|
Sản xuất đường ở Công ty Mía đường Long Mỹ Phát-Hậu Giang |
Theo ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, vụ mía năm 2014-2015, toàn tỉnh xuống giống được 12.559 ha, giảm 1.448 ha so với cùng kỳ, hiện mía trong giai đoạn từ 4 tháng đến 8 tháng tuổi và đang phát triển tốt. Hiện, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ đã ký hợp đồng bao tiêu cho người dân nằm trong vùng mía nguyên liệu do công ty phụ trách là trên 10 nghìn ha. Diện tích còn lại là 2.454 ha đang được Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát triển khai hợp đồng bao tiêu đến người dân.
Một điểm khác giữa năm nay và các năm trước trong thu mua mía ở Hậu Giang là cơ chế giá. Theo đó, năm nay 2 doanh nghiệp thu mua mía ở địa phương này đưa ra mức giá thu mua khác nhau. Trong đó, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ mua là 830 đồng/kg, mía 10 trữ đường tại cầu cảng nhà máy/xí nghiệp. Công ty Long Mỹ Phát là 700 đồng/kg và mua tại ruộng. Đây là giá sàn bảo hiểm, vào thời điểm thu hoạch, nếu giá thị trường tăng thì giá mua mía của người dân sẽ được tăng lên, tuy nhiên, nếu giá mía thị trường có giảm, các công ty nói trên cũng sẽ không mua thấp hơn mức giá đã hợp đồng từ trước.
Để việc thu mua mía năm nay thuận lợi cho người trồng mía và đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, ngành chức năng của Hậu Giang đã đề nghị các địa phương điều tra, thống kê lại tuổi mía, giống mía ở từng vùng cụ thể, từ đó có thể phân chia vùng thu hoạch theo từng thời điểm thích hợp, hạn chế việc thu hoạch đồng loạt dẫn đến thiếu nhân công, giá thuê đốn mía tăng, thương lái ép giá thu mua.
Hiện nay, cây mía đường đang trở thành cây kinh tế chủ lực thứ 2 trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang. Để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng mía, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy đường, tăng thu nhập cho người nông dân. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã phối hợp chặt chẽ với các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh trong việc, chú trọng phát triển cây mía đạt chất lượng cao, thông qua xây dựng cánh đồng mẫu mía, các mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo, tập huấn ngay tại chân ruộng. Được biết, để giúp người dân trồng mía được thuận lợi, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cũng đã tiến hành xây dựng đê bao vùng mía nguyên liệu với diện tích khép kín hơn 5.000ha. Dự án nhằm giúp bà con chủ động nguồn nước trong sản xuất mỗi khi mùa lũ về, đồng thời tạo điều kiện cho người dân có thể thu hoạch mía rải vụ, hạn chế việc đốn mía non chạy lũ và có thể áp dụng biện pháp trồng lưu gốc, hạ giá thành sản xuất.
Với các giải pháp thiết thực trong triển khai trồng mía ở Hậu Giang, hiện người trồng mía ở địa phương này đã thực sự quan tâm và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính vì vậy, hầu hết diện tích mía ở Hậu Giang đã sử dụng các loại giống mới năng suất, sản lượng đạt với yêu cầu của các doanh nghiệp thu mua./…