00:00 Số lượt truy cập: 3235681

Hải Dương chống rét, cứu lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Do rét đậm kéo dài, trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 11 nghìn ha lúa chiêm xuân bị chết, chiếm 70% diện tích lúa đã gieo cấy; tập trung tại các huyện Ninh Giang, Kim Thành, Tứ Kỳ, Bình Giang. Trong những ngày đầu xuân này, chính quyền và nông dân tỉnh Hải Dương tập trung sức cứu mạ, cứu lúa.

Mấy ngày Tết, bà Ngô Thị Tâm, nông dân thôn Vạn Tải, xã Minh Ðức (Tứ Kỳ) đứng, ngồi không yên, vì trời rét đậm, rét hại kéo dài. Trước Tết, mặc dù trời rét đậm, nhiệt độ dưới 15oC, nhưng bà Tâm và các con quyết tâm cấy hết chín sào ruộng. Giờ nhìn ruộng lúa úa đỏ, khó có thể sống được, bà than vãn: Chưa năm nào như năm nay lại rét đậm kéo đến gần một tháng, làm cho lúa chết, mạ chết. "Ông trời" không thương nông dân rồi!

- Nếu thời tiết tiếp tục rét đậm trong những ngày tới thì bác có gieo mạ tiếp không? Chúng tôi hỏi.

- Chả biết thế nào, nhưng nhà tôi đã ngâm ủ thóc giống rồi, sẽ gieo mạ sân, hy vọng trời ấm lên sẽ có mạ để cấy lại diện tích lúa đã chết.

- Thế bác lấy lúa giống ở đâu?

- Lấy lúa giống trong cót chứ lấy ở đâu (tức thóc thịt), vì bây giờ mà đi tìm mua lúa giống khó và đắt lắm.

Bà Tâm nhổ một khóm lúa đã úa đỏ lên cho tôi xem thì toàn bộ rễ đã thâm sì, gốc mủn. Không chỉ diện tích lúa nhà bà Tâm mà hầu hết diện tích lúa chiêm xuân đã gieo cấy trước Tết trong xã đều chết. Vụ chiêm xuân năm nay huyện Tứ Kỳ có kế hoạch gieo cấy 7.800 ha lúa. Trước Tết, nông dân trong huyện đã cấy 2.400 ha lúa. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Nguyễn Văn Ðỉnh, đến nay, huyện có 1.200 ha lúa và 30% diện tích mạ chết. Diện tích phải gieo cấy lại lên đến 2.500 ha; tập trung tại các xã: Hà Thanh, Hà Kỳ, Minh Ðức, Quang Khải... Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với huyện là khâu lúa giống để gieo cấy lại. Hiện giá lúa giống đã tăng gần hai lần, như lúa giống Khang Dân trước đây giá bán 6.500-7.000 đồng/kg, nhưng nay đã tăng lên 13.000 đồng/kg. Chúng tôi rất lo lắng, chưa thật yên tâm về chất lượng lúa giống hiện bán trên thị trường.

Tại huyện Ninh Giang, diện tích lúa chết lên đến 3.800 ha, chiếm hơn 80% diện tích lúa đã gieo cấy, là huyện có diện tích lúa chết nhiều nhất tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Hà Văn Nghị cho biết: Một số xã đến nay đã cơ bản gieo cấy xong diện tích lúa chiêm xuân. Nông dân cấy đi cấy lại hai, ba lần nhưng lúa vẫn chết. Cơ bản diện tích lúa cấy trước Tết đến nay có nguy cơ xóa sổ. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, nông dân trong tỉnh đã gieo cấy 15 nghìn ha lúa chiêm xuân; tập trung tại các huyện: Ninh Giang, Kim Thành, Tứ Kỳ, Thanh Hà. Qua kiểm tra thực tế, diện tích lúa chết trên địa bàn tỉnh khoảng 11 nghìn ha, chiếm 70% diện tích lúa đã gieo cấy; tập trung tại huyện Ninh Giang, Kim Thành, Tứ Kỳ. Nguyên nhân chủ yếu khiến diện tích lúa, mạ chết do rét đậm, rét hại kéo dài.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, diện tích lúa chiêm xuân đã gieo cấy chủ yếu tại các huyện có tập quán gieo cấy lúa xuân trước Tết, nhất là tại các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ. Mặc dù trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ ngoài trời dưới 15oC, nhưng nông dân một số xã thuộc các huyện trên vẫn xuống đồng gieo cấy lúa chiêm xuân. Vụ chiêm xuân năm nay, tỉnh Hải Dương có kế hoạch gieo cấy 64 nghìn ha lúa; trong đó, có 35% diện tích lúa trà xuân sớm, 65% diện tích lúa trà xuân muộn. Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp tỉnh, năm nay, thời vụ gieo cấy lúa xuân sớm bắt đầu từ ngày 25-1, nhưng do tập quán canh tác, nông dân các huyện đã gieo cấy hơn 10 nghìn ha lúa, kể cả những ngày rét đậm, rét hại. Công tác chỉ đạo sản xuất, tuyên truyền đến nhân dân tuân thủ thời vụ gieo cấy, thời tiết tại một số huyện còn nhiều yếu kém.

Mặc dù diện tích lúa chết không nhiều (650 ha, bằng 10% diện tích gieo cấy vụ chiêm xuân), nhưng việc chỉ đạo khắc phục tình trạng mạ chết, lúa chết tại huyện Bình Giang rất quyết liệt. Bí thư Huyện ủy Bình Giang Phạm Xuân Thăng, cho biết: Ngay từ những ngày đầu xuân, Huyện ủy, UBND huyện và các phòng chức năng đã tập trung cao độ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Ngay trong sáng 13-2, huyện triệu tập Chủ tịch UBND các xã họp bàn các biện pháp chống rét cho mạ, lúa xuân. Ðến nay, huyện đã chuyển hơn 35 tấn giống lúa lai và lúa thuần xuống dân để gieo cấy hết diện tích lúa xuân. Trong khi chờ tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ diện tích mạ và lúa chết, huyện trích ngân sách dự phòng để ứng cho các đơn vị mua giống.

Ðể gieo cấy bù diện tích lúa chết, lượng giống cần cung ứng đến nông dân trong tỉnh khoảng 800 tấn. Hiện các đơn vị cung ứng giống của tỉnh đã chuẩn bị được 470 tấn, trong đó có 310 tấn lúa thuần và 160 tấn lúa lai. Ngành nông nghiệp chỉ đạo các huyện hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo mạ (khuyến khích gieo mạ sân, mạ nền); đối với chân ruộng trũng, gieo mạ dược có che phủ ni-lông; tiến hành cấy lại bằng mạ dược; chuyển mạ sân xuống chân vàn thấp; gieo thẳng ở chân vàn cao; tận dụng các giống lúa ngắn ngày như Q5, KD18, Bắc thơm số 1, Hương thơm số 1 và các giống lúa lai như Ð.ưu 527, Syl 6, ÐN20, HYT 83, HYT 100, BTST, TH 3-3, Nhị ưu 838...

Trong khi nhiều nơi lúa chết, thì một số diện tích mạ và lúa đã cấy tại xã Hiệp Lực (Ninh Giang) lại vẫn xanh, phát triển tốt. Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Lực Lê Lương Dân, cho biết: Từ ba năm nay, nông dân trong xã gieo cấy giống lúa P6. Ðây là giống lúa có khả năng chịu rét rất tốt, đạt năng suất cao (2,5-3 tạ/sào) do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chuyển giao. Vụ chiêm xuân này, xã gieo cấy 50 ha giống lúa P6, hiện đều sinh trưởng và phát triển tốt. Thăm mô hình này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Hoàng Bình yêu cầu ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, nhân rộng giống lúa P6 trong các vụ xuân tới.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Nguyễn Quang Ðồng, nếu trời tiếp tục rét đậm kéo dài, thời điểm kết thúc gieo cấy có thể đến ngày 10-3; khuyến khích các huyện tiến hành gieo thẳng các giống lúa ngắn ngày; tiến hành bơm gạn nước tại các chân ruộng trũng để bảo đảm việc gieo cấy lúa thuận lợi; bảo đảm cung ứng đủ lượng giống lúa; khuyến khích các xã hỗ trợ, chuyển đổi giống lúa. Tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ 50% giá giống lúa đối với diện tích lúa, mạ chết. Tuy nhiên, việc hỗ trợ phải bảo đảm chính xác, đúng đối tượng, đúng diện tích. Hiện nay, ngành nông nghiệp đã gửi đến tất cả các xã quy trình kỹ thuật gieo và chống rét cho mạ, lúa xuân. Quy trình này sẽ được phát trên hệ thống truyền thanh các xã. Mặc dù thời tiết diễn biến  phức tạp, nhưng tỉnh Hải Dương quyết tâm không để trắng ruộng. Kinh nghiệm cho thấy, năm nào thời tiết rét đậm kéo dài thì năm đó lại được mùa.