Đã hơn 4 tháng kể từ khi xảy ra sự cố vẹm chết hàng loạt tại các đầm nuôi trong tỉnh; đến nay, việc khắc phục và hỗ trợ thiệt hại vẫn chưa kết thúc. Môi trường vùng nuôi vẹm chưa hoàn toàn phục hồi. Việc người nuôi vẹm phải trả giá quá đắt có nguyên nhân từ tính chủ quan, ỷ lại, không theo khuyến cáo và quy hoạch…
Chương trình nuôi vẹm trong tỉnh bắt đầu từ năm 2001, sau khi đoàn cán bộ của Trung tâm Khuyến ngư, Viện Nghiên cứu biển, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NTTS) III và chính quyền xã Ninh Ích (Ninh Hòa) tham quan mô hình nuôi vẹm thương phẩm tại Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) trở về. Hai mô hình nuôi vẹm đầu tiên được các cơ quan chức năng xây dựng tại Gành Vẹm (Ninh Ích) thuộc 2 thôn Tân Thành và Ngọc Diêm. Tuy chưa hoàn toàn thành công, nhưng mô hình đã khẳng định, vẹm là đối tượng nuôi phù hợp tại các đầm nuôi trong tỉnh. Điều đó càng được củng cố sau khi con vẹm phát triển mạnh tại thôn Tân Đảo. Với đặc tính “ăn lọc”, nuôi vẹm không tốn bất cứ chi phí thức ăn nào, lại làm sạch thủy vực và cho hiệu quả kinh tế cao, bởi vậy vẹm nhanh chóng được coi là loài “vô địch” xóa đói, giảm nghèo. Từ Tân Đảo, nghề nuôi vẹm nhanh chóng lan rộng, phát triển ồ ạt, bất chấp khuyến cáo và quy hoạch của chính quyền cũng như ngành chức năng. Không chỉ người dân Ninh Ích, nhiều hộ ở các nơi khác cũng đầu tư vốn cho dân Tân Đảo nuôi vẹm. Người nuôi mặc sức thả nuôi, tự tiện khoanh vùng, cắm cọc dày đặc, không tuân thủ kỹ thuật nuôi được khuyến cáo (mật độ thả, tạo luồng lạch thông thoáng). Tình trạng khoanh nuôi vô tổ chức, tranh giành thủy vực đã dẫn đến những tranh chấp không đáng có, buộc chính quyền địa phương phải đứng ra dàn xếp, phân chia lại ranh giới.
Theo kinh nghiệm của người nuôi vẹm Thừa Thiên - Huế, định kỳ hàng tuần hay hàng tháng, người nuôi vẹm phải dùng cào cỏ sắt làm vệ sinh nền đáy để ngăn chặn sự tích tụ chất bài tiết của vẹm lâu ngày làm ô nhiễm nguồn nước trong đầm. Tuy nhiên, người nuôi vẹm ở Ninh Hòa lại bỏ qua và ngụy biện “đầm Nha Phu nước tự chảy không lo ô nhiễm”.
° Trả giá đắt
Tích tụ trầm tích do chất thải trong môi trường nuôi lên đến cực điểm đã bùng phát thành dịch, uy hiếp toàn bộ vùng nuôi vẹm tại Tân Đảo và các vùng lân cận. Không chỉ có Tân Đảo (đầm Nha Phu), hiện tượng vẹm chết hàng loạt còn lan sang cả đầm Thủy Triều và nhiều vùng nuôi khác. Sự cố vẹm chết hồi đầu năm gây thiệt hại cho các vùng nuôi vẹm trong tỉnh tới hàng chục tỷ đồng. Đến lúc này, người nuôi vẹm mới thực sự lo lắng, chẳng biết nguyên nhân từ đâu.
Nhiều người cho rằng, có thể do biến đổi khí hậu gây nên tình trạng vẹm chết hàng loạt. Nhưng đến nay, theo kết luận của Trung tâm quốc gia Quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản (Viện NTTS III) thì nguyên nhân chính vẫn là do ô nhiễm trầm tích vùng nuôi. Chất thải của vẹm tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm, lấy hết ô-xi trong nước và quay lại “đầu độc” con vẹm. Xác vẹm chết tiếp tục phân hủy và lại trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm làm cho vẹm chết “không kịp hãm”. Đến nay, sau 4 tháng dừng nuôi, người nuôi vẹm trong tỉnh lại nôn nóng muốn nuôi trở lại nhưng vẫn chưa được phép. Theo khuyến cáo của Trung tâm quốc gia Quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, qua khảo sát định kỳ các mẫu đất, nước tại các vùng nuôi vẹm trong tỉnh, hiện tượng ô nhiễm vẫn chưa trở lại mức bình thường. Đầm Nha Phu có thể thả nuôi trở lại nhưng phải nuôi với mật độ thưa. Vừa qua, một số ngư dân thôn Ngọc Diêm đã vớt giống vẹm mới sản sinh gần đây đưa vào nuôi phía gần bờ nhưng vẫn tiếp tục xảy ra hiện tượng vẹm chết, chỉ ở những vùng nước mới chưa từng nuôi vẹm trước đây là nuôi được. Điều đó cho thấy, các vùng nuôi vẹm vẫn chưa đạt độ an toàn cần thiết để thả giống.
Bài học rút ra từ sự cố vẹm chết hàng loạt thật đáng để chúng ta suy ngẫm. Người nuôi cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng. Các đơn vị chức năng, đặc biệt là cơ quan khuyến ngư, cần có hướng dẫn cụ thể, sát sao để người nuôi thực hiện vệ sinh định kỳ vùng nuôi, không để trầm tích tích tụ quá mức. Các cấp chính quyền phối hợp cơ quan chức năng nhanh chóng quy hoạch lại vùng nuôi, thả phao, cắm mốc để người dân thực hiện. Chỉ có như vậy mới hy vọng không lặp lại sự cố đáng tiếc.