Thời gian qua, các đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện trên địa bàn tỉnh có hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, y tế, giáo dục, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tập trung vào phục vụ sản xuất đời sống, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong 5 năm qua đã có 07 dự án cấp Bộ và 116 đề tài cấp tỉnh được nghiên cứu với nhiều đề tài được ứng dụng thành công, trong đó các đề tài tập trung cho lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 44,72%. Qua nghiên cứu đã lựa chọn được các giống cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu sâu bệnh và phù hợp với sinh thái của tỉnh, như các giống lúa, ngô chịu hạn, chịu lạnh; lựa chọn được các giống cam CS1, cam canh, cam xã Đoài, cam V2... cho thu hoạch giải vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 04 năm sau, để đảm bảo giống mở rộng diện tích hiện nay đã xác định được các cây đầu dòng của mỗi loại để từ đó phục vụ cho mở rộng diện tích; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới I-Xra-en, kỹ thuật canh tác hiện đại; đồng thời tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao như cam trồng tại huyện Cao Phong và mở rộng địa bàn sang các huyện Lạc Thủy, Kim Bôi, hạt dổi Lạc Sơn, quýt Nam Sơn, bưởi đỏ Tân Lạc, quả lặc lày Lương Sơn, mía tím Hòa Bình... Nghiên cứu thành công việc nuôi cá tầm trên lòng hồ, đẻ nhân tạo giống cá bỗng, cá trắm đen... Việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng đều có sự liên kết 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Có thể khẳng định rằng, việc tập trung nghiên cứu các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp mà ở đó đối tượng là nông dân, nông thôn là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực tế yêu cầu của sản xuất, đời sống. Đã có 170 qui trình công nghệ được nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao; xây dựng được 59 mô hình sản xuất, trình diễn; đào tạo được trên 70 kỹ thuật viên và tập huấn cho gần 2000 lượt nông dân, từ đó hình thành tập quán canh tác theo kỹ thuật tiên tiến; tiếp tục xây dựng mối liên kết 4 nhà: Nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà nông; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật, đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho các cơ quan chủ trì và nông dân góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn. Điển hình là một số đề tài, dự án cụ thể như sau:
Đề tài “Khảo nghiệm sản xuất 2 giống lúa mới MĐ1 và MĐ25 tại tỉnh hòa Bình, nhằm phát triển giống lúa mới cho địa phương”. Đã triển khai mô hình sản xuất tại huyện Lạc Sơn và Kim Bôi. Qua khảo nghiệm đã đánh giá được chất lượng hai giống lúa này đạt chất lượng và năng suất tốt và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá và công nhận một giống lúa mới để đưa vào sản xuất. Đề tài đạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh và giải ba toàn quốc.
Đề tài “Khảo nghiệm, chọn lọc một số giống lúa thuần (lúa thuần ngắn ngày) có khả năng chống chịu sâu bệnh và chịu hạn”. Kết quả thực hiện tại 02 huyện Yên Thủy và Đà Bắc: từ tập đoàn 12 giống đã lựa chọn được 02 giống là CH2 và CH3 có khả năng chịu hạn, sâu bệnh, cho năng xuất cao đã được đề nghị đưa vào tập đoàn giống lúa của tỉnh để mở rộng sản xuất.
Đề tài “Chuyển giao công nghệ và mở rộng sản xuất giống ngô lai ngắn ngày, chịu hạn, năng suất cao LVN25, SH099 tại các huyện trong tỉnh Hòa Bình” đã xây dựng mô hình trình diễn giống ngô LVN25, SB099 vụ xuân và vụ Thu đông tại một số xã của các huyện Đà Bắc; Lạc Sơn; Yên Thủy; Lạc Thủy với quy mô trên 10 ha.Kết quả tại các mô hình cho thấy giống LVN25, SB099 có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu hạn tốt cho năng suất cao hơn 7,5-11,98% và cho hiệu quả kinh tế cao hơn 4,022-6,688 triệu đồng/ha so với giống đối chứng tại địa phương ( DK9001; CP3Q; NK67). Đã Xây dựng, hoàn thiện 2 quy trình sản xuất hai giống ngô LVN25 và SB099 phù hợp với điều kiện của 4 huyện nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung. Đề tài đã mở rộng được diện tích sử dụng giống LVN25 và SB099 lên 400-500ha/huyện. Kết quả bước đầu đánh giá nếu sử dụng 2 giống này hiệu quả kinh tế cao hơn nhờ tiết kiệm tiền giống, năng suất lại có phần trội hơn (với diện tích gieo trồng ngô của tỉnh khoảng 40.000 ha/năm khi sử dụng các giống này sẽ góp phần tiết kiệm cho nhân dân trồng ngô hàng tỷ đồng tiền giống mỗi năm). Đề tài góp phần làm phong phú thêm số lượng giống ngô trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, tạo thêm nhiều cơ hội cho bà con nông dân có sự lựa chọn các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao.
Đề tài “Duy trì và phát triển giống ngô nếp đặc sản Thung Khe-huyện Mai Châu thành vùng sản xuất hàng hóa”. Đã phục tráng và khảo nghiệm sản xuất giống ngô nếp Mai Châu tại Thung Khe, Mai Châu. Kết quả so sánh cho thấy giống ngô này trồng ở Thung Khe đạt hiệu quả cao, hiện nay được trồng rộng rãi và được Sở NN&PTNT tỉnh công nhận là giống ngô nếp bản địa Thung Khe – Mai Châu.
Đề tài“Bình tuyển công nhận cây đầu dòng, nhân giống để mở rộng sản xuất giống bưởi đặc sản (bưởi đỏ, bưởi da xanh) tại xã Thanh Hối – huyện Tân Lạc”. Đã được Sở NN&PTNT cấp giấy chứng nhận công nhận 3 cây bưởi đỏ, 3 cây bưởi da xanh là cây đầu dòng. Nhân giống được 2150 cây bưởi đỏ và bưởi da xanh bằng phương pháp nhân bản vô tính, hoàn thiện quy trình trồng và đề xuất mởi rộng diện tích. Giúp người dân nắm vững được quy trình trồng, chăm sóc và có được giống bưởi đỏ, bưởi da xanh đảm bảo chất lượng từ cây đầu dòng.
Đề tài “Nghiên cứu chọn giống có năng suất cao, nhân giống, xây dựng vườn giống cây ghép cho một số loài cây lâm nghiệp bản địa lấy quả (giổi, sấu, tai chua) tại tỉnh Hòa Bình”. Thay thế được những giống tạp hiện có của địa phương bằng những giống mới có năng suất và chất lượng cao hơn; Thay đổi một phần cơ cấu cây trồng ở địa phương, tăng chủng loại sản phẩm nghề rừng cụ thể đã lựa chọn được 15 cây trội mỗi loài để làm vật liệu ghép và đã ghép thành công được 1.500 cây giổi. 1.500 cây Sấu và 1.200 cây Tai chua tại các vườn ươm tạo điều kiện để phát triển trồng trên diện rộng và sản phẩm của các giống có thị trường tiêu thụ lớn và ổn định để phục vụ công tác trồng rừng trong tỉnh.
Đề tài “Bảo tồn, phục tráng và phát triển giống mía tím tỉnh Hòa Binh” Đã tiến hành xây dựng mô hình phục tráng giống mía tím Cao Phong với quy mô 0,6ha và mô hình lưu giữ giống mía tím tiêu biểu của 5 huyện ( Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy) với quy mô 0,4 ha tại trại sản xuất giống cây trồng Bình Thanh, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Kết quả nghiên cứu đã Xây dựng kế hoạch bảo tồn, lưu trữ giống mía đã phục tráng, xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh giống mía tím tỉnh Hòa Bình đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức chogiúp chính quyền địa phương và người dân được nâng cao nhận thức về kỹ thuật thâm canh giống mía tím Hòa Bình. Hiện nay Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN đã chủ động sản xuất giống mía tím từ phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật đủ để cung cấp cho nhu cầu của thị trường trong tỉnh.
Đề tài“Ứng dụng công nghệ trồng thử nghiệm và nhân giống hoa Lan Hồ Điệp tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hòa Bình và xã Pà Cò huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình”. Trông và xử lý ra hoa đúng dịp tết nguyên đán các giống Lan Hồ Điệp tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình trong các điều kiện môi trường khác nhau. Đã nhân giống, trồng và sử lý ra hoa trái vụ thành công 4.550 cây hoa lan Hồ Điệp. Kết quả đề tài được duy trì, mở rộng cung ứng nguồn giống cũng như hoa tết phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Đề tài“Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất giống cá Bỗng (Spinibarbus denticulatus) và nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm tại tỉnh Hòa Bình". Đã Cho sinh sản được 25.116 con cá giống. Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm trong ao với mật độ nuôi khác nhau và bằng các loại thức ăn khác nhau ( thức ăn công nghiệp và thức ăn tinh + xanh). Kết quả thu được 1.171 kg cá thương phẩm, từ đó xây dựng quy trình nuôi cá Bỗng thương phẩm. Đây là loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao, có nhiều ưu điểm, kích cỡ to, thịt thơm ngon màu sắc đẹp. Bước đầu đã nhân rộng được một số mô hình nuôi cá Bỗng; chủ động cung cấp (sản xuất) được giống cá này thay thế cho phải thu lượm từ tự nhiên như trước đây.
Đề tài “Xây dựng mô hình thử nghiệm ương giống cá Tầm trong bể và nuôi thương phẩm bằng lồng lưới tại xã Hiền Lương huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình”. Đã nghiên cứu thành công mô hình thử nghiệm ương giống cá Tầm trong bể và nuôi thương phẩm bằng lồng lưới tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình. Đây là loài cá lần đầu tiên được đưa vào nuôi thử nghiệm tại tỉnh Hòa Bình và cũng loài cá đòi hỏi môi trường sống rất đặc thù (nước lạnh). Qua nghiên cứu đã chứng minh, cá Tầm ương giống được tại nguồn nước lạnh (suối ké) và nuôi thương phẩm trong lồng được tại vùng hồ thuộc xã Hiền Lương huyện Đà Bắc. Từ kết quả nghiên cứu này mà hiện nay một số mô hình với hoàn toàn kinh phí của các hộ dân bỏ ra để nuôi với sự chủ động về kỹ thuật, quy trình.
Đề tài:“Nghiên cứu nhân thuần, chọn lọc và bảo tồn nguồn gen gà Lạc Thủy”Gà Lạc Thủy là giống gà hiện nay chưa có trong danh mục nguồn gen giống vật nuôi bản địa của Việt Nam, Gà Lạc Thủy có khối lượng gà trống đạt 2.500g/con và gà mái đạt 1.800 – 1.900g/con lúc 22 tuần tuổi, khả năng đẻ trứng đạt 100 quả/mái/năm. Kết quả thực hiện sẽ đưa ra được Quy trình chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh cho gà Lạc Thủy qua các giai đoạn tuổi. Từ đó sẽ hoàn thiện bộ hồ sơ về giống gà Lạc Thủy để công nhận giống và đưa vào danh mục nguồn gen vật nuôi.
Đề tài “Xây dựng Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình”. Được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong cho 4 giống cam ( cam CS1, cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao, cam Canh) thuộc Thị trấn Cao Phong, xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Thu Phong. Bảo vệ người trồng cam Cao Phong trước các hành vi gian lận và tranh chấp thương mại. Người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến và tin dùng cam Cao Phong nhiều hơn, thị trường đã được mở rộng, giá trị được gia tăng, khả năng cạnh tranh tăng so với các sản phẩm cùng loại.
Đề tài “Tạo lập và quản lý nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: “Quả Lặc lày hữu cơ Lương Sơn” cho sản phẩm quả Lặc lày huyện Lương Sơn và “Hạt Dổi Lạc Sơn” cho sản phẩm hạt Dổi huyện Lạc Sơn”. Được Cục Sở hữu trí cấp văn bằng bảo hộ cho 2 sản phẩm Hạt dổi Lạc Sơn và Lạc lày, rau quả hữu cơ Lương Sơn qua đó bảo vệ người trồng Dổi Lạc Sơn, Lặc lày hữu cơ Lương Sơn trước các hành vi gian lận và tranh chấp thương mại. Nhãn hiệu tập thể là công cụ quảng bá và giới thiệu sản phẩm, thông qua đó người tiêu dùng biết đến sản phẩm của hạt Dổi Lạc Sơn, Lặc lày hữu cơ Lương Sơn nhiều hơn, là cơ sở mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Đề tài “Xây dựng mô hình nhân rộng ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh tại đồng ruộng bằng chế phẩm vi sinh học BIOMIX-rơm rạ”. Đã xây dựng mô hình thử nghiệm tác dụng chế phẩm sinh học Biomix – rơm rạ xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Xử lý được 2.950 tấn phân bón từ rơm rạ tại 4 huyện, giúp nông dân tận dụng được nguồn hữu cơ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch làm cho giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình tuyển chọn, nhân giống, trồng và chế biến chè Shan tại tỉnh Hòa Bình”. Mô hình nhân giống chè bằng phương pháp giâm cành hàng năm cung cấp ra thị trường 200.000 cây chè Shan giống có chất lượng tốt; Mô hình thâm canh, cải tạo nương chè già cỗi sau cải tạo năng suất tăng từ 20 – 50% so với trước khi cải tạo; Mô hình chế biến chè xanh an toàn, chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, giá trị chè thành phẩm là tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Dự án tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân lao động trong vùng, tăng thu nhập cho người sản xuất chè, góp phần xoá đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu cho bà con núi vùng cao.
Dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ than bùn, phụ phẩm nông nghiệp và quặng Photphorit sẵn có ở địa phương để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp tại tỉnh Hòa Bình”. Kết quả xây dựng mô hình thử nghiệm sử dụng phân HCVS của dự án cho 2 mô hình Cam, Mía tím tại Cao Phong, đã bước đầu chứng minh có thể sử dụng 100% Phân HCVS thay thế phân chuồng. Quá trình sản xuất đã tận dụng được nguồn phụ phẩm chế biến làm nguyên liệu hữu cơ cho quá trình sản xuất phân bón do đó đã góp phần tiết kiệm được nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm. Khi sử dụng phân bón vào trong sản xuất nông, lâm nghiệp sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho người dân. Giá thành ra một kg phân hữu cơ vi sinh hạ so với giá phân hữu cơ vi sinh tại thị trường từ 200 – 300 đồng/kg. Dự án góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải của phụ phẩn nông nghiệp, chất thải chế biến nông sản gây ra. Tận dụng được nguồn hữu cơ tại chỗ để tạo ra một sản phẩm phân bón có nguồn gốc hữu cơ quay lại chăm sóc cây trồng, cải tạo độ màu mỡ đất ( Một tấn phân HCVS sản xuất đã sử dụng gần 80% là Than bùn hoặc các chất thải hữu cơ khác và quặng phôtphorít tự nhiên trong tỉnh). Hiện nay khi dự án kết thúc nhà máy sản xuất phân bón đã đi vào sản xuất ổn định, hàng năm đã sản xuất và cung cấp cho thị trường hàng ngàn tấn phân bón hữu cơ vi sinh các loại để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trong tỉnh.