00:00 Số lượt truy cập: 2691146

Kết luận hiện tượng bất thường trên ngô B06 ở Quảng Ngãi 

Được đăng : 03/11/2016

Vừa qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam và một số phương tiện thông tin phản ánh một hiện tượng bất thường trên cây B06 ở Quảng Ngãi (nguồn giống hỗ trợ cho nông dân sản xuất khắc phục thiên tai năm 2008): Cây ngô lùn, xoắn lá, đẻ nhiều nhánh phụ. Ngày 13/7/2009, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, đại diện Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV huyện Sơn Tịnh (nơi xuất hiện thông tin "bệnh lạ" nhiều nhất) cùng tiến hành kiểm tra thực tế, kết quả kiểm tra như sau:


Theo báo cáo của phòng NN- PTNT huyện Sơn Tịnh, số lượng giống ngô lai Bioseed 06 (B06) được Sở NN-PTNT Quảng Ngãi hỗ trợ 3.000kg và được phân bổ cho các xã trong huyện trồng khoảng 150ha và nông dân đã trồng nhiều thời vụ khác nhau (trồng từ 10/3 đến 25/6/2009, diện tích trồng tập trung nhiều nhất là từ 10/4-20/4).

Tại thời điểm kiểm tra cây ngô lai ở nhiều giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau, từ 3 lá đến trổ cờ, phun râu thụ phấn, vào chắc, sắp thu hoạch, đang thu hoạch, đã thu hoạch. Sau khi xem xét nội dung báo cáo của 5 xã (Tịnh An, Tịnh Hà, Tịnh Minh, Tịnh Ấn Tây và thị trấn Sơn Tịnh) có 12,58 ha của 252 hộ dân trồng giống ngô lai B06 có hiện tượng cây ngô sinh trưởng không bình thường, đại diện các đơn vị tham gia kiểm tra đều nhất trí chọn xã Tịnh Hà, Tịnh An, Tịnh Ấn Tây để đi kiểm tra thực tế (vì số hộ báo cáo có thiệt hại nhiều hơn các xã khác).

Đoàn kiểm tra thực tế có sự tham gia của đại diện UBND xã, thôn trưởng, xóm trưởng và một số hộ nông dân có sản xuất cây ngô lai B06 sinh trưởng không bình thường (kể cả ruộng ngô đã cắt 3/4 diện tích cho bò ăn của ông Trần Thái Bình, thôn An Phú, xã Tịnh An), kiểm tra tại nhiều đồng ruộng trên nhiều thời vụ khác nhau gồm từ 3 lá đến trổ cờ, phun râu, chín sáp và thu hoạch của giống ngô lai B06 ở những diện tích mà các cơ quan thông tin đại chúng phản ảnh.

1. Tại xã Tịnh Hà:

Kiểm tra ruộng trồng ngô B06 của các hộ Lê Đình Khải, Phan Đình Phùng, Trần Đình Dương, Nguyễn Thanh (thôn Trường Xuân, thôn Thọ Lộc Bắc) trồng vào thời gian từ 20-25/4/2009, đến thời điểm kiểm tra cây ngô đã và đang ở giai đoạn trổ cờ, tung phấn, phun râu. Qua kiểm tra không thấy có hiện tượng bệnh lạ, các ruộng ngô này đều sinh trưởng phát triển bình thường. Nhưng rải rác các cây ở đầu hàng và chung quanh bờ ruộng ngô có một số cây đẻ 2-4 trái phụ trên cùng vị trí nách lá của trái chính nhưng tỉ lệ rất thấp, không đáng kể (trái chính vẫn cho hạt, nhưng đậu hạt không đều và to trái hơn các trái khác trong cùng một vị trí).

2. Tại xã Tịnh An:

Kiểm tra ruộng ngô B06 của các hộ Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Thuận, Lê Trung Tưởng, Bùi Tỏi, Bùi Văn Rơi, Trần Văn Hoà, Trần Thái Bình (thôn An Phú, Ngọc Thạch) trồng vào ngày 15/4-25/4/2009, đến thời điểm kiểm tra, cây ngô đang ở giai đoạn trổ cờ, tung phấn, phun râu; qua kiểm tra không thấy có hiện tượng bệnh lạ, các ruộng ngô này đều sinh trưởng phát triển bình thường. Tuy rải rác các cây ở đầu hàng và chung quanh bờ ruộng ngô có một số cây đẻ 2-3 trái phụ trên cùng vị trí nách lá của trái chính nhưng tỉ lệ rất thấp (trái chính vẫn cho hạt, nhưng đậu hạt không đều và to trái hơn các trái khác trong cùng một vị trí).

Về ruộng ngô lai B06 của hộ Nguyễn Thái Bình đã cắt phá bỏ (như Đài phát thanh truyền hình Quảng Ngãi đã phát), ông Bình cho biết gia đình có nhận 1 kg giống ngô B06 hỗ trợ của Nhà nước và đem trồng được 330 m2, ban đầu ngô nẩy mầm, sinh trưởng phát triển tốt, đến khi ngô chuẩn bị trổ cờ thì nghe ông Nguyễn Văn Thơm, người cùng thôn và cũng có nhận giống ngô B06 về trồng và sắp thu hoạch, nói “giống ngô B06 cho năng suất thấp, không đạt bằng các giống lai khác”. Vì mới trồng lần đầu tiên, do đó ông hoang mang, sợ không có hiệu quả nên quyết định phá bỏ cắt dần về cho bò ăn. Qua kiểm tra của đoàn, với diện tích 330m2 đã trồng, ông Bình đã cắt cho bò ăn khoảng 220m2, hiện nay trên ruộng ngô còn khoảng 100m2 cây ngô lai B06 đã kết thúc giai đoạn thụ phấn, thụ tinh và tình hình sinh trưởng phát triển bình thường, không có sâu bệnh, không có hiện tượng bệnh lạ cũng như không thấy cây ngô có 2-3 trái trên cùng 1 vị trí nách lá của trái chính. Đoàn kiểm tra đề nghị ông Bình tiếp tục quản lý chăm sóc đến thu hoạch để có kết luận cuối cùng về năng suất.

3. Tại xã Tịnh Ấn Tây:

Kiểm tra ruộng ngô  của các hộ Tôn Rông, Cao Chức, Nguyễn Văn Thống, Nguyễn Quốc Tự (thôn Thống Nhất) trồng vào khoảng ngày 07-12/4/2009, đến thời điểm kiểm tra, cây ngô đang ở giai đoạn chín sáp; qua kiểm tra thấy trái lép hạt, hoặc ít hạt, cây có 2-4 trái trên cùng nách lá, đầu trái ló khỏi lá bao, tỉ lệ này nhiều nhất là ở các đầu thửa ruộng tiếp giáp gần mái taluy bê tông bờ kè phía Bắc sông Trà và giảm dần về phía sông Trà, đến cuối thửa ruộng phía bờ sông các hiện tượng này tỉ lệ rất thấp, không đáng kể. Bên cạnh giống ngô B06, các giống ngô khác trên cùng ruộng ngô này, phát hiện thấy các giống ngô NK66, C919, 3Q đều có những biểu hiện giống như ruộng ngô lai B06.

Nhận xét:

Thời vụ nông dân trồng giống ngô lai B06 (kể các các giống ngô lai khác) là từ 10/3 đến 25/6/2009. Đối với diện tích trồng tập trung ở thời điểm từ 10/4-20/4/2009 thì ngô trổ cờ, tung phấn, phun râu, thụ phấn vào thời gian từ 10-20/6/2009. Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Ngãi cung cấp,  vào khoảng thời gian nửa đầu tháng 6/2009 nhiệt độ không khí >37oC, ẩm độ không khí <75%. Đối chiếu về đặc điểm sinh lý của cây ngô, thời điểm trổ cờ, tung phấn, phun râu, thụ phấn gặp nhiệt độ không khí cao, ẩm độ thấp (đây là điều kiện ngoại cảnh bất thuận cho cây ngô), thì hạt phấn cây ngô bị yếu hoặc chết, râu ngô bị héo khô không tiếp được hạt phấn (nhiệt độ thích hợp cho cây ngô thụ phấn là từ 25-27oC, trên 35oC hạt phấn đều chết hoặc không tung phấn được) dẫn đến cây ngô không thụ phấn và hạt sẽ lép hoặc tỉ lệ đậu hạt rất ít. Mặc dù trái ngô không kết hạt nhưng các chất dinh dưỡng và hoóc môn sinh trưởng vẫn dồn về nuôi hạt, nên kích thích các mầm ngủ phát mầm sinh ra nhiều trái phụ trên cùng một nách với trái chính. 

Kết luận: 

1/ Các cơ quan thông tin báo, đài phản ảnh mô tả về cây ngô lai B06 trồng trong vụ hè thu 2009 tại huyện Sơn Tịnh có một phần đúng sự thật nhưng không phải do chất lượng giống gây ra và cũng chưa phát hiện có “bệnh lạ”.

2/ Việc cây ngô không có hạt hoặc hạt ít, cho nhiều trái phụ trên cùng vị trí của trái chính là do ảnh hưởng tác động của nhiệt độ cao (trên 35oC) trong thời điểm cây ngô trổ cờ phun râu. Cây ngô là cây giao phấn, việc kết hạt đầy đủ hay không, phải thông qua quá trình thụ phấn, thụ tinh, mà quá trình này lệ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm) và việc chọn thời vụ gieo trồng.

3/ Cây ngô sinh trưởng bình thường nhưng có trái không đồng đều, nhỏ trái dẫn đến năng suất không cao. Ngoài yếu tố giống còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: Thời vụ trồng, trình độ kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, thời tiết khí hậu đều có tác động rất lớn đến năng suất.