00:00 Số lượt truy cập: 2672776

Hạn hán ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) - Dân khát, “quan” đủng đỉnh! 

Được đăng : 03/11/2016

Đến hẹn lại lên, năm nào cũng thế, cứ đến mùa nắng nóng, người dân xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) lại phải đối diện với cơn khát. Nước sinh hoạt phải mua từng thùng; còn nước sản xuất, nông dân chỉ biết chờ trời…


  • “Ớn lạnh” giữa mùa nắng

Hán hán kéo dài, người dân Bình Trị sống đầy vất vả

Bình Trị là xã có hơn 90% dân số làm nông nghiệp với diện tích khoảng 630ha. Thế nhưng, chỉ khoảng 30ha chủ động được nguồn nước tưới, còn lại chủ yếu trông chờ vào nước trời. Cứ đến mùa nắng, năm nào cũng thế, đất ruộng khô cằn gốc rạ. Năm nay, nghe dự báo thời tiết, người dân “ớn lạnh”  giữa mùa nắng trước thông tin nắng hạn sẽ kéo dài.

Đúng như dự báo, mới đầu mùa nắng 2007, Bình Trị đã bước vào cuộc chiến khô hạn: những cánh đồng trơ gốc rạ, khô khốc và nứt nẻ; nước sinh hoạt cạn kiệt. Chị Huỳnh Thị Vui, Đội 9, thôn Vinh Đông, cho biết: “Cứ đến mùa nắng, đất sản xuất của xã đều phải bỏ hoang, nếu có gieo trồng thì cũng bị chết khô. Nhiều lúc, cả làng chỉ còn 1 cái giếng nước. Những người trong nhà phải thay phiên nhau trực mới lấy đủ nước để dùng”. Đến khi cái giếng cuối cùng của làng cũng cạn thì phải đành mua nước uống loại bình 20 lít với giá 10.000đ/bình, dùng tằn tiện lắm cũng không đủ trong ngày. Muốn tắm giặt thì phải ra sông Ly Ly cách nhà gần 2km.

Chủ tịch UBND xã Bình Trị, ông Nguyễn Văn Diên, cho biết: Vì không có nước sản xuất nên kinh tế của xã không phát triển được. Nhiều thôn, nông dân chuyển từ cây lúa sang các loại cây ngắn ngày như ngô, lạc... nhưng không có nước thì chẳng cây gì chịu nổi.

Nhiều người vay tiền để nuôi bò, trâu nhưng càng thua lỗ hơn. Vì không sản xuất được, nhiều thanh niên bỏ làng đi đào vàng ở Phước Sơn kiếm sống. Và cũng từ đây, những tệ nạn xã hội theo chân các thanh niên này về làng, đặc biệt là căn bệnh thế kỷ HIV. Ước tính của xã, cho đến hiện nay, toàn xã đã có 37 người chết vì ma túy và HIV,  10 trường hợp nhiễm HIV đang chờ chết. Tuy nhiên, con số thực tế có thể nhiều hơn. Thậm chí, một gia đình có 2 anh em bỏ mạng vì nghiện ma túy.

  • 5 năm xây một công trình...

Hạn hán gay gắt, cây trồng không phát triển nổi

Trước căn bệnh thiếu nước “thâm căn” ở Bình Trị, năm 2002, Bộ NN-PTNT đã có dự án xây dựng công trình hồ chứa nước Đông Tiễn tại Bình Trị với tổng kinh phí hơn 104 tỷ đồng. Trước dự án “giải hạn” sắp được triển khai trên xã mình, người nông dân Bình Trị khấp khởi chờ. Đến năm 2006, dự án này được chuyển giao Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Và cho đến nay, sau mấy năm chờ đợi “giải khát”, dự án hồ chứa nước Đông Tiễn vẫn còn nằm trên giấy, mặc cho hàng ngàn người dân Bình Trị đang ngày đêm trông đợi.

Anh Nguyễn Luyến  (Đội 7, thôn Vinh Đông) người có đất canh tác nằm ở dự án hồ Đông Tiễn cho biết, 4ha đất của gia đình anh được đóng cọc vào năm 2000. Năm 2002, diện tích đất trên được kiểm định và áp giá hỗ trợ đền bù. Trong thời gian chờ được đền bù, anh Luyến và các hộ dân có đất tại hồ Đông Tiễn chỉ trồng các loại cây ngắn ngày không dám trồng cây lâu năm.

Những người dân ở Đội 6, thôn Vinh Đông - thuộc diện di dời khi xây dựng hồ Đông Tiễn - càng khốn khổ hơn. Từ năm 2002 đến nay, các hộ dân này không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa, không dám trồng các loại cây ăn quả lâu năm vì sống trên đất đã được kiểm định và áp giá đền bù. Không chỉ có người dân nằm trong diện giải tỏa di dời “nóng ruột” mà tất cả người dân xã Bình Trị và nhiều xã lân cận đều mong dự án nhanh chóng được triển khai để có nước sản xuất và sinh hoạt.

Khi tiễn chúng tôi, ông Nguyễn Văn Diên cũng tỏ vẻ nôn nóng: “Nếu hồ Đông Tiễn được xây dựng xong, có nước dùng cho sản xuất, sinh hoạt thì bộ mặt kinh tế - xã hội của xã sẽ thay đổi rất nhiều”. Thế nhưng, sự chờ đợi của người dân tại đây sẽ còn kéo dài vì dự kiến đến năm 2008, dự án hồ Đông Tiễn mới được khởi công!.