00:00 Số lượt truy cập: 3234078

Hiệu quả từ chương trình Việt GAP 

Được đăng : 03/11/2016
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều vùng trái cây đặc sản. Để phát huy thế mạnh của các vùng chuyên canh, việc lựa chọn chương trình Việt GAP (Việt Nam Good Agriculture Practice) là hướng đi tất yếu. Chúng tôi xin giới thiệu cách làm, kinh nghiệm của một số địa phương đã thành công trong chương trình này.

Việt GAP thực chất là sự mở rộng của chương trình Liên kết sông Tiền đã thực hiện nhiều năm qua. TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Việt GAP cho biết: “Để thay đổi tập tục, cách làm của nông dân không dễ. Chính vì lẽ đó, chúng tôi thường xuyên xuống cơ sở hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vệ sinh môi trường, thu hoạch và bảo quản theo đúng tiêu chuẩn Việt GAP. Đây là việc cần làm và phải làm”.

Ông Trương Đình Hưng, Chủ nhiệm HTX Dương Xuân, xã Dương Xuân Hội (Châu Thành - Long An) chia sẻ: “Được sự quan tâm, giúp đỡ và hướng dẫn của Ban chỉ đạo Việt GAP, HTX đã đi vào hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất. Nhờ đó, thu nhập của 56 hộ xã viên tăng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn có bước phát triển tích cực. Chúng tôi chủ yếu trồng

Chương trình Việt GAP kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt từ A đến Z của dây chuyền sản xuất. Nó bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, canh tác đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ, kể cả các yếu tố liên quan như: môi trường, các chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì và ngay cả điều kiện làm việc, phúc lợi của người lao động trong nông trại.

thanh long sạch, với diện tích 32ha. Năm 2007 và đầu năm 2008, HTX đã thu hoạch 279 tấn, đạt giá trị 837 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn thu được 510 tấn thanh long trái vụ, doanh thu 3, 57 tỷ đồng. Nhờ có chương trình này, thanh long của HTX không những đạt năng suất cao mà chất lượng cũng được nâng lên rõ rệt, đảm bảo sạch, an toàn theo tiêu chuẩn Việt GAP. Trọng lượng, kích thước, màu sắc đáp ứng được yêu cầu của những khách hàng khó tính. Nhờ vậy, chúng tôi có thị trường ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế không nhỏ cho xã viên”.

Là một trong những cơ sở thực hiện Việt GAP đầu tiên của tỉnh Tiền Giang, HTX Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng nên bà con Hoà Lộc chọn xoài là cây trồng chủ lực. Trước đây, tình trạng sản xuất manh mún và nhỏ lẻ khiến xoài cát Hoà Lộc trở nên “lép vế” trước các loại trái cây đặc sản khác. Từ khi thành lập HTX và phát triển theo hướng Việt GAP, các hộ dân hoàn toàn yên tâm trong khâu tiêu thụ, thương hiệu xoài cát Hòa Lộc ngày càng có uy tín nhờ chất lượng sản phẩm ngon, sạch, an toàn, bước đầu chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà khoa học, công ty bảo vệ thực vật và sự tham gia tích cực của 70 xã viên, HTX Hoà Lộc đã có những bước tiến đáng kể. Với 36ha xoài, sản lượng bình quân 450-500 tấn /năm, xã viên HTX đã có cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn. Nhiều hộ còn mở rộng diện tích, đưa xoài trở thành cây kinh tế mũi nhọn.

Bà Nguyễn Thị Châu, Bí thư Đảng uỷ xã Long Hậu (Lai Vung - Đồng Tháp) cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chương trình Việt GAP và đang xúc tiến quy hoạch cụ thể cho vùng chuyên canh quýt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân thực hiện chương trình. Tuy quýt Lai Vung đã quen thuộc với người tiêu dùng nhưng để kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn Việt GAP, Hội Làm vườn xã đã thành lập 7 chi Hội, mỗi chi Hội chọn 11 hộ làm thí điểm, tiến tới xây dựng vùng sản suất sạch, an toàn. Vừa qua, xã đã hỗ trợ 4 triệu đồng cho những hộ khó khăn thực hiện chương trình để trang bị những vật dụng cần thiết”. Hiện Long Hậu có 593ha quýt, năng suất bình quân 40 – 50 tấn /ha. Quýt thực sự là cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả của địa phương.

TS. Võ Mai khẳng định: “Chúng tôi kết hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp thuốc bảo vệ thực vật có uy tín như: Công ty Nông dược HAI, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang… chính quyền địa phương, các HTX và người làm vườn để đưa chương trình Việt GAP đi đến thành công”. Với những nỗ lực trên, chắc chắn trong tương lai không xa, “vựa” trái cây ĐBSCL sẽ nức tiếng hơn nhờ sản phẩm sạch, an toàn.