Tuy không được học qua trường lớp nào, nhưng anh Võ Trí Chương đã tự học hỏi, tìm tòi qua sách báo, để cho sinh sản thành công ếch giống. Thành công này giúp anh vượt qua khó khăn, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Nhà anh Chương nằm sâu trong một con hẻm ở tổ 2, Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Trước đây, cơ sở có tên là Trường Khánh, nay đổi là Chương Xuân. Cơ sở sản xuất ếch giống của anh chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông. Anh Chương bố trí các hồ nuôi rất khoa học. Phía trong là dãy hồ nuôi ếch bố mẹ với 3 ngăn. Bên ngoài là các hồ có diện tích lớn hơn để nuôi ếch qua các giai đoạn: nòng nọc, ếch con, ếch giống.
Vào thời điểm này, mùa mưa đã bắt đầu, mùa ếch sinh sản cũng gần như chấm dứt. Vậy mà cơ sở của anh Chương vẫn chủ động sản xuất giống liên tục gần như quanh năm mà không phụ thuộc vào thời tiết cũng như mùa sinh sản của ếch. Theo anh Chương, ếch sinh sản có mùa vụ, 2 lần/năm, vào tháng Tư và tháng Bảy Âm lịch (trong đó tháng Tư là chính). Ngoài thời điểm trên, ếch bố mẹ rất khó sinh sản. Chính vì vậy, việc cho ếch sinh sản trái vụ là sự thành công của anh. Với lợi thế có vợ đang làm việc tại Trường Đại học Nha Trang, anh Chương có điều kiện tiếp xúc với nhiều kiến thức khoa học bổ ích, trong đó có “bí quyết” nuôi ếch sinh sản. Nói như vậy không có nghĩa mọi việc đã có sẵn. Để có được “bí quyết” nuôi ếch sinh sản, anh Chương đã phải mày mò, học hỏi và không ít lần “trầy trật”. Anh tâm sự: “Tôi có niềm đam mê tìm cách cho ếch sinh sản, bởi việc nuôi ếch lắm lúc rất bị động về giống. Tôi đã cất công tìm tòi, đọc các tài liệu về ếch. Đồng thời tìm đến trang trại nuôi ếch nổi tiếng của ông Lý Thanh Sắc tại Hà Tĩnh để học hỏi thêm…”. Anh Chương tiết lộ: Nuôi ếch sinh sản phải tạo mưa nhân tạo (giống như sinh cảnh bên ngoài); cho ếch bố mẹ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại thức ăn có tác dụng tốt cho sinh sản, giàu vitamin E; chủ động cho sinh sản bằng cách sử dụng kích dục tố tương tự như cá… Nhà anh Chương nằm sâu trong một con hẻm ở tổ 2, Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang. Trước đây, cơ sở có tên là Trường Khánh, nay đổi là Chương Xuân. Cơ sở sản xuất ếch giống của anh chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông. Anh Chương bố trí các hồ nuôi rất khoa học. Phía trong là dãy hồ nuôi ếch bố mẹ với 3 ngăn. Bên ngoài là các hồ có diện tích lớn hơn để nuôi ếch qua các giai đoạn: nòng nọc, ếch con, ếch giống.
Năm 2005, anh Chương bắt đầu nuôi ếch thịt và thành công, cứ 5.000 con anh lãi ròng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay từ đầu, việc phát triển ếch thịt gặp trở ngại lớn do không chủ động được nguồn con giống để nuôi quanh năm. Do đó, anh bắt đầu chuyển hướng tìm cách cho ếch sinh sản. Cuối năm 2005, đầu 2006, phương án của anh đã có tín hiệu đáng mừng khi ếch mẹ đẻ, tạo nòng nọc. Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt rất lớn (đến 90%). Không nản lòng, anh tiếp tục mày mò tìm cách khác như: Cho mưa nhân tạo, thức ăn phải đạt “chuẩn”, bột cá, thịt, thức ăn công nghiệp theo từng giai đoạn, kết hợp tiêm kích dục tố LGH-A… Nhờ đó, kết quả thu được khả quan hơn. Cả năm, đàn ếch bố mẹ sinh sản được 60.000 con giống. Ếch giống được bán với giá từ 1.300 - 1.400 đồng/con. Việc chủ động được giống cho thị trường khiến anh Chương rất phấn khởi. Năm 2007, anh tiếp tục sản xuất ếch giống xấp xỉ 100.000 con, lãi ròng 100 triệu đồng.
Cuối năm 2008, thị trường ếch bắt đầu “nở rộ”, người nuôi và trang trại mọc lên nhiều, giá giảm; vì vậy, anh Chương cũng giảm “công suất”, chuyển sang sản xuất cầm chừng. Ngoài sản xuất ếch giống, anh còn nuôi ếch thịt, mỗi năm sản xuất 6 - 7 tấn ếch thịt, giá bán từ 45.000 - 80.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Để chủ động sản xuất, anh Chương mua một máy xay thức ăn, một tủ đông lạnh giữ thức ăn; đồng thời liên kết với một người bạn ở Đá Bàn (Ninh Sơn - Ninh Hòa) nuôi ếch thịt trong ao hơn 2.000m2, phòng ngừa lúc ếch giống xuống giá sẽ chuyển sang nuôi thịt. Anh tâm sự: “Tuy giá ếch giảm nhưng tôi vẫn duy trì sản xuất, bình quân thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng. Dù sao, đây vẫn là nghề có thu nhập cao…”