00:00 Số lượt truy cập: 2677276

Hương Nộn: Dồn đổi ruộng đất để sản xuất hàng hoá 

Được đăng : 03/11/2016

Về Hương Nộn (Tam Nông- Phú Thọ) bây giờ không còn cảnh những mảnh ruộng nhỏ, lẻ, manh mún, bờ thấp, bờ cao. Thay vào đấy là những thửa ruộng rộng, dài thẳng cánh, những trang trại lúa – cá mới phát triển, những vùng chuyên canh cây trồng mới hình thành. Nhờ thực hiện dồn đổi ruộng đất thành công, nhiều nông dân Hương Nộn đã mạnh dạn phát triển sản xuất và có thu nhập cao.


Hương Nộn là xã thuần nông không có nghề phụ nên thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Song cũng như nhiều xã khác trong huyện, tỉnh, ruộng đất của Hương Nộn rất manh mún, nhỏ lẻ. Là xã ở vùng bán sơn địa đất sản xuất nông nghiệp đa dạng gồm đất 2 lúa, 1 mầu, đất 1 lúa 1 cá, đất bãi lại nằm 2 bên bờ sông Hồng nên cách chia ruộng có xa, có gần, có xấu, có tốt đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất tập trung. Xã có hơn 300 ha đất canh tác với gần 1.200 hộ làm nông nghiệp, bình quân mỗi hộ có hơn 10 thửa ruộng ở các xứ đồng khác nhau, thậm chí nhiều hộ có tới 14 -15 thửa. Xác định trong phát triển kinh tế không thể dựa trên cơ sở một nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, từ năm 2005, xã đã thí điểm dồn điền đổi thửa được gần 70ha. Đến đầu năm 2006, Hương Nộn được chọn là một trong hai xã điểm thực hiện dồn đổi ruộng đất của huyện Tam Nông. Để việc dồn đổi ruộng đất đạt kết quả cao, tạo tiền đề để từng bước phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá, Đảng uỷ xã đã bàn và ra hai nghị quyết chuyên đề. Đó là nghị quyết lãnh đạo dồn đổi ruộng đất đợt 2 gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nghị quyết về chuyển đổi mô hình canh tác theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững gắn với xây dựng cánh đồng đạt thu nhập 50 triệu đồng/ha.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống và có hiệu quả, Đảng uỷ xã đã có kế hoạch triển khai một cách đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết là tổ chức quán triệt Nghị quyết đến các ban chi uỷ chi bộ, ban chấp hành các đoàn thể xã hội, đội sản xuất để từ đó phổ biến tới từng đảng viên, đoàn viên, hội viên, xã viên và bà con nông dân trong toàn xã. Xã cũng cho tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã và từng thôn trong một thời gian dài để tạo sự nhận thức đầy đủ và thống nhất nội dung nghị quyết. Đảng uỷ xã giao UBND xây dựng đề án, kế hoạch triển khai. Các đề án, kế hoạch được đưa ra thảo luận tại các hội nghị ở thôn, đội sản xuất. Các đồng chí thường trực Đảng uỷ, UBND xã, HTX nông nghiệp được phân công dự các cuộc họp để tuyên truyền, vận động, giải thích kịp thời những thắc mắc của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận và nhất trí cao.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Quang Thành, Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Hương Nộn cho biết: “Chúng tôi cho rằng các nghị quyết, đề án, kế hoạch... đều liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân. Người trực tiếp thực hiện có hiệu quả hay không cũng là nhân dân. Vì vậy, chúng tôi chú trọng việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và hưởng ứng nghị quyết. Thực tế ở Hương Nộn, một bộ phận nông dân vẫn còn tư tưởng "có cả ruộng tốt, ruộng xấu, ruộng cao, ruộng trũng" dù mỗi mảnh chỉ dăm ba thước. Nhưng sau khi người dân đã hiểu lợi ích của việc dồn đổi thì việc triển khai nghị quyết rất thuận lợi. Ban đầu chúng tôi xây dựng phương án bắt thăm trên nguyên tắc, diện tích của từng hộ chỉ tập trung vào một xứ đồng, dù đó là đồng trũng hay đồng cạn. Nhưng nhiều người dân đã chủ động nhận diện tích ruộng xấu, ruộng xa để chuyển đổi sang mô hình lúa - cá mà không cần ruộng tốt, ruộng gần.”

Xã cũng đã thành lập Ban chỉ đạo và các tiểu ban chỉ đạo thực hiện đề án ở từng thôn, đội sản xuất với vai trò nòng cốt của các đảng viên. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Đảng uỷ, UBND, HĐND xã thường xuyên bám sát hoạt động của Ban và các tiểu ban chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện đề án, kịp thời xử lý vướng mắc nảy sinh, tạo điều kiện thuận lợi để nghị quyết đi vào cuộc sống với hiệu quả cao.

Với các biện pháp tích cực, hiệu quả đến đầu năm 2007, Hương Nộn đã dồn đổi xong 234 ha, giảm từ 12.000 thửa xuống chỉ còn 4.250 thửa ruộng. Nhiều khu đồng sau dồn đổi diện tích đất cơ bản chỉ còn 1 thửa/ hộ. Nếu cộng thêm phần đất bãi, đất mạ, đất bên sông thì bình quân mỗi hộ chỉ còn 3-4 thửa. Tình trạng ruộng đất manh mún ở nơi xa đã được khắc phục. Quan trọng hơn nhiều chân ruộng xấu, ruộng xa phải băm nhỏ chia đều nay đã có người hăng hái nhận để phát triển sản xuất theo qui mô vừa và lớn.

Dồn đổi từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn đã giúp người nông dân Hương Nộn chủ động phát triển sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, giảm chi phí và thời gian, nâng cao năng suất lao động. Thông qua dồn đổi ruộng đất, Hương Nộn đã chỉ đạo thành công việc quy vùng sản xuất, xây dựng cánh đồng đạt 50 triệu/ha theo hướng hình thành vùng chuyên canh lương thực, vùng kết hợp trồng lương thực với nuôi cá, vùng chuyển sang sản xuất trang trại. Nhiều hộ nhận đất ở khu vực qui hoạch đã chuyển nuôi, thả cá kết hợp cấy lúa, làm trang trại. Với những hộ này, xã có chính sách khuyến khích như giảm tiền thuỷ lợi phí trong 2 năm đầu, hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi xuất ưu đãi. Vụ đông xuân năm nay, nhiều hộ khác trong vùng chuyên canh đã ký hợp đồng trồng 2 ha dưa hấu Hắc Mỹ Nhân với Công ty Thành Nông; trồng 5 ha hoa nhài cho Công ty dược Bảo Long, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đem lại giá trị kinh tế cao. Năm 2006, thu nhập bình quân của Hương Nộn đã đạt 5,1 triệu đồng/người, cao hơn mức bình quaâ chung toàn huyện Tam Nông gần 2 triệu đồng.

Việc dồn ô đổi thửa, chuyển đổi mô hình canh tác đã tạo sự phân công lao động hợp lý hơn, khuyến khích nông dân giỏi nghề nào thì làm nghề đó. Số hộ chuyển sang các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng lên tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Gắn với việc dồn ô đổi thửa, xã Hương Nộn đã tiến hành thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất, dành quỹ đất công để xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh, giao thông thuỷ lợi nội đồng được củng cố hoàn thiện, công tác quản lý đất đai được tiến hành chặt chẽ hơn.

Đời sống kinh tế phát triển, người dân Hương Nộn có điều kiện để nâng cao đời sống tinh thần, cải tạo, xây dựng nhà cửa khang trang, quan tâm, chăm lo đến việc học hành của con em, bộ mặt nông thôn ngày càng có nhiều khởi sắc. Hiện nay, xã đã được công nhận là xã văn hoá cấp tỉnh. Số hộ khá, giàu trong xã đạt gần 60%, chỉ còn 4% hộ nghèo. Nhưng điều đáng mừng nhất, như lời đồng chí Khuất Duy Hưng – Bí thư Đảng uỷ xã, là niềm tin tưởng của nhân dân với Đảng được tăng cường, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và đội ngũ cán bộ Đảng viên được nâng lên rõ rệt. Đó sẽ là tiền đề để Hương Nộn tiếp tục thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đảng trong thời gian tới.