00:00 Số lượt truy cập: 2677257

Huyện Đồng Văn chuyển đổi cơ cấu giống ngô tạo đột phá tăng năng suất, sản lượng 

Được đăng : 03/11/2016

Vụ ngô mùa năm nay (được gieo trồng vào trung tuần tháng 2 âm lịch) huyện Đồng Văn (Hà Giang) sẽ đưa giống ngô mới vào trồng đại trà với khoảng 30% tổng diện tích gieo trồng. Đây cũng là vụ ngô đầu tiên bà con các dân tộc huyện vùng cao Đồng Văn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống vào gieo trồng với diện tích nhiều, nhằm tạo ra bước đột phá để tăng về năng suất và sản lượng.


Hàng năm, huyện vùng cao núi đá Đồng Văn gieo trồng 6.797 ha ngô và là huyện có diện tích ngô nhiều nhất của tỉnh Hà Giang. Ngô là lương thực chính của bà con các dân tộc Mông, Dao, Pu Péo, Cờ Lao sống trên cao nguyên đá Đồng Văn, cuộc sống của họ gắn bó với cây ngô, được và mất mùa ngô là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ. Đã nhiều đời gắn bó với cây ngô được trồng trên những nương dốc, trong các hốc đá, khe đá nên bà con nới đây rất giàu kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ngô. Đây cũng chính là nguyên nhân cản trở việc đưa giống mới vào gieo trồng ở vùng đất này, bởi bà con ở đây nghĩ chỉ có giống ngô địa phương đã gắn bó với mình nhiều đời nay mới trồng được trên đất mình. Trong khi ở các huyện khác trong tỉnh việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi (trong đó có cây ngô) được bà con nông dân hưởng ứng, thực hiện tích cực thì ở Đồng Văn bà con các dân tộc vẫn thờ ơ, hầu như không ai nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu giống ngô và vẫn gieo trồng giống ngô địa phương. Do trồng giống ngô địa phương cho năng năng suất thấp nên bà con các dân tộc vùng này vẫn thường xuyên lâm vào tình cảnh thiếu lương thực (ngô) để sinh sống.

Với quyết tâm đưa giống mới vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, sản lượng để từ đó tạo ra sức thuyết phục trong chuyển đổi nhận thức của bà con các dân tộc, trong 4 năm gần đây huyện Đồng Văn đã đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn bằng giống ngô mới tại trung tâm các cụm xã như: Phó Cáo, Vần Chải, Sủng là, Lũng Táo, Thài Phìn Tủng... từ những mô hình trình diễn này bà con trong vùng đã tận mắt nhìn thấy, tay được cầm nâng những bắp ngô giống mới cho hạt to đều và cho thu nhiều hạt ngô hơn giống ngô địa phương đã làm thay đổi dần tư duy nhận thức của bà con về giống ngô mới. Kết quả tích cực của phương pháp trực quan sinh động trên trong việc đưa giống ngô mới vào Đồng Văn đã có hiệu quả, diện tích gieo trồng ngô giống mới đã được bà con tự nguyện đưa vào trồng ngày càng nhiều hơn. Nếu như năm 2004, cả huyện mới có 8% diện tích ngô được gieo trồng bằng giống mới thì năm 2005 đã nâng lên 18%. Đến năm 2006, diện tích ngô giống mới đã chiếm đến 25% trong tổng diện tích ngô đã trồng.


Vụ ngô này huyện Đồng Văn chịu đợt khô hạn kéo dài, làm trên 70 ha ngô giống địa phương bị chết, những diện tích ngô địa phương trồng được cũng cho năng suất thấp từ 12 đến 16 tạ/ha. Trong khi đó giống ngô mới CP 999, CP 888, LVN10 được trồng cùng thời điểm đã chứng tỏ được tính ưu việt là chịu hạn tốt, không bị sâu bệnh và cho năng suất cao 31 tạ/ha (gấp đôi năng suất giống ngô địa phương). Vụ ngô năm 2006, nhờ chuyển đổi 1.676 ha diện tích đất trồng ngô giống cũ bằng ngô giống mới (chiếm 25%) cho năng suất cao đã giúp huyện Đồng Văn đạt tổng sản lượng lương thực 16.821 tấn, tăng 358 tấn so với năm 2005, góp phần ổn định an ninh lương thực tại chỗ. Qua vụ ngô 2006, bà con các dân tộc trong huyện Đồng Văn đã tin hơn vào giống ngô mới và họ đã tự nguyện đăng ký với xã mua giống mới về trồng ngay trong vụ ngô năm 2007 này với diện tích chiếm 35% trong tổng diện tích sẽ gieo trồng. Hiện nay, trên 800 kg ngô giống mới, cùng gần 330 tấn phân bón (phân vi sinh NPK), thuốc bảo vệ thực vật đã được huyện tổ chức vận chuyển đến tay bà con nông dân kịp bước vào sản xuất đúng vụ.