00:00 Số lượt truy cập: 3229431

Khánh Hòa: Nuôi gà sao - Hướng đi nhiều triển vọng 

Được đăng : 03/11/2016
Gà sao (GS) (tên khoa học Guinea Fowl) là giống gà có xuất xứ từ đảo Madagasca, du nhập vào Việt Nam và được gọi với nhiều tên khác nhau như: gà lôi, trĩ, gà Hunggari. Tuy là vật nuôi mới nhưng GS đã sớm khẳng định giá trị kinh tế cũng như chất lượng thịt. Việc nuôi GS đang được nhiều nông dân quan tâm. Anh Nguyễn Xuân Phong (Diên Phước, Diên Khánh) nuôi GS tại trang trại đã bước đầu khẳng định hiệu quả

Trang trại của anh Phong giống một khu vườn nhỏ nằm ven Tỉnh lộ 8, đoạn qua thôn Hạ, xã Diên Lâm. Chúng tôi tới đầu ngõ đã nghe tiếng kêu rất lạ của bầy GS đang đi kiếm ăn. Anh Phong bắt đầu nuôi GS cách đây 6 tháng. Lúc đầu, không biết lấy giống ở đâu, anh chỉ qua trao đổi với bạn bè, thu gom dần, sau đó liên hệ mua giống ở Chợ Gạo (Tiền Giang). Đến nay, anh đã nâng tổng đàn GS của mình lên 300 con.

Ban đầu, mọi việc đều bỡ ngỡ. GS là đối tượng nuôi mới, người nuôi còn ít (nhất là ở Khánh Hòa) nên anh Phong chẳng biết hỏi ai. Cuối cùng, có người mách, anh mới tự tìm kiếm tài liệu hướng dẫn trên mạng.

Theo anh Phong, nuôi GS cũng đơn giản, thứ gì gà ta ăn được, GS cũng ăn được, thậm chí còn ăn tốt hơn. GS rất thích ăn cỏ, nhất là các loại cỏ dại thấp và có cách vuốt cỏ rất độc đáo. Hiện anh đang nuôi GS bằng các loại thực phẩm thông thường như: cám, bắp, gạo... và kết hợp thả vườn để chúng kiếm thêm thức ăn tự nhiên. Tuy nhiên, cần lưu ý là khu vực nuôi GS phải được bao lưới cao để tránh thất thoát, bởi giống này bay giỏi như chim. GS thường sống thành đàn, thích bay khi di chuyển, tính nhút nhát, hay kêu, sợ tiếng động mạnh, do đó cần chọn vị trí nuôi ở khu vực cao ráo, thoáng mát, yên tĩnh. GS tăng trọng nhanh, 3 tháng có thể đạt hơn 1 kg. Thịt GS rất ngon, nạc nhiều, ngọt hơn thịt gà ta, tỷ lệ mỡ bụng thấp. Gà trưởng thành có thể đẻ lúc 6-7 tháng nuôi. Tỷ lệ trứng tăng dần. Hiện mỗi ngày, anh Phong thu hơn 10 trứng trong tổng đàn 20 con mái. GS rất khó phân biệt trống mái, tuy nhiên, đến khi thành thục phân biệt trống mái rõ ràng thông qua trọng lượng và mào. GS mái nhỏ hơn 1,6 - 1,8kg; GS trống lớn hơn 1,8 kg. GS tự đẻ theo mùa và ấp trứng nhưng hiệu quả không cao do GS không biết chăm con như gà ta. Vì vậy, để phát triển đàn GS, anh Phong phải sắm tủ ấp. Qua theo dõi ấp nở trứng GS, anh Phong cho biết, tỷ lệ nở có thể đạt 70-80%. Anh vừa sắm một tủ ấp tới 600 trứng GS/đợt. Trứng GS nhỏ hơn gà ta nhưng vỏ dày và chắc hơn, lòng đỏ lớn, lòng trắng không nhớt như gà ta. Đặc biệt, GS có sức đề kháng cao, ít bệnh tật. Các loại thuốc trị gà ta đều áp dụng được cho GS.

Công việc tại trang trại của anh Phong đang ngày càng tất bật, không chỉ lo chăm sóc cho nhiều cây trồng, vật nuôi khác mà còn chuyên tâm phát triển bầy GS với số lượng lớn. Do ưu tiên hiện nay là phát triển đàn nên anh chưa đặt mục tiêu tiêu thụ. Tuy nhiên, thị trường GS đang rộng mở, cung chưa đủ cầu. Giá con giống (mới nở) hiện là 40-50 ngàn đồng/con; giá gà thịt 110.000 đồng/con (loại 1,2 kg/con). Anh cho biết, sau này, số lượng tăng trưởng nhiều, giá bán sẽ giảm.

Chính những ưu điểm của GS đã thôi thúc nhiều nông dân chuyển hướng nuôi từ gà ta sang nuôi GS. Việc này làm thị trường con giống GS lên cao. Ở Khánh Hòa, người nuôi GS còn ít nên không dễ kiếm nơi mua giống. Nếu mua ở xa thì việc vận chuyển lại không thuận lợi. Do đó, việc sản xuất GS giống đang là lựa chọn của người nuôi.