Mất mùa mà giá không tăng Hiện, các nhà vườn Hưng Yên đang vào vụ thu hoạch nhãn, tuy số lượng ít nhưng giá cũng không tăng so với năm ngoái, giá xuất bán tại vườn là 27.000 đồng/kg. Các chủ vườn cho rằng, nhãn Hưng Yên đang bị lợi dụng tên tuổi khi ở đâu cũng treo biển bán nhãn Hưng Yên trong khi người tiêu dùng khó lòng nhận biết được. Đây chính là lý do nhãn chính hiệu không thể bán được giá cao hơn. Ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhãn lồng Hồng Nam cho biết: “Nhà tôi có 120 gốc, phải có cách chăm sóc đặc biệt và áp dụng kỹ thuật chính xác cộng với kinh nghiệm 15 năm trồng nhãn nên cây nào cũng có quả, không bị mất trắng như các hộ khác, nhưng số lượng cũng giảm 70% so với năm ngoái nhưng giá chẳng tăng chút nào”. Trong khi đó, vườn nhà anh Bùi Văn Tuấn ở xã Phương Chiểu (Tiên Lữ) gần như mất trắng. Anh Tuấn cho hay: “Từ đầu vụ đến nay tôi mới thu được hơn 1 tấn, nhưng giá chỉ 25.000 - 27.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nhãn trên thị trường có nhiều loại mà người dân không biết đâu là nhãn lồng Hưng Yên”. Sản lượng giảm 80 - 90% Thời điểm này năm ngoái, khi chúng tôi đặt chân tới đất nhãn thì nhà nhà, người người đang mải miết thu hoạch. Đường làng nhộn nhịp xe ra vào ăn hàng. Thế nhưng năm nay khác hẳn, chẳng thấy tiếng xe, cũng vắng bóng người tại các vườn nhãn. Có mặt tại xã Hồng Nam (TP. Hưng Yên), một trong những nơi trồng nhãn có năng suất và chất lượng cao, chúng tôi cũng chỉ thấy màu xanh của lá, số lượng quả trên cây rất thưa. Ông Thinh cho biết: “Hợp tác xã có 41 hộ thành viên với tổng diện tích trồng nhãn là 14,8ha nhưng năm nay sản lượng giảm tới 80 - 90%, ước tính chỉ thu được 150 - 170 tấn”. Phương Chiểu là một trong những xã có diện tích nhãn lớn nhất huyện Tiên Lữ nhưng năng suất năm nay cũng giảm đáng kể. Ông Vũ Văn Giản, Phó chủ tịch UBND xã ước tính, năm nay, sản lượng nhãn của toàn xã chỉ đạt 100 tấn, bằng 1/7 so với năm 2008. Xã Quảng Châu (TP.Hưng Yên) cũng là vùng có truyền thống trồng nhãn với 250ha. Năm 2008, xã thu được 1.200 tấn. Thế nhưng năm nay, các vườn nhãn ở đây đều trong tình trạng quả rất thưa thớt, thậm chí nhiều cây không có quả. Hưng Yên hiện có 6.000 - 7.000ha nhãn, trong đó có 4.000ha tập trung ở các xã Hồng Nam, Hồng Châu, Quảng Châu, Lam Sơn (TP.Hưng Yên), Thiện Phiến (Tiên Lữ), Hàm Tử (Khoái Châu)... Năm 2008, sản lượng thu hoạch của toàn tỉnh đạt trên 45.000 tấn, năng suất 142 tạ/ha. Còn năm nay, Hưng Yên thất thu nặng, sản lượng chỉ bằng 20% so với năm trước. Nguyên nhân? Khi hỏi về nguyên nhân dẫn đến mất mùa, ông Thinh cho hay: “Nhãn là loại cây trồng tương đối khó tính, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Cây phát dục trong điều kiện nhiệt độ thấp. Năm nay, thời tiết không rét đậm nên rất khó cho nhãn phát dục. Những cây ra hoa thì lại gặp rét và mưa nên khả năng thụ phấn kém. Ông Thinh cũng cho biết thêm, giai đoạn chăm sóc từ lúc cây nhãn ra hoa, đậu quả rất quan trọng, cần có nhiều biện pháp bảo vệ. Thường xuyên theo dõi phun phòng bệnh: phấn trắng, sương mai, đốm nâu, thán thư và trừ các loại sâu: cuốn lá, rệp, sâu đo...; đến kỳ thu hoạch phải bảo vệ không để mưa bão làm rụng quả, dơi, chuột cắn phá. Có lẽ nhiều hộ chưa chăm sóc kỹ nên nhãn không cho quả. Bên cạnh đó, theo các chủ vườn, năm nay mất mùa là do 2 năm trước nhãn liên tục được mùa, quả sai nên sau vụ thu hoạch, phần lớn các cây đều bị chột mặc dù đã được chăm sóc tốt. |