00:00 Số lượt truy cập: 2669235

Huyện Đồng Văn (Hà Giang) phát triển giống lúa đặc sản Khẩu Mang 

Được đăng : 03/11/2016

Loại gạo tẻ đặc sản Khẩu Mang của huyện Đồng Văn, được bán trên thị trường với giá 14.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo Nếp cái hoa vàng bán tại thị trường tỉnh cao nhất cũng chỉ có giá 12.000/kg, còn loại gạo như San ưu 63 giá 4.500 đồng/kg...


Qua tìm hiểu được biết, yếu tố đẩy giá gạo Khẩu Mang lên cao chính từ sự thơm ngon đặc trưng của gạo, được thị trường chấp nhận. Với lợi thế, huyện Đồng Văn có chủ trương mở rộng diện tích gieo trồng giống lúa này, vừa tạo điều kiện giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, vừa tạo nền tảng cho tư duy sản xuất hàng hóa của người dân trong huyện.

Đến xã Đồng Văn đúng vào dịp nhiều hộ dân trong xã theo tục lệ tổ chức ăn cơm lúa mới, nhà nào cũng vui vẻ vìcó một vụ mùa bội thu. Vụ mùa này, các hộ bà con đều nhận thức rõ giá trị kinh tế của việc thâm canh trồng đại trà giống lúa Khẩu Mang bản địa, nên không chỉ riêng bà con trong xã Đồng Văn mà trên địa bàn các xã Ma Lé, Lũng Cú, Lũng Táo nhiều bà con tham gia chương trình phát triển nhân rộng diện tích giống lúa Khẩu Mang của huyện cũng có chung niềm vui được vụ mùa bội thu.

Bí thư Huyện ủy Hoàng A Chinh say sưa nói về giống lúa Khẩu Mang của huyện nhà: Nói nhà báo khó tin, nhưng chỉ cần xuống chợ thâm nhập thực tế thì chắc chắn anh tin tôi không phóng đại tý nào về giống lúa đặc sản của huyện. Giá gạo đặc sản Khẩu Mang của huyện thời điểm này (thời điểm thu hoạch lúa mùa sớm), vẫn có giá 14.000 đồng/kg, đắt hơn gạo Nếp cái hoa vàng bán ở thị trường chợ tỉnh trên 2.000 đồng, trong khi đó gạo Khẩu Mang chỉ là loại gạo tẻ. Nếu so sánh với giá gạo San ưu 63, gạo đặc sản Khẩu Mang đắt trên 3 lần. Điều đặc biệt, gạo Khẩu Mang dù giá cao nhưng khách muốn mua không phải cứ muốn là có, mà phải nhờ người dân bản địa đi tìm hoặc đặt trước một thời gian mới có thể có được. Khi tìm hiểu kỹ, được biết sự vượt trội của giá gạo đặc sản Khẩu Mang hoàn toàn là do do thị trường quyết định, cùng với tính đặc sản thơm ngon đặc trưng.

Đồng chí Trưởng phòng Kinh tế huyện Đồng Văn cho biết: Vụ mùa này, cùng với sự đầu tư xây dựng mô hình nhân rộng diện tích lúa Khẩu Mang trong huyện với việc lồng ghép các chương trình 135 giai đoạn II, Chương trình nhân rộng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học của trạm Khuyến nông huyện, mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cùng với kết quả thu hoạch từ thực tiễn của một số hộ nông dân tiên phong thuộc địa bàn xã Đồng Văn như gia đình các ông Lương Mãn Thưởng, Lục Văn Diêm và bà Hoàng Thị Nim… bà con nhân dân các xã có diện tích lúa nước trong huyện như Đồng Văn, Ma Lé, Lũng Cú, Lũng Táo… đã chủ động gieo trồng trên 200ha lúa đặc sản Khẩu Mang trên tổng diện tích gần 800 ha lúa toàn huyện. Kết quả, năng suất thực thu bình quân của giống lúa thuần đặc sản Khẩu Mang thấp nhất cũng đạt 55 tạ/ha. Với năng suất này nếu bán gạo thành phẩm bà con có số thu khoảng 50 triệu đồng/ha. Cũng diện tích 1 ha, nếu thâm canh giống lúa lai như San ưu 63, bà con chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng/ha. Với bài toán hạch toán nêu trên, trong quá trình tuyên truyền, vận động các hộ nông dân các xã Lũng Cú, Lũng Táo, Ma Lé tham gia thực hiện mô hình thâm canh giống lúa thuần Khẩu Mang đặc sản, nhiều hộ còn nghi ngờ, so sánh hơn thiệt giữa thâm canh các giống lúa, cán bộ trạm Khuyến nông huyện đã có sự cam kết: Nếu bà con nào tham gia thực hiện mô hình, nhưng không có nhu cầu sử dụng gạo Khẩu Mang cán bộ khuyến nông sẵn sàng đổi 2kg thóc lúa lai bà con thường trồng đại trà lấy 1kg thóc giống lúa đặc sản Khẩu Mang. Chính sự cam kết đầy trách nhiệm này, đã tạo niềm tin trong bà con nông dân, từ đó kích thích bà con các xã nhiệt tình tham gia chương trình. Nhiều hộ đã tích cực đầu tư thâm canh, quá trình chăm sóc lại có sự hướng dẫn thông qua cẩm nang kỹ thuật trồng và thâm canh lúa Khẩu Mang do trạm Khuyến nông huyện soạn thảo, nên năng suất lúa vụ này đạt trên 75 tạ/ha, cá biệt có hộ hộ ông Lương Mãn Thưởng ở thôn Đồng Thanh, xã Đồng Văn, có diện tích cho thu hoạch trên 80 tạ/ha.

Hiệu quả kinh tế của việc thâm canh gieo trồng giống lúa thuần đặc sản Khẩu Mang, so với việc gieo trồng giống lúa lai thường trồng đại trà trên địa bàn huyện đã quá rõ ràng, nhưng tại sao vụ này bà con nông dân trong huyện lại không triển khai gieo trồng đại trà giống lúa Khẩu Mang trên 100% diện lúa hiện có? – Đồng chí lãnh đạo phòng Kinh tế huyện bộc bạch: - Thật tiếc cho huyện Đồng Văn chúng tôi, đã có được thứ gạo đặc sản ngày càng chiếm vị thế trên thị trường gạo hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhưng diện tích ruộng nước của huyện lại quá ít, không vượt quá 800ha, trong đó không phải diện tích nào cũng có sự chủ động được việc tưới tiêu. Trong khi đó, qua khảo sát thực tế giống lúa Khẩu Mang, tuynăng suất ngang bằng giống lúa lai, lại là giống lúa thuần giúp bà con nông dân chủ động về khâu giống và đặc biệt là hiệu quả kinh tế khi triển khai thâm canh giống lúa này có sự vượt trội so với thâm canh các loại giống lúa lai… nhưng lại là giống lúa đòi hỏi có sự điều tiết tốt về vấn đề nước tưới tiêu và có sự nhạy cảm về độ cao. Chính vì thế, vụ mùa này chúng tôi chỉ khuyến cáo bà con nông dân trong huyện đưa giống lúa đặc sản này vào gieo cấy tại các chân ruộng thấp, thuận lợi cho sự điều tiết nước. Kế hoạch đề ra là phấn đấu gieo trồng được 150ha giống lúa đặc sản trong vụ mùa này, nhưng với nhận thức của bà con nông dân trong huyện, đặc biệt là xã Đồng Văn, hầu như hộ nào trong xã cũng sử dụng hầu hết diện tích ruộng có điều kiện về nước của gia đình mình để gieo trồng và thâm canh giống lúa Khẩu Mang, chính vì thế mà diện tích gieo trồng lúa Khẩu Mang của huyện đã vượt quá con số 200ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch huyện đề ra ít nhất 50ha.

Làm một phép tính so sánh: Tính với giá thị trường thời điểm này, với 200ha lúa đặc sản Khẩu Mang, bà con nông dân huyện Đồng Văn đã có được giá trị thu nhập khoảng 10 tỷ đồng. 400ha lúa còn lại nếu tính tất cả là diện lúa lai thì cũng chỉ cho bà con nông dân trong huyện khoảng 12 tỷ đồng. Điều quan trọng là nếu trồng lúa đặc sản Khẩu Mang, bà con nông dân trong huyện đã xây dựng được cho mình ý thức sản xuất hàng hóa. Đây chính là tiền đề quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo mà Đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm phấn đấu đạt được trong suốt nhiều năm qua.