Sau nhiều năm nghiên cứu ảnh hưởng canh tác nương rẫy đến khả năng phục hồi dinh dưỡng đất trong giai đoạn bỏ hoá ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, các nhà khoa học trường Đại học Nông nghiệp I đã thu thập được nhiều số liệu quý; đồng thời đưa ra những khuyến cáo quan trọng đối với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, khuyến khích nông dân khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất để phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường bền vững.
Đây là đề tài nghiên cứu cơ bản nhằm sử dụng đất hợp lý, nâng cao thu nhập cho nông dân miền núi; đồng thời khắc phục tình trạng khai thác triệt để vùng đất dốc trong những năm gần đây, đang làm cạn kiệt vốn rừng và tăng diện tích đất bỏ hoang ở nước ta. Với hàng loạt mô hình thí nghiệm trong nhiều năm, trên các hệ thống canh tác có độ dốc khác nhau như: lúa nương + chè, lúa nương + xoan, sắn + xoan, sắn + xoan + cọ, sắn + xoan + bồ đề, xoan + bồ đề và rừng thứ sinh... các nhà khoa học đã rút ra được nhiều dẫn liệu khoa học có giá trị. Đặc biệt là các số liệu về dòng chảy bề mặt, các hợp chất của Ni tơ, Phốt pho, Ka li và sự phục hồi của chúng trong các điều kiện canh tác khác nhau. Từ đó, các tác giả đã đi tới kết luận: việc phát nương làm rẫy trên đất dốc đã làm tăng dòng chảy trên bề mặt (tăng 1,35 lần so với rừng tái sinh) và là nguyên nhân chính gây nên xói mòn nhanh trên đất dốc. Khả năng phục hồi dinh dưỡng đất hoàn toàn phụ thuộc vào các phương thức canh tác và trình độ quản lý nương rẫy của người dân. Thời gian tối thiểu được bỏ hoá, để các vùng đất dốc phục hồi dinh dưỡng trở lại trạng thái ban đầu phải mất từ 11 đến 16 năm. Vì thế, muốn giảm sức ép về nhu cầu lương thực, nhưng vẫn hạn chế tình trạng suy thoái đất, các tác giả đã đề xuất hàng loạt giải pháp như: xây dựng các công trình giảm thiểu xói mòn ở các vùng đất dốc, trồng cây họ đậu để rút ngắn thời gian bỏ hoá; đồng thời làm vườn, trại chăn nuôi và thâm canh lúa nước... nhằm giảm sức ép lên nương rẫy. Nhưng các nhà khoa học cũng khuyến cáo: các biện pháp này cần phát triển đồng bộ và phải đầu tư lớn về sức người, sức của. Vì thế cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước. Hơn nữa, vấn đề canh tác hợp lý trên đất dốc, phủ xanh đất trống đồi núi trọc không chỉ nhằm nâng cao đời sống cho người dân địa phương, mà còn góp phần bảo vệ vùng đầu nguồn cho các tỉnh, thành phố vùng hạ du./.