Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền đã được các cấp, các ngành đặc biệt coi trọng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của đông đảo nông dân về ý nghĩa, hiệu quả tích cực của phong trào thi đua sản xuất kinh doanh. Thông qua các hình thức tuyên truyền phong phú như bảng tin, bảng ảnh, truyền thanh nội bộ, lồng ghép trong sinh hoạt khu dân cư..., người dân trên địa bàn toàn tỉnh đã không chỉ chủ động tham gia đăng ký mà còn thường xuyên hỗ trợ, động viên nhau cùng hăng hái lao động sản xuất. Trong năm 2015, đã có 100% số xã, phường, thị trấn ở Hòa Bình tổ chức phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và vận động hội viên nông dân dăng ký. Theo đó, đã có 70.800 hộ nông dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 101% so với chỉ tiêu. Kết quả, toàn tỉnh có 34.300 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình nông dân thành công nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi là các địa phương như Cao Phong, Lương Sơn, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi...
Điểm nổi bật trong thực hiện phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở Hòa Bình là Hội Nông dân các cấp đã luôn thực hiện tốt vai trò nòng cốt gắn với nhiều nội dung hoạt động thiết thực. Xác định rõ ý nghĩa của việc áp dụng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân đã thường xuyên chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao kỹ thuật đến người dân. Trong năm 2015, đã có gần 14 nghìn lượt nông dân được trang bị các kiến thức sản xuất nông nghiệp; bảo quản, chế biến nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại hơn 250 lớp tập huấn, bồi dưỡng. Hội Nông dân tỉnh cũng tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ năng nghiên cứu thị trường, quản lý tổ hợp tác nông nghiệp cho 70 lượt thành viên các hợp tác xã. Nhiều giống vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cũng được đưa vào sản xuất trên diện rộng góp phần tăng hiệu quả sản xuất của người dân. Các cấp Hội Nông dân cũng thường xuyên thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” giữa hội viên nông dân với các nguồn tín dụng ưu đãi, qua đó giúp giải quyết khó khăn về vốn đầu tư phát triển sản xuất. Riêng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh tỉnh Hòa Bình, trong giai đoạn 2010 - 2015 đã có trên 81 nghìn lượt hộ nông dân được vay vốn; tổng dư nợ tính đến hết năm 2015 đạt hơn 5.800 tỷ đồng. Những nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả; thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương trong tỉnh./.