Kiểm soát rầy nâu, phòng trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hiệu quả
Được đăng : 03/11/2016
Trước diễn biến phức tạp của dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa đưa ra quy trình kiểm soát rầy nâu, phòng trừ dịch bệnh có hiệu quả. Tại các mô hình thử nghiệm, với tổng diện tích hàng trăm ha, gần 30 ngày sau gieo sạ, rầy bị khống chế, lúa phát triển tốt.
Ðang trong thời điểm gieo sạ lúa đông - xuân đại trà, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 50 nghìn ha lúa đông - xuân nhiễm rầy. Riêng tỉnh Long An, diện tích nhiễm rầy là hơn 20 nghìn ha, trong đó có hơn 10 nghìn ha bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Tại Tiền Giang, trong tổng số hơn 16 nghìn ha bị nhiễm rầy, có xấp xỉ 10 nghìn ha nhiễm bệnh.
Quan sát thực tế trên những thửa ruộng áp dụng quy trình, tỷ lệ lúa nhiễm bệnh chỉ dưới 1%, trong khi những thửa ruộng liền kề, tỷ lệ cây lúa nhiễm bệnh tới 30 - 40%, thậm chí cao hơn, phải tiêu hủy.
Xác lập quy trình
Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa là do nhiễm vius, trong đó rầy nâu là vật trung gian truyền bệnh. Trong một ngày, một con rầy có thể chích hút từ sáu đến bảy cây lúa, do vậy, mật độ rầy càng cao thì tốc độ lây truyền và tỷ lệ lúa nhiễm bệnh càng lớn. Lúa càng non, nguy cơ nhiễm bệnh càng cao.
Quy trình mà Viện Bảo vệ thực vật áp dụng nguyên tắc quản lý diệt trừ tác nhân gây bệnh ngay từ đầu bằng việc vệ sinh đồng ruộng. Chọn thời điểm xuống giống, né các đợt cao điểm rầy nâu xuất hiện. Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ; phun thuốc diệt ngay khi rầy vừa xuất hiện, dù mật độ còn thấp, nhất là trong giai đoạn cây lúa dưới 25 ngày tuổi. Theo dõi chặt mật độ, khống chế, diệt rầy trong những ngày tiếp theo, khi lúa ở thì con gái, làm đòng và trổ bông. Khi sắp thu hoạch, tiếp tục phun thuốc thêm một lần nữa để diệt trừ nguy cơ lây bệnh sang các vụ sau. Trên những thửa ruộng thử nghiệm, giống trước khi gieo được xử lý bằng dung dịch Cruiser plus, liều lượng 30cc pha năm lít nước cho 100 kg lúa giống. Cách làm này vừa kích thích mầm phát triển tốt, cây lúa khỏe, phát triển đồng đều, và nhất là tính lưu dẫn của thuốc giúp cây lúa chống rầy trong năm ngày đầu sau khi gieo. Từ ngày thứ sáu đến ngày thứ 25, ruộng lúa được phun thuốc Actara và Bassan trừ rầy ba lần vào các thời điểm sáu ngày, 10 đến 12 ngày và 20 đến 22 ngày, sau khi gieo, liều lượng các lần phun là 6mg Actara và 100 đến 120 ml Bassan cho mỗi 1.000 m2 ruộng lúa. Với cách làm trên, 30 ngày sau khi sạ, không phát hiện rầy trên cây lúa, tỷ lệ nhiễm bệnh không đáng kể. Sau 30 ngày sức đề kháng của cây lúa cao hơn, nguy cơ nhiễm bệnh giảm và kể từ ngày tuổi thứ 45 nếu có nhiễm bệnh thì mức độ gây hại đến năng suất cũng không còn đáng kể.
Những mô hình có hiệu quả cao
Hơn hai tháng trước, Viện Bảo vệ thực vật đã cử đoàn cán bộ gồm 16 nhà khoa học vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang lập các trạm thực nghiệm trên chính những vùng nhiễm rầy nặng nhất, cùng ăn cùng ở, hướng dẫn và cùng nông dân "chiến đấu" chống rầy. Tại xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, hơn 80 ha lúa đông - xuân được canh tác theo quy trình chống rầy, phòng trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá của Viện. Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng 48 ha thuộc ấp 4, tiến sĩ Nguyễn Như Cường cho biết: "Quy trình của Viện như vậy, đang áp dụng trên giống lúa nếp IR 4625 - loại giống đặc biệt mẫn cảm với rầy. Kết quả thế nào mời nhà báo quan sát và tự nhận xét". Ðể đối chứng, tiến sĩ hướng dẫn chúng tôi thăm những thửa ruộng liền kề không áp dụng quy trình. Chỉ cách một bờ nhỏ mà một bên cây lúa xanh, cao đồng đều, bên kia thì cây cao cây thấp, chỗ vàng chỗ xanh, với tỷ lệ nhiễm bệnh 40 - 50%, sắp phải tiêu hủy.
Ông Nguyễn Văn Tân, nông dân ấp 4 xã Mỹ Phú, người có 3 ha nằm trong tổng số 48 ha thực hiện thử nghiệm vui vẻ nói: "Lúa như vầy là chắc ăn tới hai phần ba rồi. Cứ theo phương pháp này, cuối vụ cầm chắc năng suất 35 giạ một công (700 kg/1.000 m2). Chả bù cho vụ hè thu vừa rồi, lúa bị bệnh, năng suất giảm tới 50 - 70%.
Anh Võ Bá Trinh, có sáu công trong khu thực nghiệm nói thêm: "Các nhà khoa học thiệt giỏi, bà con đang lúng túng không biết trừ bệnh cho lúa thế nào. Thì năm vụ trước cũng phun thuốc trừ rầy, nhưng áp dụng "ba giảm ba tăng" cứng nhắc, chờ khi rầy đạt đủ mật số mới xịt thuốc nên muộn mất, lúa đã bị nhiễm bệnh nặng mất rồi. Lần này thì khác, mấy ảnh về, họp bà con, đề nghị hợp tác. Thời điểm xuống giống né rầy mấy ảnh đưa ra; kỹ thuật, thuốc xử lý giống các ảnh chỉ vẽ; thời điểm nào phun thuốc, liều lượng, loại gì cũng hướng dẫn cho bà con thực hiện. Vừa hướng dẫn, vừa trực tiếp xuống đồng với nông dân, nên mới có kết quả như vậy. Mong sao mô hình này được áp dụng thêm cho nhiều nơi khác nữa".
Cùng với Thủ Thừa (Long An) nhiều mô hình tương tự trên quy mô hàng chục ha cũng đang được Viện áp dụng tại Tiền Giang, Ðồng Tháp, Bến Tre... Tại xã Long Ðịnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, mô hình áp dụng trên diện tích 10.000 m2 vừa được thu hoạch ngày 23-12, năng suất không dưới 6 tấn/ha, khác hẳn những thửa liền kề. Cũng cần khẳng định, quy trình quản lý rầy, phòng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá không mâu thuẫn với phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IBM) mà bà con nông dân vẫn áp dụng lâu nay. Hầu hết các nội dung của IBM vẫn được áp dụng. Khác chăng chỉ ở chỗ, trước đây, khi mật độ rầy đạt ngưỡng gây hại, nông dân mới tiến hành phun thuốc diệt trừ. Còn hiện nay, rầy là tác nhân gây và lan truyền bệnh thì phải dùng thuốc ngay từ khi mới xuất hiện.
Cùng với các thửa ruộng thực nghiệm do cán bộ Viện Bảo vệ thực vật trực tiếp chống rầy cùng nông dân, 152 thửa ruộng thực nghiệm khác, quy mô mỗi thửa từ 1 đến 2 ha, áp dụng quy trình quản lý rầy, phòng trừ dịch bệnh tương tự cũng được đồng loạt triển khai tại các điểm nóng về rầy nâu. Ðây là chương trình mang tên "Cùng nông dân ra đồng", do Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tổ chức theo phương thức, nông dân làm theo quy trình do các nhà khoa học khuyến cáo; Công ty Bảo vệ thực vật An Giang theo dõi nhật ký đồng ruộng, cung cấp miễn phí thuốc bảo vệ thực vật suốt mùa vụ. Ðến nay, qua gần 30 ngày sau khi sạ, toàn bộ diện tích lúa tại 152 điểm thực nghiệm nói trên đều phát triển tốt, không tìm thấy rầy nâu, tỷ lệ cây lúa mắc bệnh chỉ từ 1 đến 2%.
Thực tế từ các mô hình, các điểm thực nghiệm đã chứng minh, muốn diệt trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hiệu quả, triệt bỏ được rầy nâu chiếm vai trò quyết định, trong đó diệt rầy ngay khi mới xuất hiện có ý nghĩa rất quan trọng. Quy trình trên đây cần nhanh chóng được phổ biến, áp dụng rộng trên các vùng đang có dịch, bảo đảm cho vụ sản xuất đông - xuân 2006 - 2007 thắng lợi.