00:00 Số lượt truy cập: 3235817

Hậu Giang: Muốn giàu nuôi cá 

Được đăng : 03/11/2016
Thay vì độc canh cây lúa, người dân xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ - Hậu Giang) chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, nâng cao được hiệu quả kinh tế ngay trên vùng đất nhiễm phèn mặn.


Thay đổi tư duy canh tác

Đất đai bị nhiễm phèn mặn, nên chỉ có một số ít cây trồng thích ứng với vùng đất Vĩnh Viễn. Thế nhưng, nhờ vào sự quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông gắn kết với thủy lợi, cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật, mà quá trình canh tác, năng suất lúa của người dân trong xã ngày càng được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Từ vùng đất chỉ có thể canh tác một vụ lúa, nhưng đến nay phần lớn diện tích đất trồng lúa của người dân trong xã có thể canh tác được cả 3 vụ lúa trong năm.

Dựa vào nền tảng hạ tầng, đó là hệ thống kênh thủy lợi nội đồng, rồi các tuyến kênh chính dẫn ngọt, rửa phèn được quan tâm đầu tư nạo vét hàng năm, cùng hệ thống đê bao khép kín đất nông nghiệp, mà nhiều người dân xã Vĩnh Viễn mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, nhất là những loại thủy sản đặc trưng của vùng đất Hậu Giang, mà cụ thể là con cá rô đồng. Ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng ấp 2, một trong những người nuôi cá rô đầu tiên trong xã chia sẻ: “Canh tác một vụ lúa rồi đến 3 vụ trong năm, nhưng cuộc sống người dân vẫn còn khó khăn bởi giá cả lẫn đầu ra của hạt lúa đôi lúc còn bấp bênh”. Do đó mà khoảng 3 năm trước, sau khi thấy những hộ dân ở các xã lân cận nuôi cá rô đồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao thay vì độc canh cây lúa, nên ông Ninh gắng công tìm hiểu kỹ thuật để về đào ao nuôi cá rô đồng. Vụ đầu tiên chỉ với diện tích mặt nước gần 350 m2, sau thời gian 4 tháng nuôi, ao cá rô đã mang về cho ông khoản tiền lời trên 50 triệu đồng. Các vụ tiếp theo do giá cả thức ăn tăng vọt mà giá cá thấp, có thời điểm rớt giá thậm tệ ở mức 22.000 - 23.000 đ/kg (loại 1), nên lợi nhuận không nhiều. Tuy vậy, theo ông Ninh, vẫn quyết tâm theo đuổi nghề nuôi thủy sản, vì đây là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi rất phù hợp cho vùng đất này.

* Triển vọng cá rô đầu vuông

Thời gian gần đây, con cá rô Hậu Giang (cá rô đầu vuông), loại cá mà người dân Vĩnh Thuận Tây lai tạo thành công đã trở thành “hiện tượng lạ” trong nghề nuôi thủy sản của người dân Hậu Giang. Thời gian chăm sóc cá rô đầu vuông ngắn, cá lớn nhanh so với cá rô đồng. Thời gian nuôi khoảng 3,5 tháng là có thể cho thu hoạch, trọng lượng trung bình khoảng 10 con/kg. Vì thế, các thành viên của CLB nuôi trồng thủy sản ấp 2, trong đó có ông Ninh, lại một lần nữa tiếp cận kỹ thuật chăm sóc để thả nuôi loại cá rô này. Tính đến nay, ông đã mở rộng diện tích ao nuôi lên 900 m2. Còn khoảng 20 ngày nữa ao cá rô đầu vuông của ông sẽ cho thu hoạch. Theo ước tính của ông, với mức giá khoảng 28.000 - 29.000 đ/kg (thấp hơn giá thị trường hiện nay khoảng 2.000 - 3.000 đ/kg), nhưng sau khi trừ chi phí mua thức ăn thì vụ nuôi đầu tiên này, con cá rô đầu vuông sẽ mang về cho ông khoản lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Trải qua 2 vụ nuôi cá rô đồng vừa qua, ông Hồ Hồng Hải, thành viên CLB nuôi trồng thủy sản ấp 2 chỉ cầm hòa. Không nản lòng, vụ nuôi này, ông Hải lại chuyển thả nuôi cá rô đầu vuông. Hiện ao cá rô đầu vuông đã hơn 2 tháng đang phát triển khá tốt, nên ông Hải kỳ vọng mình có thể kiếm lời ở vụ nuôi này.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn Nguyễn Văn Lũy cho rằng, phong trào nuôi trồng thủy sản nhen nhóm khoảng 3 năm về trước. Đến nay, phong trào này phát triển khá mạnh bởi hiệu quả kinh tế cao. Diện tích mặt nước một công nuôi cá rô đầu vuông, thời gian khoảng 3,5 tháng, nhưng có thể cho lợi nhuận cao hơn 1 ha lúa/năm. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư ban đầu khá cao, loại cá này còn tiêu thụ chủ yếu trong nước nên xã khuyến cáo người chăn nuôi nên tìm hiểu thị trường, tiến hành chăn nuôi rải vụ để tránh cảnh thừa hàng, bị thương lái ép giá.