Thời gian qua, Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ triển khai công tác chuyển giao mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân.
Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp thực hiện chuyển giao ứng dụng chế phẩm vi sinh BIOMIX, các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, lõi ngô, lá cây… ủ thành phân hữu cơ tại đồng ruộng hoặc hộ gia đình bón cho cây trồng nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững tại các huyện, thành phố, điển hình là các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Kỳ Sơn áp dụng thành công qui trình sản xuất phân vi sinh. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp mở các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng KHKT về trồng trọt và chăn nuôi cho trên 32.500 lượt hội viên nông dân/năm, tham gia, xây dựng được 300 mô hình dịch vụ phân bón, vật tư nông nghiệp, giống, vốn...
Thực hiện tư vấn tập huấn KHKT cho nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống như kỹ thuật trồng nấm, nuôi ong, xây dựng hầm biôga, đồng thời xây dựng được nếp sống văn minh và giữ gìn thôn xóm sạch đẹp. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất như: Chăn nuôi dê (Lạc Thủy, Mai Châu), chế tác đá cảnh (Lạc Thủy), nuôi cá lồng (thành phố Hòa Bình), trồng mía tím (Yên Thủy, Cao Phong, Tân Lạc), thêu dệt thổ cẩm (Tân Lạc, Mai Châu), làm chổi chít (Kỳ Sơn, Kim Bôi), mô hình điện năng (Mai Châu), Cam (Cao Phong), trồng rau hữu cơ (Lương Sơn), trồng bưởi diễn, bưởi da xanh (Yên Thủy, Tân Lạc), trồng dổi lấy hạt (Lạc Sơn) cho kết quả cao... Người dân đã có ý thức về việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng và góp phần giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nâng cao mức thu nhập cho hộ nông dân; rà soát cấp Giấy chứng nhận cho 78 trang trại sản xuất nông, lâm nghiệp; củng cố và hỗ trợ cho 108 Hợp tác xã; 148 Tổ hợp tác nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn thành lập 20 Hợp tác xã và 94 tổ hợp tác, giúp bà con nông dân tích cực trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển những sản phẩm có giá trị, tăng giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho nông dân, thực hiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, đến nay đã chuyển hàng nghìn ha diện tích lúa 01 vụ kém hiệu quả, ngô năng suất thấp sang trồng cây có hiệu quả như cam, bưởi, mía tím… Thực hiện Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; quy hoạch sản xuất một số sản phẩm chủ yếu như cam, mía, rau an toàn, quy hoạch chăn nuôi thuỷ sản; dự án cải tạo đàn bò, đàn dê...