00:00 Số lượt truy cập: 3231751

Hội chứng chặt mía ồ ạt lấy đất nuôi tôm ở Cà Mau 

Được đăng : 03/11/2016
Là địa phương trồng cây công nghiệp ngắn ngày duy nhất của Cà Mau: diện tích trồng mía huyện Thới Bình từ chỗ gần 5 nghìn ha đã co hẹp xuống 3 nghìn ha vào đầu năm 2008 và hiện chỉ còn khoảng 1 nghìn ha.

Nguyên nhân của việc triệt phá cây mía là do giá thu mua mía hiện quá thấp, trong khi giá cây giống, công chăm sóc, vận chuyển, phân bón tăng cao, nông dân trồng mía không có lãi. Tại các xã Trí Phải và Trí Lực, những ruộng mía ngút ngàn trước đây thay vào đó là vuông tôm vừa cải tạo xong. Nhiều nông dân tính toán, khi chuyển sang nuôi tôm, cua… còn có thể kết hợp trồng được một vụ lúa và đầu ra các sản phẩm này không bấp bênh như cây mía.

Ông Võ Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, lo ngại. Việc chuyển đổi cây trồng có hiệu quả được huyện khuyến khích, tuy nhiên, tình trạng phá bỏ cây mía để lấy đất đưa nước mặn vào nuôi tôm ngay trong vùng quy hoạch ngọt hoá cứ tiếp diễn sẽ phá vỡ môi trường sinh thái ảnh hưởng về nhiều mặt đến sản xuất và đời sống.

Huyện đã chủ trương phấn đấu giữ lại ổn định ít nhất từ 2,5 đến 3 nghìn ha mía làm vùng nguyên liệu chủ yếu duy trì hoạt động, ổn định sản xuất, kinh doanh của Nhà máy đường Thới Bình với công suất tiếu thụ trên 1 nghìn tấn mía cấy/ngày. Bên cạnh đó, huyện xử nghiêm việc chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan phá vỡ hệ sinh thái của vùng ngọt hoá. Song giải pháp lâu dài để giử được diện tích mía là Nhà máy đường Thới Bình cần có sự gắn kết chặt chẽ với nông dân về hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống, phân bón, thu mua sản phẩm theo hướng bảo đảm lợi ích chung.