Sau hơn 1 giờ đi tàu trên vịnh Lan Hạ, chúng tôi đến Áng Gảy, gặp anh Hoàng Xuân Thuỷ, một trong những người đầu tiên mở nghề nuôi tu hài lồng bè gắn bó với mặt vịnh, từ năm 2004. Anh Thuỷ kể lại: “Khi mới bắt tay vào công việc, tôi rất băn khoăn, bởi nuôi tu hài đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí lớn mình không nắm bắt được ? Rút kinh nghiệm từ không ít lần thất bại và được cán bộ của Viện Nghiên cứu hải sản hướng dẫn kỹ thuật, qua 1, năm cả gia đình tôi vật lộn với biết bao khó khăn, lứa tu hài đầu tiên thành công, cho năng suất 10-15 tấn/ha. Với khoảng 200 lồng nuôi tự tạo, mỗi lồng nuôi thả 100 con giống, trừ chi phí, gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ năm. Hiện nay, ngoài nuôi tu hài thương phẩm, tôi còn nuôi tu hài giống cung ứng cho bà con. Mặt nước khu vực Áng Gảy này, cứ nơi nào phát hiện có môi trường phù hợp nuôi tu hài là tôi thả con giống”. Nói về kỹ thuật nuôi tu hài, anh Thuỷ sôi nổi giới thiệu:
-Thuận lợi lớn nhất của nghề nuôi tu hài là không phải cho ăn, chỉ mất tiền đầu tư ban đầu về giống, lồng. Đáng chú ý, do đặc tính sinh học, tu hài nuôi không làm ảnh hưởng mà còn góp phần làm trong sạch môi trường nước biển. Để nuôi được tu hài, chỉ cần làm các lồng rất đơn giản với diện tích khoảng 10-15m2/ô, cho ô lồng chìm ở độ sâu 2-3m, đổ cát vào các ô đó tạo môi trường giống như tự nhiên, gồm một tập hợp cát, vỏ nhuyễn thể, vụn san hô được thiên nhiên làm sạch (không phải cát mịn, cát xây dựng). Về thức ăn, tu hài hầu như chỉ ăn các sinh vật có sẵn trong biển như tảo, rong, rêu, lại ít bị dịch bệnh, vì thế nguồn lợi tu hài mang lại rất lớn.
Tại khu vực Hòn Ông Bụt, chúng tôi gặp vợ chồng bác Vũ Ngọc Lanh- Phạm Thị Hằng. Hai bác cho biết, đã nuôi tu hài trên vịnh Lan Hạ 6 năm nay, hiện có hơn 200 lồng với hơn 20 nghìn con giống. Với giá bán tu hài thương phẩm đại trà khoảng 180 nghìn đồng/kg như hiện nay (trong các nhà hàng, khách sạn giá cao hơn, 250 -300 nghìn đồng/kg), mỗi năm gia đình thu nhập hơn 200 triệu đồng. Theo tiêu chuẩn, mỗi mét vuông mặt nước nuôi được 4 lồng; lồng bằng nhựa, kích thước nhỏ nên khá rẻ. Với thời giá này, đầu tư cả giống và vật tư cho mỗi lồng khoảng 100.000 đồng. Tính từ lúc thả giống, sau khoảng 14 - 15 tháng được thu hoạch. Đáng chú ý là không như nuôi cá và tôm, đến thời điểm thu hoạch tu hài nhưng vì lý do nào đó cần lùi thời gian cũng chẳng sao, không tốn thêm chi phí cho người nuôi, cũng không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm...
Theo Phòng nông nghiệp- PTNT huyện Cát Hải, từ chỗ chỉ có vài hộ nuôi tu hài, đến nay, con số này trên vùng biển Cát Bà là hơn 70, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Các hộ nuôi chủ yếu tại khu bãi bồi cát và nuôi lồng bè ở những khu vực mặt nước yên tĩnh, không bị ô nhiễm, các áng nước kín gió trong vịnh Lan Hạ và vịnh Cái Bèo. Trung tâm quốc gia giống hải sản miền Bắc (thuộc Viện Nghiên cứu hải sản) tại xã Xuân Đám cung ứng giống tu hài bảo đảm chất lượng và hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi thả. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, sản lượng tu hài tại Cát Bà đạt 8 tấn, có giá trị kinh tế cao.
Cần sớm quy hoạch vùng nuôi
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, Cát Bà là một trong hai vùng biển nước ta có tu hài phân bố tự nhiên. Môi trường nước ở Cát Bà, nhất là vịnh Lan Hạ hội đủ điều kiện để nuôi tu hài bởi, ở đây có nhiều đảo, vụng kín, nước sạch, xa khu dân cư, xa nguồn ô nhiễm. Vùng nước phù hợp để nuôi tu hài ở Cát Bà hiện có khoảng 500 ha. Đặc biệt, ngay tại địa phương, Trung tâm quốc gia giống hải sản miền Bắc chủ động sản xuất con giống bảo đảm chất lượng, có khả năng cung cấp cho nhiều hộ nuôi. Với những điều kiện này, nuôi tu hài có thể nhân rộng thành nghề nuôi hiệu quả, mở hướng phát triển mới bền vững cho nuôi thuỷ sản nước mặn.
Trước lợi nhuận ngày càng lớn, số hộ nuôi tu hài ở Cát Bà không ngừng tăng lên sau mỗi năm. Bài học về tự phát nuôi cá lồng bè ồ ạt, không chú ý chất lượng con giống, bế tắc trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nguồn nước nuôi lồng bè bị ô nhiễm đang hiện hữu trên vùng biển Cát Bà mang tính thời sự cao, cần được huyện Cát Hải rút kinh nghiệm trong phát triển nghề nuôi tu hài. Để tránh được những khó khăn trên, Sở Nông nghiệp- PTNT và huyện Cát Hải cần phối hợp khảo sát, xây dựng quy hoạch vùng nuôi tu hài hợp lý, định hướng cho người dân. Bên cạnh đó, huyện cần phối hợp với các ngành chủ động cấp phép cho các hộ nuôi, nâng cao hiệu lực quản lý, yêu cầu các hộ nuôi cam kết thực hiện đúng quy hoạch, bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương vào cuộc tích cực hơn, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm lâu dài trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp để có hướng xuất khẩu sản phẩm.