Ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, huyện Kim Bôi đã bị thiệt hại lớn về người, tài sản và sản xuất. Hiện nay, cán bộ và nhân dân huyện đang khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra đảm bảo an sinh, duy trì sản xuất.
Mưa lũ để lại
Trên địa bàn huyện Kim Bôi, mưa lớn, gây ngập ứng, lũ quét đã là 3 người trong huyện bị chết, 4 nhà bị đổ sập, 102 nhà ngập nước; 18 gia súc, 2.726 con gia cầm chết, cuốn trôi; trên 130 tấn cá bị thất thoát. Về hoa màu có 3 ha lúa nương chưa gặt bị nước cuốn trôi, 354 ha ngô gồm cả ngô hè - thu chưa thu hoạch và ngô vụ đông; 367,5 ha đậu tương và 687 ha cây màu khác. Diện tích canh tác có trên 12 ha ruộng, 20 ha đất lâm nghiệp bị sạt lở, trên 40 ha ruộng bị vùi lấp. Về công trình công cộng có công trình nước sạch xã Kim Bôi, Vĩnh Tiến, Đông Bắc, Lập Chiệng bị hỏng; 4 cột điện đổ; trên 4.000 đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; 3 cầu phao bị cuốn trôi; 3 ngầm hư hỏng nặng; 34 bai đập, 3.000m mương, 2 cầu máng, 10 trạm thuỷ luân, 2 trạm bơm điện bị hư hỏng cuốn trôi… Tổng giá trị thiệt hại lên tới trên 55 tỉ đồng.
Ông Bùi Xuân Đợi, Chủ tịch UBND xã Kim Bôi cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua, tuy xã không có thiệt hại về người, nhưng vụ đông đứng trước nguy cơ mất trắng. Nhiều năm nay, vụ đông trở thành vụ sản xuất chính của nông dân trong xã, vì vậy diện tích rau màu ngập úng nhiều đáng kể. Tính đến thời điểm 30/10, toàn xã trồng được 90 ha cây màu vụ đông, đã mất trắng 60 ha. Một số diện tích còn lại, năng suất, sản lượng cây trồng vụ đông không đảm bảo.
Ổn định sau lũ
Ông Bùi Văn Bộ, Phó Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngay sau khi nắm tình hình mưa lũ, ngày 3/11 Ban Thường vụ Huyện uỷ đã họp mở rộng chỉ đạo các ngành liên quan nắm bắt kịp thời tình hình thiệt hại. Trên cơ sở đó, huyện đã trích Quỹ lũ bão và chữ thập đỏ hỗ trợ ngay cho các gia đình có người chết 3 triệu đồng/người, nhà đổ sập 1 triệu đồng/hộ và có kế hoạch khôi phục sản xuất vụ đông. Trong đó, huyện tập trung huy động toàn bộ lực lượng tiêu úng, sửa chữa các công trình giao thông, thuỷ lợi bị hư hỏng đảm bảo an sinh, duy trì sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng chỉ đạo các ngành liên quan bám sát các xã chịu ngập úng lâu ngày dọc tuyến đường 21 như: Thanh Nông, Thanh Lương, Cao Thắng, Cao Dương ngay sau khi nước rút làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ. Riêng ngành giáo dục, trích kinh phí của ngành hỗ trợ các trường thiệt hại nặng, đảm bảo việc học tập cho giáo viên và học sinh. Riêng sản xuất, huyện chỉ đạo các xã, thôn xóm tăng cường chăm sóc diện tích còn có khả năng khắc phục tạo điều kiện cho cây trồng phục hồi phát triển. Những diện tích không thể khắc phục và chưa triển khai gieo trồng, khẩn trương gieo trồng các giống cây ngắn ngày vụ đông như: rau các loại, khoai tây, khoai lang…
Đến Kim Bôi vào thời điểm này, đều thấy được không khí khẩn trương lao động sản xuất khắc phục những thiệt hại sau mưa lũ. Ông Bùi Văn Huấn, thôn Bôi Câu, xã Kim Bôi đang xuống giống rau bộc bạch: Gia đình có diện tích trồng vụ đông 5.000 m2, trong đó chủ yếu là cây ngô đang phát triển rất tốt. Vậy mà chỉ sau mấy ngày mưa, hầu hết diện tích ngô bị hỏng vì ngập úng. Nay gia đình tôi chủ động trồng thay thế một số giống rau cải, su hào, bắp cải. Dọc quốc lộ 12B, qua xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Đồng, Hạ Bì dễ dàng bắt gặp cảnh bà con khẩn trương ra đồng làm đất, xuống giống rau màu các loại cho kịp khung thời vụ.