00:00 Số lượt truy cập: 3230913

Hoà Bình:Huyện Kim Bôi xây dựng cánh đồng thu nhập cao 

Được đăng : 03/11/2016
Từ năm 2006, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 20, nhiệm kỳ 2006- 2010, UBND huyện Kim Bôi đã xây dựng và triển khai 9 Đề án phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có Đề án xây dựng cánh đồng thu nhập cao (CĐTNC) từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên, nhằm tăng thu nhập cho nông dân đang được thực hiện có hiệu quả.

Những ghi nhận từ cơ sở

Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng dưa hấu đang trong kỳ thu hoạch, ông Bùi Văn Thơ, xóm Cầu, xã Bắc Sơn lộ rõ niềm vui: Với ruộng dưa hấu rộng 4000m2 này, gia đình tôi thu không dưới 20 triệu đồng! Rồi ông say sưa kể về sự làm ăn của mình. Từ năm 2006, khi xã triển khai Đề án xây dựng CĐTNC, ông Thơ cùng nhiều hộ nông dân trong xã hưởng ứng ngay. Theo đó, diện tích đất canh tác của gia đình ông cùng hơn 20 hộ khác được dồn gọn về cánh đồng Bãi rộng 10ha để luân canh theo công thức: Vụ xuân trồng dưa hấu, vụ hè thu cấy lúa lai, vụ đông trồng rau màu (củ cải lấy hạt, cải cúc...). Ngay trong năm đầu thực hiện Đề án, giá trị thu nhập ở cánh đồng Bãi đạt gần 70 triệu đồng/ha/năm. Ba năm qua, các hộ nông dân trong khu vực vẫn thực hiện luân canh theo công thức trên. Nhờ có kinh nghiệm, nên năng suất cây trồng, giá trị thu nhập mỗi năm một tăng. Năm 2008, mới chỉ thu hoạch hai vụ dưa hấu và lúa hè cũng được gần 70 triệu đồng/ha. Theo đó, mỗi hộ dân trong CĐTNC có thu nhập từ 30- 35 triệu đồng ( chưa kể vụ đông).

Đồng chí Bùi Văn Lương, Phó chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: Toàn xã có 130ha ruộng cấy hai vụ lúa. Trước đây, do tập quán canh tác của bà con hạn chế, thường sử dụng các giống lúa cũ, năng suất thấp, làm không đủ ăn. Người dân luôn sống trong tình trạng thiếu đói. Xã Bắc Sơn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vì vậy, khi huyện có Đề án xây dựng CĐTNC, Bắc Sơn quyết định thực hiện để tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của xã. Qua ba năm triển khai Đề án, nông dân Bắc Sơn đã thu được kết quả đáng khích lệ. Toàn xã xây dựng được ba CĐTNC có tổng diện tích gần 40ha ( khoảng 30% diện tích cấy lúa của xã) luân canh ba vụ theo các công thức: “ Vụ xuân trồng dưa hấu, vụ hè thu cấy lúa lai, vụ đông trồng rau màu” hoặc: “ Vụ xuân trồng bí xanh, bí đỏ, vụ hè thu trồng bí đỏ, vụ đông trồng rau đậu” đều cho thu nhập từ 62 triệu đồng/ha/năm trở lên. Điển hình là cánh đồng Cổng ở xóm Khả cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha trong năm 2007. Ba năm qua, cuộc sống của nông dân Bắc Sơn từng bước được cải thiện. Đến nay, trong xã có khoảng 20% số dân có mức sống giầu, thu nhập từ 50 triệu đồng/hộ/năm trở lên và hơn 40% số hộ dân có mức sống khá. Dự kiến, đến hết năm 2008, Bắc Sơn sẽ ra khỏi diện khó khăn đặc biệt. Về sản xuất, trong thời gian tới Bắc Sơn quy hoạch 50ha để cấy lúa bảo đảm đủ và ổn định lương thực hằng năm cho các hộ dân trong xã. Còn lại hơn 40ha sẽ dồn gọn để xây dựng tiếp bốn CĐTNC góp phần tăng thu nhập cho nông dân tiến tới làm giầu trên đồng đất quê hương.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống

Theo đồng chí Nguyễn Quang Hiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, chín Đề án phát triển kinh tế- xã hội do UBND huyện xây dựng, chỉ đạo triển khai là bước cụ thể hóa và đưa các Nghị quyết của Đảng, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 20, nhiệm kỳ (2006- 2010) vào cuộc sống. Quan điểm chỉ đạo của huyện là: Các xã không nhất thiết phải thực hiện cả chín Đề án. Trái lại, từng đơn vị cần chọn những Đề án phù hợp với địa phương mình để tổ chức thực hiện, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Tuy nhiên, trên thực tế, Đề án xây dựng CĐTNC được hầu hết các xã trong huyện hưởng ứng. Đến nay, đã có 25 xã trong huyện xây dựng được 81 CĐTNC với tổng diện tích gần 400ha và 3480 hộ nông dân tham gia. Các cánh đồng này đều luân canh ba vụ/ năm bao gồm 53 cánh đồng “ hai vụ lúa + một vụ màu”; 16 cánh đồng “ một vụ lúa + hai vụ màu”; 12 cánh đồng trồng cả ba vụ màu. Trong đó, các cánh đồng “ một lúa, hai màu”, hoặc trồng cả ba vụ màu cho thu nhập cao hơn, từ 70 – 80 triệu đồng/ha/năm, tập trung ở các xã Bắc Sơn, Đú Sáng, Kim Bình... Xã Tân Thành trước đây thu nhập từ nông nghiệp chỉ đạt khoảng 25 triệu đồng/ha/năm. Nay, nhờ thực hiện Đề án xây dựng CĐTNC và chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, nên sản xuất nông nghiệp của xã phát triển khá, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp tăng lên 40 triệu đồng/ha/năm.

Có thể nói, việc thực hiện Đề án xây dựng CĐTNC đã đem lại luồng gió mới cho nông nghiệp, nông thôn Kim Bôi. Nhận thức, tập quán canh tác của nông dân có nhiều thay đổi, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy Đề án xây dựng CĐTNC ở Kim Bôi thực hiện khá bài bản và đều tay từ huyện đến cơ sở. Chín đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo, điều hành chín vùng sản xuất trong huyện. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) giúp cơ sở khâu kỹ thuật. Huyện còn hỗ trợ cho các mô hình sản xuất 500 nghìn đồng/ha và tổ chức hơn mười đợt cho cán bộ cơ sở và nông dân các xã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô làm kinh tế giỏi ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La... Sau khi đi tham quan về, đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, làm ra những sản phẩm thị trường cần. Như ông Bạch Công Nhi ở xã Bắc Sơn không chỉ tham gia Đề án xây dựng CĐTNC, mà còn nuôi nhím, nuôi ngan Pháp và lợn rừng lai thương phẩm. Chỉ tính riêng đôi nhím bố mẹ được ông mua với giá 12 triệu đồng từ tháng 4-2007 đến nay đã sinh lời cho gia đình ông hơn 50 triệu đồng từ ba đôi nhím con.

Nếu cấp huyện giữ vai trò chỉ đạo, khởi xướng phong trào, thì chính quyền xã và ngành NN-PTNT lại có tác động trực tiếp đến suy nghĩ và việc làm của nông dân trên đồng ruộng. Căn cứ vào Đề án chung của huyện, các xã xây dựng phương án cụ thể sát thực đến từng xóm, bản và từng xứ đồng, huy động các đoàn thể nông dân, phụ nữ, thanh niên... đi giải thích, vận động nông dân. Đồng thời, phối hợp với ngành NN-PTNT thành lập các câu lạc bộ (CLB) khuyến nông, khuyến lâm để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân thông qua tập huấn kỹ thuật hoặc xây dựng mô hình trình diễn. Đến nay, đã có 34/37 xã, thị trấn ở Kim Bôi thành lập CLB khuyến nông, khuyến lâm. Các CLB này cùng ngành NN-PTNT tổ chức gần 300 lớp tập huấn, xây dựng nhiều mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 10 nghìn lượt cán bộ cơ sở và nông dân. Nội dung chuyển giao bao gồm kỹ thuật trồng lúa lai - ngô lai, trồng rau màu hàng hóa... Theo đó, đến vụ chiêm xuân 2008, cây lúa lai chiếm 67% diện tích cấy lúa ở Kim Bôi, đưa năng suất lúa bình quân toàn huyện lên 53 tạ/ha tăng 7 tạ/ha so với cả năng suất lúa cả năm 2006. Kim Bôi đã thực hiện được mục tiêu: Bảo đảm an ninh lương thực để yên tâm thực hiện các Đề án phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có Đề án xây dựng CĐTNC.

Chính quyền xã còn giữ vai trò trung gian giúp nông dân mua phân bón “ trả chậm” hoặc tín chấp cho bà con vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường, mời các doanh nghiệp, công ty về địa phương liên kết với nông dân sản xuất nông sản hàng hóa theo phương thức: Doanh nghiệp cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Nông dân sản xuất và bán sản phẩm theo thỏa thuận bảo đảm đúng, đủ số lượng, chất lượng và thời gian giao hàng.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Sản xuất ở miền núi gặp nhiều khó khăn về mọi mặt.chi phí lớn, giá thành sản phẩm cao, lưu thông hàng hóa cách trở. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp vì lợi nhuận của mình nên ngại liên kết với nông dân miền núi. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, một số Công ty, doanh nghiệp vào Kim Bôi đều mang tính thử nghiệm, thường là liên kết để sản xuất giống rau, màu, hoặc lấy hạt làm nguyên liệu ép dầu bước đầu có hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là gợi mở để các doanh nghiệp tham khảo khi thực hiện liên kết với nông dân Kim Bôi nói riêng và nông dân miền núi nói chung. Tuy nhiên, để sự liên kết này ổn định, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí, khuyến khích các doanh nghiệp khi liên kết với nông dân miền núi.

Nông dân miền núi thường nghèo, thiếu vốn sản xuất, trong khi đó kinh phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa khá cao. Do đó, mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/ha cho việc xây dựng CĐTNC như ở Kim Bôi là thấp, chỉ mang tính động viên là chính. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào thiên nhiên, rủi ro cao. Ở huyện Kim Bôi đã có tình trạng một cánh đồng dưa hấu sắp đến kỳ thu hoạch ước chừng vài trăm triệu đồng, nhưng gặp trận mưa đá đã làm cho người nông dân trắng tay. Vì vậy các tổ chức bảo hiểm cần triển khai hoạt động của mình vào lĩnh vực này. Có thể thí điểm ở những mô hình xây dựng CĐTNC trước khi nhân ra diện rộng. Đồng thời làm tốt công tác tuyền truyền để nông dân chủ động mua bảo hiểm hoặc có thể sử dụng kinh phí hỗ trợ của các cấp để mua bảo hiểm cho nông dân.