Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua các cấp chính quyền ở Hòa Bình đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình 135 ở Hòa Bình đã thực hiện đầu tư trên 366,5 tỷ đồng với 726 công trình hạ tầng dân sinh, thủy nông thủy lợi, y tế, trường học…, tập trung chủ yếu tại các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Việc hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất cũng được chú trọng thực hiện thường xuyên với tổng mức đầu tư lên tới hơn 59 tỷ đồng. Thông qua các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương đã được đưa vào sản xuất trên diện rộng, từ đó mở ra hướng sản xuất mới giúp đồng bào phát triển cuộc sống.
Nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo, chính sách đối với người có uy tín, chính sách vay vốn phát triển sản xuất, chính sách đào tạo nâng cao năng lực cán bộ dân tộc, lồng ghép các chương trình để phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc cũng được thực hiện có hiệu quả. Đến đầu năm 2016, cơ bản các xã ở Hòa Bình đã có đường ô tô vào tới trung tâm xã, có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, có đủ trường Tiểu học và THCS; 100% xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% xã có trạm y tế và bảo đảm tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho bà con; tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các vùng khó khăn trong tỉnh cũng cơ bản được khắc phục…
Nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã từng bước ổn định, góp phần thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc với các vùng khác trong tỉnh. Đến hết năm 2015, Hòa Bình cơ bản đã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm mạnh xuống còn 15,46% (trên địa bàn các xã 135 còn khoảng 33%). Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được nâng lên rõ rệt. Các nét đẹp văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc được gìn giữ, bảo tồn và phát triển; nhiều lễ hội, phong trào hoạt động văn hóa xã hội mới được khuyến khích, qua đó góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, phấn đấu xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, tiên tiến. Khối đại đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố, phát triển, góp phần khơi dậy động lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển./.