Hồ Sông Quao thuộc huyện Hàm Thuận Bắc lớn nhất tỉnh Bình Thuận hiện nay với dung tích hữu ích 73 triệu m3 nước, đã cạn trơ đáy. Phó Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình (KTCT) thủy lợi huyện Hàm Thuận Bắc Lê Văn Kiểm, cho biết: "Mực nước chết của hồ Sông Quao ở cao trình 72, tương ứng 5,7 triệu m3 nước, nhưng hiện nay, mực nước trong hồ đã xuống cao trình 71.8, tức là lượng nước còn lại đã thấp so với mực nước chết 20 cm". Nước hồ Sông Quao cạn kiệt vì thời gian qua mưa nguồn không đáng kể, nước đổ về hồ chỉ đủ bù đắp lượng nước bốc hơi, trong khi đó, hồ phải thường xuyên mở nước tưới và cung cấp nước sinh hoạt. Hồ Sông Quao cạn kiệt, thì hồ Suối Ðá và các ao, bàu tự nhiên khác trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc cũng không còn nước.
Buổi trưa, trời Hàm Thuận Bắc nắng như đổ lửa. Ði dọc cánh đồng thôn Phú Sơn thuộc xã Hàm Phú và dọc tuyến đường tỉnh ÐT 711 thuộc địa phận các xã Thuận Hòa, Hồng Liêm, Hồng Sơn, chúng tôi nhận thấy nhiều thửa ruộng lúa, rẫy mía đã cháy khô. Tuy vậy, những chân ruộng còn nước, lúa vẫn rất xanh tốt, nhiều nơi gié lúa đã cong cong lưỡi liềm. Trưởng thôn Phú Sơn Trần Ngọc Tiến, cho biết: Vụ hè thu năm nay, cả thôn xuống giống 115 ha "ăn" nước hồ Sông Quao và 54/120 ha "ăn" nước trời. Trà lúa đã được 60, 70 ngày tuổi. Xí nghiệp thủy nông huyện đã đưa nước về chống hạn được ba đợt, nhưng ở đợt thứ ba mới kết thúc ngày 17 vừa rồi, có đến 83 ha lúa không đủ nước. "Có nước đầy đủ, vụ hè thu này bà con tôi sẽ trúng lớn, vì lúa tốt lắm. Nhưng năm ngày nữa mà trời không mưa, nước không có, nhiều khả năng sẽ mất trắng. Trong khi tiền của đầu tư mọi thứ từ đầu vụ không dưới 1,5 triệu đồng/ sào" - Ông Tiến rầu rĩ cho biết thêm.
Không riêng ông Tiến và bà con thôn Phú Sơn, mà nông dân nhiều vùng khác ở Hàm Thuận Bắc cũng đang "rầu thúi ruột" vì nắng hạn.
Vụ hè thu năm nay, toàn huyện Hàm Thuận Bắc xuống giống hơn 14 nghìn ha cây trồng ngắn ngày, trong đó diện tích lúa gần 8.900 ha, vượt so với kế hoạch hơn 16%. Tính đến ngày 15-7, tổng diện tích lúa thiếu nước tưới của toàn huyện lên đến 3.978 ha, phần lớn là trà lúa từ 30 đến 60 ngày tuổi và lúa trổ. Theo đó, diện tích (thiếu nước) trong vùng chủ động nước tưới của hồ Sông Quao và hồ Suối Ðá là 2.911 ha; số diện tích ở những vùng không chủ động nước tưới là 1.067 ha. Trong số diện tích lúa thiếu nước, đã có hơn 663 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên, tập trung tại các xã Hàm Chính, Hàm Liêm, Hồng Liêm, Thuận Hòa. Cùng với đó, hơn 2.600 ha hoa màu khác cũng đang thiếu nước, bắt đầu héo úa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến năng suất.
Từ đầu tháng 7, huyện Hàm Thuận Bắc đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất hàng đầu là chống hạn. Từ huyện đến các xã, thị trấn đã hình thành ban chỉ đạo theo từng cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên. Phương châm của huyện là khai thác tối đa, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn nước; ưu tiên tưới cho lúa trổ trước, lúa nhỏ sau và diện tích khô tưới trước, còn ướt tưới sau.
Cụ thể, sử dụng nước hồ Sông Quao đến cao trình 69.0, nhưng chỉ khoanh vùng tưới ưu tiên cho diện tích lúa đang trổ để bảo đảm có thu hoạch. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, chỉ tập trung tưới cho khoảng 1.769 ha thuộc tuyến Long Giang và Giang Mâu, cắt toàn bộ các tuyến khác. Trước đó, hồ Sông Quao đã cắt nước chuyển về Nhà máy nước Phan Thiết và nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho thành phố này được lấy từ đập Ba Bàu ở huyện Hàm Thuận Nam. Vận động bà con nông dân tận dụng mọi nguồn nước sông, suối, ao, bàu, giếng để bơm tưới cứu số diện tích lúa còn lại, chờ mưa. Sử dụng nguồn nước còn lại ở hồ Suối Ðá khoảng 270 nghìn m3, duy trì tưới cho 388 ha lúa của xã Hồng Sơn, khi đến mực nước chết, huy động máy bơm để bơm tưới.
Ðối với những trà lúa đã bị thiệt hại từ 60% trở lên, vận động bà con nông dân phá bỏ, chuẩn bị đất để đến đầu tháng 8 xuống giống lại vụ mùa theo vùng quy hoạch, hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác ít sử dụng nước. Cùng với đó, huyện Hàm Thuận Bắc cũng đang lập danh sách cụ thể các trường hợp bị thiệt hại sản xuất do nắng hạn để trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.
Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận vừa có tờ trình lên UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí chống hạn trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc với tổng dự toán gần 3,8 tỷ đồng. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã đồng ý giải quyết cho Công ty KTCT thủy lợi tỉnh tạm ứng hơn 1,7 tỷ đồng để khẩn trương tiến hành tu sửa, nạo vét, bơm nước hồ Sông Quao, hồ Suối Ðá và đào ao trong khu vực bị hạn ở xã Thuận Hòa để chống hạn.
Theo các chuyên gia về thủy lợi và kinh nghiệm của các lão nông ở huyện Hàm Thuận Bắc: vụ hè thu năm nay bị nắng hạn, dường như có sự lặp lại theo chu kỳ 10 năm một lần. Vụ hè thu năm 1988 và năm 1998, huyện Hàm Thuận Bắc cũng đã từng đối mặt với nắng hạn. Với kinh nghiệm sẵn có, sự quyết liệt vào cuộc của toàn huyện và sự giúp đỡ của tỉnh Bình Thuận, hy vọng, Hàm Thuận Bắc sẽ giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do nắng hạn cục bộ gây ra trong vụ hè thu năm nay.