00:00 Số lượt truy cập: 3230559

Hải Phòng: Phát triển mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản đang được chú trọng phát triển ở thành phố. Cùng với việc ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật đã hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. 


Trong lĩnh vực trồng trọt, một số chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu như: làm đất, vận chuyển, đập tách hạt, bơm nước. Các khâu mới như gieo mạ khay, khâu cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, gặt lúa,…ngày càng được triển khai bằng cơ giới hóa; tỷ lệ cơ giới hóa các khâu công việc trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.

Ngành chăn nuôi chuyển mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô trang trại và gia trại. Trên địa bàn thành phố hiện có 3 doanh nghiệp chăn nuôi tập trung, 939 trang trại, trên 10.000 gia trại, trong đó, hầu hết các trang trại, gia trại lớn có áp dụng cơ giới hóa trong sử dụng hệ thống chuồng trại bán tự động, áp dụng cơ giới hóa vào một số khâu như vệ sinh, làm mát chuồng trại, chế biến và cung cấp thức ăn, nước uống cho vật nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi,…

Lĩnh vực thủy sản, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giống thủy sản, chăn nuôi công nghiệp; mức độ cơ giới hóa trong nuôi công nghiệp đạt tỷ lệ khá cao trong các khâu sản xuất, chế biến thức ăn trang trại (50%), sục khí ao đầm nuôi công nghiệp (70%), cung cấp nước (80%), cơ giới hóa vệ sinh ao đầm (30%),…

Tại Hải Phòng còn phổ biến một số loại hình dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp như hộ tư nhân hoặc một nhóm tư nhân góp vốn đầu tư mua máy móc thiết bị để dịch vụ các khâu làm đất, tuốt đập lúa, gieo, cấy hạt hoặc doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại đầu tư mua máy móc để tự phục vụ nhu cầu của đơn vị và chính, ngoài ra có thể cung cấp dịch vụ cho nhân dân xung quanh. Đồng thời, hiện nay, ở một số Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã hình thành mô hình dịch vụ cơ giới hóa liên kết với các khâu sản xuất như: giống, làm đất, gieo cấy, tưới nước, thu hoạch dưới sự điều hành của hợp tác xã. Mô hình đã đem lại hiệu quả cao, thúc đẩy cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí lao động, chất lượng hoạt động của máy đáp ứng quy trình thâm canh, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất./.