00:00 Số lượt truy cập: 3227322

Hơn 20 năm giúp dân xóa đói giảm nghèo 

Được đăng : 03/11/2016

Được thành lập từ ngày 7/3/1985, đến nay qua hơn 20 năm hoạt động, Hội Làm vườn Hà Nội đã góp phần tăng sản phẩm cho xã hội, hộ gia đình, xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững.


Ông Nguyễn Quốc Thiện - Chủ tịch Hội Làm vườn phường Phú Thượng, quậnTây Hồ cho biết: Trong những năm qua, kinh tế vườn đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, sản xuất ở tất cả các mảnh vườn, thửa ruộng sẵn có, giữ một vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở Phú Thượng. Nó đã trở thành nguồn thu chính trong tổng số thu nhập của những người làm vườn, góp phần trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm việc làm và phát huy truyền thống nghề trồng hoa cây cảnh của địa phương... Thực tế, những năm qua, tại Phú Thượng đã xuất hiện nhiều mô hình vườn hoa cao cấp, áp dụng mô hình khung nhà kính và các vườn trồng hoa lá, cây cảnh và các loại cây ăn quả có thu nhập cao. Để tạo điều kiện cho các hội viên mạnh dạn đầu tư vốn vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học vào mảnh vườn theo mô hình tiên tiến, Hội đã chủ động liên hệ với phòng Thương binh- Xã hội và Ngân hàng Chính sách để xây dựng được 10 dự án trồng hoa cây cảnh, vay từ quỹ vốn quốc gia giải quyết việc làm cho 160 lượt hội viên.

Phát triển kinh tế VAC còn được các chùa đặc biệt chú trọng. Chẳng hạn như chùa Ngô, thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Chùa có tổ chức chi hội VAC, trực thuộc Hội Làm vườn TP Hà Nội. Tháng 2/1997, nhà chùa đã tiến hành quy hoạch vườn trồng cam đường, vải thiều, nhãn lồng, hồng nhân hậu. Đến năm 2000, cam Canh đã bói quả. Năm 2004, đã trồng bổ sung 150 cây bưởi Diễn và 100 cây xoài, cây phát triển tốt. Tính ra, trừ mọi chi phí, mỗi năm nhà chùa được 100 triệu đồng từ việc bán hoa quả, cây giống... Ở Hội Làm vườn Xuân Phương đã giúp dân cải tạo vườn tạp rất hiệu quả. Đó là chặt bỏ các cây có năng suất thấp như doi, vườn chuối... Đến nay, 95% tổng số vườn tạp được cải tạo tốt. Trong đó có những tấm gương cải tạo vườn rất hiệu quả như bà Nguyễn Thị Phi xóm 1, ông Nguyễn Hữu Tiến ở xóm 5. Bên cạnh việc cải tạo vườn tạp, trong quá trình chuyển đổi từ ruộng lúa ở những khu ruộng cao gần nhà để làm vườn quả, Hội đã góp nhiều phần quan trọng như: Tập huấn kỹ thuật làm vườn, vay vốn cho hội viên, tìm nguồn cây giống cho hội viên đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông và Hội Làm vườn Thành phố xin các dự án cây quý như cam Canh, bưởi Diễn...

Theo đánh giá của Hội Làm vườn TP Hà Nội,  giá trị sản xuất nông nghiệp /1ha đất canh tác của TP tăng từ 40,4 triệu đồng năm 2000 lên 52,2 triệu đồng năm 2003 và 57 triệu đồng năm 2005. Đã từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như vùng hoa quả Từ Liêm (500ha), vùng rau an toàn ở Đông Anh (2.000ha), rồi vùng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thuỷ sản và kết hợp du lịch sinh thái ở Từ Liêm, Sóc Sơn... Hàng năm giải quyết nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân Thủ đô 167.000 tấn rau xanh, 9.000 tấn cá tươi. 200.000 tấn thịt lợn, 8.000 tấn thịt gia cầm... Giai đoạn từ năm 1986-1990, thông qua làm VAC đã xuất hiện nhiều mô hình cải thiện, nâng cao dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của người dân như mô hình VAC ở xã Đa Tốn (Gia Lâm), Cổ Nhuế, Minh Khai (Từ Liêm), Phù Linh, Bắc Phú (Sóc Sơn)... Đặc biệt, từ những vườn cây ăn quả có sẵn, trên 80% vườn hội viên xã Minh Khai, Phú Diễn, Xuân Phương (Từ Liêm) đã được cải tạo, thu nhập đạt 50-60 triệu đ/năm, có hộ thu 150 triệu như vườn của ông Phạm Đăng Thành, Phạm Đăng Toán, thôn Ngọa Long, xã Minh Khai, vườn hội viên Trịnh Bá Chuyên, Nguyễn Văn Đạm xã Xuân Phương... Thấy rõ nhất sự phát triển phải kể tới mô hình vườn đồi rừng ở huyện Sóc Sơn, Đông Anh. Từ một huyện nghèo có tới 80% đất đồi rừng, bắt đầu từ năm 1990, nhờ chú trọng phát triển kinh tế VAC mà đã có gần 300 trang trại, từng bước tạo thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, làm tiền đề cho các vùng du lịch sinh thái của Thành phố...