Cuộc suy thoái kinh tế cuối năm 2008, đầu năm 2009 gây nên những tổn thất lớn cho toàn xã hội. Cuộc khủng hoảng này đã bộc lộ những mặt tồn tại, thiếu sót của ngành chế biến thủy hải sản tại BR - VT.
Tính tới hết tháng 9/2009, tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy hải sản của BR - VT mới đạt hơn 145 triệu USD hơn một nửa kế hoạch năm. Số lượng hàng hải sản xuất khẩu cũng mới chỉ đạt 52 ngàn tấn, so với 90 ngàn tấn xuất khẩu năm 2008. Thị trường nhiều nước bị thu hẹp.
Bên cạnh việc sụt giảm thị trường, giá xuất…, DN nào cũng thiếu nguyên liệu đầu vào. Có DN chỉ mua được chưa tới 30 phần trăm lượng nguyên liệu so với năm trước, và chỉ vận hành 1/10 công suất.
Thiếu nguyên liệu do việc đánh bắt xa bờ được khuyến khích nhưng lại không phát triển mà thay vào đó là những đội tàu đánh bắt gần bờ. Ngư trường nước nông nên chất lượng hải sản thấp là điều dễ hiểu. Nếu không cố mua thì thiếu nguyên liệu, mà mua thì chất lượng hàng xuất sẽ giảm.
Đã vậy, khâu bảo quản nguyên liệu sau khai thác của các tàu đánh bắt lại rất kém, dẫn đến chất lượng giảm thấp.
Chính vì vậy các DN chế biến thường rơi vào tình trạng “no dồn, đói góp”, có lúc thì nguyên liệu dồn dập, giá bán hải sản rẻ, có lúc khan hiếm, giá tăng vọt, hết sức bấp bênh, ảnh hưởng rất lớn tới đơn hàng về cả số lượng lẫn giá thành. Mà đặc thù của hoạt động xuất khẩu là cần sự ổn định, hợp đồng thường được ký kết ngay từ đầu năm.
Trong khi việc đánh bắt gặp rất nhiều vướng mắc thì việc nuôi trồng cũng không đáp ứng được yêu cầu vì người dân đều nuôi tự phát.
Về việc quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản để cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến, một cán bộ Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn BR - VT cho biết: Đã lập dự án quy hoạch 13 khu nuôi tôm, cá, nhưng không có tiền (ngân sách) nên dự án chỉ nằm trên giấy.
Trong khi đó, các DN chế biến thủy sản XK của BR - VT thu mua hải sản ở địa phương khác chật vật do không thể cạnh tranh. Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Cty TNHH Ngọc Tùng cho biết: Cách đây vài năm, mua bạch tuộc tại các tỉnh miền tây khá dễ dàng, nay không thể mua được, dẫu doanh nghiệp chấp nhận giá cao.
Các địa phương khác có nhà máy chế biển thủy hải sản rất hiện đại, được đầu tư xử lý nước thải bài bản, nằm ngay cảng nên ngư dân đánh bắt về là đưa thẳng vào khâu chế biến nhưng vẫn gặp khó khăn.
Chế biến chưa an cư
Cty Cổ phần Thực phẩm Việt - KCN Đông Xuyên xả nước thải không qua xử lý ra môi trường - Ảnh: A.N |
Đã gần chục năm nay, BR - VT vẫn lúng túng không biết nên đặt mấy ông nhà máy chế biến hải sản ở đâu để không gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng du lịch và tiện lợi cho ngành đánh bắt.
Việc chuyển toàn bộ các nhà máy sơ chế hải sản ra khỏi TP Vũng Tàu và những khu vực đông dân cư đã thực hiện từ 5, 6 năm nay nhưng chưa xong cũng vì lý do trên.
Ban đầu, các cơ quan chức năng chọn lựa Long Sơn,TP Vũng Tàu là điểm hội tụ của các nhà máy chế biến hải sản, nhưng sau đó lại dẹp kế hoạch này vì ưu tiên cho những lĩnh vực phát triển cao của ngành dầu khí. Tiếp tới, Lộc An, huyện Đất Đỏ được chọn lựa và lại tiếp tục bị dẹp.
Xã Tân Hải, huyện Tân Thành cũng được đưa lên bàn cân và hiện nay có khá nhiều DN đang hoạt động trong khu vực này, nhưng tình trạng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng khiến các nhà lãnh đạo đau đầu và lại tiếp tục tìm kiếm một địa điểm khác.
Bao giờ tìm được một nơi hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” chưa biết, chỉ có DN là khổ vì không thể an cư.
Chị Lê Thị Vinh, Chủ DNTN thủy sản Hà Giang cho biết, cơ quan chức năng đã hứa nhiều lần, nhưng đến nay vẫn không có quy hoạch. Những doanh nghiệp khác đang tồn tại ở khu dân cư như Hà Giang thì hoạt động rất khó khăn vì chỉ cần một sơ sót nhỏ là nước thải bốc mùi và người dân kéo đến bao vây phản đối.
Việc không an cư gây hậu quả trầm trọng. Trên địa bàn BR - VT hiện nay có 26 DN chế biến hải sản xuất khẩu, đó là chưa kể hàng trăm DN khác chế biến, gia công lại cho những DN này và tỉnh bạn, chỉ có duy nhất hai đơn vị đang hoạt động trong KCN Đông Xuyên là Hải Việt và Thực phẩm Việt có giấy phép đầu tư và giấy phép xây dựng.
Tất cả các DN còn lại đều xây dựng chui nhưng hoạt động một cách công khai xả thải ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. UBND tỉnh BR - VT khó xử lý vì chưa tìm được nơi an cư cho các nhà máy này.
Giám đốc một DN cho biết không có nơi an cư, DN không đầu tư nâng cấp nhà máy và dây chuyền sản xuất. Hậu quả là thiết bị công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm giảm so với tỉnh bạn và khó thâm nhập vào thị trường nước ngoài hơn.
Việc không xây dựng hoặc xây dựng không đạt yêu cầu các hệ thống xử lý nước thải cũng bị DN vin vào lý do chưa an cư này. Một chủ DN tại Tân Hải, Tân Thành cho biết, chẳng biết chúng tôi ở đây được bao lâu nữa, mà hệ thống xử lý nước thải đâu phải rẻ tiền, đầu tư 6 - 7 tỷ đồng chưa chắc đã đạt chuẩn.
Trong tháng 10/2009 BR - VT đã có tới ba DN xả nước thải chế biến hải sản chưa qua xử lý ra môi trường bị phát hiện và bị phạt. Tụt hậu của ngành hải sản BR - VT đã thấy rõ.