00:00 Số lượt truy cập: 2637704

Kiên Giang – Cà Mau: 'Tạm biệt' cây mía? 

Được đăng : 03/11/2016

Nông dân các xã Trí Phải, Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) và ở Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Giang) đang tất bật thu hoạch vụ mía. Nhưng dù giá mía vụ này đã tăng khá mạnh so với vụ trước, bà con trồng mía vẫn không vui. Nguyên nhân do giá mía tăng không theo kịp mức tăng của giá phân bón, giá nhân công… làm người trồng mía không có lời.


Giá mía cao, nhưng...

Anh Lý Văn Hận ở ấp 6, xã Trí Phải vừa thu hoạch 16 công mía, phân tích: “Năm nay năng suất mía thấp quá. Tôi trồng 16 công nhưng chỉ thu được 70 tấn. Với giá bán 400 đồng/kg chỉ thu được khoảng 28 triệu đồng mà phải mất gần một năm trồng và chăm sóc. Trong khi đó, nếu nuôi tôm trên diện tích đất này, một năm tôi có thể kiếm được khoảng 50 triệu đồng”. Tâm trạng so sánh lẫn lộn với những lo toan cuộc sống làm cho người trồng mía tại Thới Bình đang mất dần niềm tin vào cây mía. Còn anh Nguyễn Văn Ngoan ở ấp 9, xã Trí Lực, cho biết: “Mấy năm nay đeo đuổi trồng 7 công mía, hai vợ chồng tôi phải gánh nợ gần 20 triệu đồng. Giờ chỉ có cách ban liếp xuống nuôi tôm mới hy vọng trả được hết số nợ này”.

Còn ở Kiên Giang, tại vùng mía sâu nhất của tỉnh là Bán đảo Cà Mau, giá mía 10 chữ đường cũng bán được giá 360 đồng/kg; tại Giồng Riềng, Gò Quao giá khoảng 370-390 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Hai, thương lái thu mua mía ở vùng U Minh Thượng, cho biết: “Cách đây vài tháng, tôi đã lỗ cả trăm triệu đồng vì thu mua mía. Khi đó, giá mía thấp, tôi mua mía của dân với giá 250 đồng/kg. Nhưng khi cân cho nhà máy thì bị ép chữ đường, giá thậm chí chỉ còn 100 đồng/kg. Vụ này do nhiều người tranh mua mía nên giá cũng khá hơn”.

Vùng nguyên liệu mía Kiên Giang có khoảng 4.000-5.000 ha, tập trung tại các huyện Tây Sông Hậu và Bán đảo Cà Mau, rất gần với các nhà máy đường Vị Thanh, Phụng Hiệp, Sóc Trăng... Nhiều vùng đất hoang hóa hoặc cải tạo đất ruộng được sử dụng trồng mía, có thể làm 2 vụ trong 1-1,5 năm, tùy hộ. Tuy nhiên, theo tính toán của bà con, làm lúa lãi mức 40% trên vốn đầu tư mỗi vụ, có thể trồng 2 vụ/năm. Trong khi đó, đầu tư trồng mía thời gian tương đương 2 vụ lúa, nên lãi cũng phải tương xứng thì mới thu hút được người trồng.

Ở Cà Mau, hiện mía 8,87 chữ đường được nhà máy thu mua 403 đồng/kg; 8,63 chữ đường là 397 đồng/kg, trên 9 chữ đường là 410 đồng/kg. Tuy nhiên, theo cách tính của bà con, vụ mía này năng suất bình quân chỉ còn 50–60 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí mía giống, nhân công tuốt lá, đào rãnh, phân bón, tiền lãi ngân hàng và công đốn đã hết khoảng 17 triệu đồng/ha, người trồng mía chỉ còn thu lãi khoảng 4–5 triệu đồng/ha, rất khó đảm bảo cho cuộc sống.

Nông dân “tạm biệt” cây mía?

Theo thống kê của UBND xã Trí Lực, đầu năm nay, toàn xã có khoảng 1.470 ha đất trồng mía, nhưng đến nay đã có 125 hộ với diện tích khoảng 180 ha quyết định từ bỏ cây mía chuyển sang nuôi tôm. Ông Huỳnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã, phân tích: “Đất đai thổ nhưỡng vùng này vốn thích hợp với cây mía. Nếu nuôi tôm trong điều kiện nước ít chảy, kinh, mương nhỏ sẽ dễ ô nhiễm và dễ lây mầm bệnh trong các ao tôm trong tương lai. Xã cũng đã trao đổi, phân tích với người dân về chủ trương giữ vùng nguyên liệu cho nhà máy đường. Song, cái khó là nông dân đã mất niềm tin vào cây mía. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ cho nông dân trồng mía chỉ mới dừng lại ở việc cho vay vốn, không có chính sách trợ giá hoặc bao tiêu sản phẩm. Do vậy, hầu như đầu ra cho cây mía vẫn còn bỏ ngỏ...”.

Chị Nguyễn Thị Gọn, ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch huyện Thới Bình, lo ngại: “Mọi người xung quanh đã ban liếp, đưa nước mặn vào nuôi tôm. Tôi có muốn đeo theo cây mía cũng không được. Cả 5 công đất của tôi hàng năm thu hoạch từ 40-50 tấn mía, nhưng năm nay giảm chỉ còn 25 tấn, thì làm sao đủ thu nhập trang trải cuộc sống. Hết vụ này tôi sẽ ban liếp để nuôi tôm”. Còn ông Trần Văn Uốt ở U Minh Thượng (Kiên Giang), nói: “Trồng mía thu hoạch một lần nhiều tiền thấy ham, vậy chớ không bằng trồng rau màu đâu. Những vụ tới, tôi sẽ bỏ mía trồng màu. Bây giờ là thời điểm trồng màu rất tốt để bán dịp Tết. Năm nay, giá bí đao, rau củ các loại đứng ở mức cao và sẽ còn tăng vào dịp giáp Tết. Nên trồng màu là ăn chắc. Tùy theo mùa vụ mà trồng loại cây gì cho phù hợp với thị trường sẽ chắc hơn là theo đuổi trồng mía”.

Giờ đây, không chỉ con tôm mà cây lúa, con cá chình, cá bống tượng... cũng đang đe dọa vùng mía nguyên liệu tại Thới Bình hàng ngày. Đã có nhiều mô hình nuôi cá thành công tại Trí Phải, Trí Lực và Biển Bạch. Nếu so với cây mía con cá có mực lời hơn rất nhiều và sự thay đổi của bà con do nhu cầu bức bách của cuộc sống là tất yếu. Tuy nhiên hệ quả của việc ồ ạt bỏ mía qua nuôi trồng các cây con khác thì chưa ai lường trước được. Điều có thể dự đoán trước là môi trường mất cân bằng sinh thái, dịch bệnh... xảy ra nếu không có quy hoạch vùng nuôi cụ thể.

Tình trạng đốn mía chuyển sang nuôi thủy sản làm cho vùng mía nguyên liệu ngày càng thu hẹp đang là nỗi lo của các nhà máy đường. Ông Thái Quang Minh, Giám đốc Nhà máy Đường Thới Bình, cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, thì vùng nguyên liệu ở Cà Mau hiện chỉ còn 2.000 ha, nên từ đầu vụ nhà máy đã phải mua khoảng 20.000 tấn mía từ các tỉnh khác để bảo đảm sản xuất. Chi phí vận chuyển tăng, cộng với giá mía tăng đã làm đội giá thành sản phẩm, vì thế sản xuất của nhà máy không có lãi”.

Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, đề nghị: “Để ổn định giá mía, các nhà máy nên xây dựng vùng nguyên liệu ở tỉnh lân cận. Ví dụ, Nhà máy Đường Vị Thanh thì xây dựng vùng nguyên liệu và thu mua mía ở Vị Thủy, Vị Thanh (Hậu Giang), Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Giang); Nhà máy Đường Sóc Trăng ngoài thu mua mía trong tỉnh, có thể thu mua mía ở vùng Bán đảo Cà Mau (Kiên Giang). Khi có vùng nguyên liệu ổn định sẽ không xảy ra tình trạng thừa nguyên liệu, giá mía giảm thấp và đẩy người trồng mía vào cảnh nợ nần. Có như thế người trồng mía sẽ gắn bó hơn với cây mía”.