Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều dự án khoa học công nghệ, xây dựng và chuyển giao các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân.
Mô hình trồng cây ca cao trong vườn cây ăn trái: tiến hành tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và liên kết trong chế biến hạt ca cao cho 1.126 lượt nông dân trong tỉnh. Dự án đã hỗ trợ 21.092 gói thuốc BVTV; 20.000 cây có múi giống sạch bệnh và 90.000 cây ca cao giống cho người dân trồng thử nghiệm, xây dựng thành công mô hình trồng xen cacao trong vườn cây ăn trái, quy mô 150 ha.
Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng dừa uống nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang: dự án đã hỗ trợ 24.000 cây dừa giống, 30.000 cây cacao giống, 400.000 cây khóm giống cho người nông dân, phóng thích 330.000 ong ký sinh trên địa bàn các huyện, thị, thành; nhận 5 quy trình công nghệ về trồng cải tạo, thu hoạch, bảo quản, quản lý dịch hại trên cây dừa,… tại Trung tâm Dừa Đồng Gò, tỉnh bến Tre. Dự án đã tổ chức 8 cuộc tập huấn kỹ thuật cho 359 người tham dự; 10 cuộc Hội thảo đầu bờ tại thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Châu Thành, Long Mỹ với khoảng 560 lượt người tham dự; xây dựng mô hình trồng dừa uống nước trồng xen với vườn tạp và vườn cây ăn trái kém hiệu quả, qui mô tổng diện tích 150 ha, các mô hình đã xây dựng được nghiệm thu đạt xuất sắc.
Dự án “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ”: Tuyên truyền về kiến thức sở hữu trí tuệ như : các chuyên đề tập trung một số nội dung quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định, thông tư, những vấn đề liên quan đến Sở hữu trí tuệ đã được hiện thực hoá vào nội dung của chương trình từ đó góp phần phục vụ hiệu quả công tác điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, đã xây dựng nhãn hiệu cho các mặt hàng nông sản của tỉnh như: cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, khóm “Cầu Đúc”, cá thát lát “Hậu Giang”, … hay cam soàn Phụng Hiệp cũng đang tiến hành các thủ tục xin công nhận.
Mô hình ứng dụng chế phẩm nấm xanh quản lý dịch hại (rầy nâu, sâu cuốn lá,…) trên lúa: năm 2014 đã hỗ trợ 2.000 đĩa nấm xanh cấp 3 và 10.000 bịch thành phẩm nấm xanh. Mô hình đã quản lý trên 1.115 ha lúa phòng trừ rầy nâu hại lúa ở huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp, thành phố Vị Thanh. Năm 2015 đã hỗ trợ 1.500 đĩa nấm xanh cấp 3 và 6.000 bịch thành phẩm nấm xanh cho nông dân. Đồng thời, hỗ trợ 8 bộ dụng cụ tự cấy nấm cho người dân và thành lập 8 điểm cấy nấm quy mô nông hộ trên địa bàn các huyện, thị, thành.
Mở rộng mô hình trồng nấm ăn: đã hỗ trợ 15.000 bịch meo nấm rơm cho nông dân và hỗ trợ 16.000 bịch phôi nấm bào ngư. Đây là các mô hình giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Giúp người dân trong tỉnh sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, nhằm khai thác nguồn lao động sẵn có - nhất là lao động nông nhàn, tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương (rơm rạ, bã mía, trấu, …) tạo ra sản phẩm hàng hoá sạch, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Xây dựng mô hình thử nghiệm trồng chuối cấy mô sạch bệnh, Trung tâm đã hỗ trợ 7.000 cây chuối giống cấy mô sạch bệnh (năm 2014:3.000 cây; năm 2015:4.000 cây) cho nông dân ở các huyện, thị, thành. Các giống chuối cấy mô có thời gian phát triển nhanh, sạch bệnh, trái lớn, vỏ mỏng, năng suất cao gấp 3 lần giống chuối địa phương. Đây là một trong những tiến bộ giúp người dân tỉnh Hậu Giang cải tạo vườn tạp kém hiệu quả, tăng hiệu quả kinh tế nông hộ trên cùng diện tích khi xây dựng mô hình trồng xen canh trong vườn cây ăn trái khác và mô hình trồng chuyên chuối cấy mô đối với vườn cây ăn trái ở giai đoạn kiến thiết ban đầu.
Phối hợp cùng Trung tâm Ứng dụng Công nghệ - Thông tin của Sở Khoa học - Công nghệ đã tổ chức cho 125 lượt nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT như mô hình sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu, mô hình trồng nhãn Ido, trồng mãng cầu gai, mô hình áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm trên vườn cây ăn trái, rau màu, ... tại các tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Đà Lạt,…Qua các chuyến đi đã tạo điều kiện để người dân tham quan, trao đổi và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý, nâng cao trình độ hiểu biết và khả năng ứng dụng các biện pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Từ đó, góp phần thúc đẩy hoạt động ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả thiết thực, phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh một cách bền vững.