00:00 Số lượt truy cập: 2694131

Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI): Đơn giản mà hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016
SRI là biện pháp ứng dụng kỹ thuật mới vào thâm canh lúa nhằm giảm mật độ gieo cấy, nước tưới, phân bón và thuốc trừ sâu. So với biện pháp thâm canh truyền thống, thực hiện SRI nông dân có thể giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất từ 5,8 - 14,4%

Mô hình SRI ở Mỹ Đức.

SRI ở Thái Lan

Vượt gần 500km từ Thủ đô Băng Cốc, chúng tôi về huyện Tha Thum (tỉnh Surin). Cánh đồng lúa nơi đây đang ở thời kỳ gieo hạt, dễ dàng nhận thấy những thửa ruộng đang thực hiện hệ thống thâm canh cải tiến này.

Ông Tông-In đang kể lại
chuyện học phương pháp SRI.

“Trước đây, dù chúng tôi đã chọn giống tốt, bón phân đầy đủ và phun thuốc trừ sâu nhưng năng suất lúa vẫn không cao. Năm 2008, được biết huyện Tha Thum thử nghiệm phương pháp trồng lúa mới nên tôi sang học hỏi. Sau vụ trồng lúa theo phương pháp SRI, hiệu quả thấy rõ. SRI không những tăng hiệu quả kinh tế từ 15-40%, tăng năng suất từ 25-35kg/rai (1 rai = 1.600m2) mà còn giảm chi phí sản xuất, sức lao động, bảo vệ môi trường...”, ông Tong-In ở Nakawong Tungula, huyện Suwannaphum, tỉnh Roi-et cho biết.

Thực hiện SRI, khi mạ được 8 - 12 ngày tuổi là đem cấy, cấy 1 dảnh, khoảng cách 25 - 30cm/cây. Vì cấy thưa nên sẽ làm tăng ánh sáng mặt trời, giúp lúa sinh trưởng nhanh hơn. SRI chỉ cần giữ ẩm chứ không cần ngập nước, tạo ra nhiều cácbon, kích thích lúa phát triển. Tuy nhiên, cỏ cũng sẽ phát triển nhanh, vì thế nông dân cần lưu ý làm cỏ 1-2 lần/vụ, tuỳ theo chân ruộng.

SRI ở Tha Thum được ông Jarin Angsance, Giám đốc Trường Tiểu học Nam Om giới thiệu và vận động nông dân thực hiện từ năm 2008. Ông cho biết: “Qua giới thiệu của Viện Công nghệ châu Á (AIT), tôi thấy SRI rất tốt cho bà con Tha Thum và quyết tâm mang phương pháp này về giới thiệu. Ban đầu, chỉ vài chục gia đình làm thử, đến nay, số hộ làm theo SRI đã tăng đáng kể”.

Và ở Việt Nam

Trong hội thảo Trao đổi kinh nghiệm về SRI giữa các nước châu Á tại Băng Cốc (Thái Lan) mới đây, nhà nghiên cứu P. Kumar (AIT) cho biết, trong số gần 30 nước áp dụng SRI, Ấn Độ và Việt Nam là hai nước đạt kết quả khả quan nhất.

Kết quả thực hiện SRI tại Việt Nam:

- Tăng năng suất 5,8 - 14,4%.

- Lợi nhuận tăng 21,3 - 50%.

- Giảm lượng phân bón xuống 6,2 - 30,5%.

- Giảm thuốc trừ sâu từ 33,3 - 83%.

- Giảm thuỷ lợi phí từ 11 - 50%.

Về Mỹ Đức (Hà Nội), một trong những huyện được Tổ chức Oxfam và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) hướng dẫn và tài trợ thực hiện SRI, chúng tôi mới thấy rõ hiệu quả của phương pháp này. Theo chị Nguyễn Thị Luông ở thôn Văn Giang, thị trấn Đại Nghĩa: “Tôi có 7 sào ruộng. Những năm trước, tôi cấy lúa và bón phân bình thường, năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 2 tạ/sào. Hai vụ vừa qua, nhờ áp dụng SRI, năng suất đạt 2,1-2,5 tạ/sào”.

Khi áp dụng SRI, lượng giống sẽ giảm được 70%; đạm giảm 30%; hầu như không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận tăng từ 7-10 triệu đồng/ha. Để thuyết phục nhân dân áp dụng SRI, tại Mỹ Đức, ngoài làm mẫu 3ha, lãnh đạo địa phương còn ký cam kết đền bù thiệt hại cho các hộ tiên phong thực hiện nếu mô hình cho năng suất không cao hơn các năm trước. Mặt khác, việc áp dụng hệ thống thâm canh SRI đòi hỏi điều tiết nước hợp lý, chân ruộng không được quá trũng và việc áp dụng phải linh hoạt, tùy điều kiện mỗi địa phương.

Bà Lê Nguyệt Minh (đại diện Oxfam tại Việt Nam) cho rằng: “Nông dân Việt Nam có điều kiện để áp dụng SRI, điều quan trọng là thay đổi nhận thức của họ. Nông dân phải được tập huấn tiến bộ kỹ thuật thường xuyên để thích ứng với cách làm mới. Khi nông dân được nhà khoa học hướng dẫn trên chính thửa ruộng của họ, họ sẽ nắm bắt nhanh hơn, tự tin hơn”.

Theo ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật: “SRI đã được thực hiện ở 6 tỉnh và đạt hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, nông dân thực hiện phương pháp này chủ yếu thông qua sự giúp đỡ của một số tổ chức phi chính phủ nên còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về khuyến nông. Các nhà khoa học chưa thực sự vào cuộc. SRI muốn thành công thì phải có sự hợp tác của cộng đồng, các cấp chính quyền. Nếu SRI được Nhà nước hay tổ chức nào đó đứng ra làm đầu mối thì sẽ được thực hiện trên diện rộng và mang lại hiệu quả cao hơn”.

- SRI (System of Rice Intensification) do nhà khoa học người Pháp Fr. Laulaniere giới thiệu tại Madagascar những năm 1980, sau đó được tiến sỹ Norman Uphoff thuộc Viện Quốc tế về lương thực, nông nghiệp và phát triển của Trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ) phổ biến rộng rãi. Hiện, SRI đang được đánh giá là kỹ thuật thâm canh đầy triển vọng tại 30 nước, bởi nó thoả mãn được cả 2 mục tiêu là đạt hiệu quả kinh tế cao và phát triển nông nghiệp bền vững.

- Tại Việt Nam, SRI được thực hiện từ năm 2007 tại các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh,...