận vào làm. Nhiều thợ trong xưởng này có hoàn cảnh giống ông âu. Anh Nguyễn Văn Thiện sau khi đi bộ đội về, cũng lâm vào tình trạng thiếu việc làm. Thấy cơ sở của ông Khỏa có nhu cầu, anh xin vào làm. Ban đầu, khi mới học nghề, anh được trả 50.000 đồng /ngày. Khi tay nghề cứng hơn, thu nhập của anh cũng tăng lên. So với những công nhân cùng quê phải đi làm ăn xa, anh dành dụm được nhiều hơn vì không mất chi phí thuê nhà trọ, đi lại. Còn anh Nguyễn Văn Núi, 42 tuổi, trước đây là thợ chuyên đi khai thác đá. Công việc này có thu nhập cao nhưng luôn phải đối mặt với nguy hiểm. Khi làng nghề chạm khắc đá Dương Nham khôi phục, phát triển trở lại, anh Núi bỏ nghề khai thác đá, chuyển sang làm thợ chế tác đá. Tuy thu nhập không cao như trước kia, nhưng công việc nhàn hơn, lại gần gũi với gia đình. Theo UBND xã Phạm Mệnh, nghề làm đá ở Dương Nham giải quyết việc làm cho khoảng 60 lao động. Thu nhập bình quân 2 triệu đồng /người/tháng, cao hơn nhiều so với lao động thuần nông. Nếu có vốn và nguồn nguyên liệu đá dồi dào, nghề làm đá chắc chắn sẽ phát triển, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động. Không phải là nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho người lao động, nhưng nghề thêu, ren ở xã Quang Khải (huyện Tứ Kỳ) góp phần tăng thu nhập, tận dụng thời gian nông nhàn. Nghề này tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động trong xã và hàng trăm lao động ở những địa phương khác. Chị Đào Thị Cam, nông dân chuyên làm sản phẩm thêu, ren cho biết: “Mỗi ngày, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, tôi làm được 20 sản phẩm. Nguyên liệu được chủ cơ sở thu mua hàng cung ứng, chúng tôi chỉ bỏ công lao động. Tính trung bình, mỗi ngày tôi được trả 15.000 - 20.000 đồng, đủ chi phí mua thực phẩm cho gia đình”. Do chênh lệch về thu nhập, điều kiện làm việc nên ngày càng có nhiều lao động ở các vùng quê, nhất là những làng quê thuần nông lên thành phố kiếm việc làm. Chính điều này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khó giải quyết như: tình trạng quá tải người lao động ở các thành phố, thiếu nhân công phục vụ sản xuất nông thôn. Trong bối cảnh đó, làng nghề chính là khu vực kinh tế quan trọng thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết những mâu thuẫn trên. |