00:00 Số lượt truy cập: 3229835

Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị: Phối hợp xây dựng được nhiều mô hình thành công 

Được đăng : 03/11/2016

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, công tác chỉ đạo xây dựng mô hình phát triển kinh tế được phối hợp chặt chẽ và đã xây dựng được nhiều mô hình thành công.


Hai ngành phối hợp xây dựng Mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở Hải Trường (Hải Lăng), Đông Lương (Đông Hà); ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong xử lý ao nuôi trồng thủy sản ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng; Trồng Sen ứng dụng phân bón vi lượng Luvina XI cho năng suất cao tại xã Hải Thiện (Hải Lăng); chăn nuôi bò nhốt ở huyện Triệu Phong; trồng Thanh long ruột đỏ ở Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh... Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm như: Mô hình kinh tế tổng hợp của hộ ông Trần Văn Cảm ở xã Cam Thành, với diện tích 3,4 ha trong đó ông trồng 2,8 ha cây công nghiệp dài ngày, còn lại ông trồng cỏ voi để chăn nuôi bò và 1,2 ha ao nuôi cá nước ngọt và chăn nuôi lợn siêu nạc, gà; doanh thu của ông mỗi năm trên 1,2 tỷ đồng. Hộ ông Bùi văn Tínhở xã Vĩnh Thủy, ông xây dựng mô hình chăn nuôi 73 thỏ, 03 cặp chồn hương, 4 cặp nhúi sinh sản đem lại thu nhập hàng năm từ 250 - 350 triệu đồng...


Mô hình trồng rau sạch của hội viên nông dân khu phố 3, phường Đông Thanh, TP Đông Hà. Ảnh Ngọc Nhân.

Xây dựng 05 mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường ở các xã Cam Nghĩa (Cam Lộ); Vĩnh Lâm, Vĩnh Kim (Vĩnh Linh); Hải Vĩnh (Hải Lăng); Triệu Phước (Triệu Phong) với tổng kinh phí: 26,5 triệu đồng.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Sở TN&MT xây dựng 4 hầm bioga (30 triệu đồng) cho các hộ hội viên nông dân ở thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) để xử lý môi trường trong chăn nuôi.

Mô hình sản xuất phân vi sinh từ rơm phế thải giúp bà con nông dân tận dụng triệt để nguồn chất thải sinh ra trong nghề trồng nấm, tạo ra nguồn phân hữu cơ dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng, tăng năng suất, bảo vệ đất đai, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Ngoài ra Hội còn phối hợp với Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học (Sở KHCN) chuyển giao các loại giống hoa đạt chất lượng cho Hội viên nông dân trong toàn tỉnh cao như: Hoa cúc, lay ơn, Ly ly. Các loại giống nấm như nấm sò, nấm Linh chi ...

Học viên thực hành khai thác cao su tại xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ.

Thành công của một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở cộng đồng nông thôn đã góp phần làm tăng năng suất trong các hoạt động sản suất, kinh doanh ở địa phương. Thông qua các mô hình chuyển giao kỹ thuật giúp cho bà con nông dân biết cách tận dụng các chất thải nông nghiệp để sản xuất những sản phẩm phục vụ đời sống và góp phần đem lại thu nhập, nâng cao mức sống cho cộng đồng nông dân ở nông thôn./.