00:00 Số lượt truy cập: 3226683

Kinh nghiệm làm giàu vốn rừng của công ty lâm nghiệp Ka Nat 

Được đăng : 03/11/2016
 
Công ty lâm nghiệp Ka Nat (Gia Lai) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ (QLBV) và sản xuất kinh doanh nghề rừng trên 8.760 ha, trên địa bàn 3 xã Nghĩa An, Đăk Smar, xã Đông và thị trấn K'Bang (huyện K'Bang), trong đó có khoảng 3.500 ha rừng nghèo, rừng non và rừng nghèo kiệt. Công ty lâm nghiệp Ka Nat đã thực hiện những giải pháp làm giàu vốn rừng trên diện tích rừng nghèo kiệt, đất đồi dốc và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Màu xanh của rừng đang dần được hồi phục, người dân trong vùng được hưởng lợi về nhiều mặt và ngày càng gắn bó với rừng hơn bởi sống được với nghề.


Công ty lâm nghiệp Ka Nat (Gia Lai) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ (QLBV) và sản xuất kinh doanh nghề rừng trên 8.760 ha, trên địa bàn 3 xã Nghĩa An, Đăk Smar, xã Đông và thị trấn K'Bang (huyện K'Bang), trong đó có khoảng 3.500 ha rừng nghèo, rừng non và rừng nghèo kiệt. Công ty lâm nghiệp Ka Nat đã thực hiện những giải pháp làm giàu vốn rừng trên diện tích rừng nghèo kiệt, đất đồi dốc và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Màu xanh của rừng đang dần được hồi phục, người dân trong vùng được hưởng lợi về nhiều mặt và ngày càng gắn bó với rừng hơn bởi sống được với nghề.
Công ty đã thực hiện Dự án cải tạo rừng nghèo kiệt bằng việc trồng mới 622 ha Keo lá tràm và Bạch đàn, tổng số vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động của đơn vị là 5,6 tỷ. Dự án này thực hiện trong thời gian 8 năm (2005 - 2013). Bước đầu hiệu quả đã được khẳng định: Dự án sẽ tạo ra được một khối lượng gỗ lớn khoảng 75.000m3 (bình quân đạt 120 m3/ha) với mức doanh thu gần 35 tỷ đồng, sau đi trừ đi các khoản chi phí và nộp ngân sách, lãi hơn 3 tỷ đồng. Dự án tạo việc làm và thu hút mỗi năm hàng trăm lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số cùng tham gia, góp phần ổn định và nâng cao cuộc sống, hạn chế hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Vấn đề quan trọng hơn là tăng độ che phủ của rừng, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp và cung cấp nguồn nước cho các công trình thuỷ điện.
Công ty còn giúp cho những hộ dân sống gần rừng thuộc địa bàn các xã Nghĩa An, xã Đông và thị trấn K'Bang thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh trên đất đồi dốc bằng mô hình nông - lâm kết hợp, vừa tăng thu vừa phủ xanh đất trống. Kế hoạch sẽ thực hiện phủ xanh gần 2.000ha cho đến năm 2013, mỗi hecta bố trí trồng 1/3 diện tích là cây rừng và 2/3 diện tích trồng cây nông nghiệp hàng năm. Rừng trên đất dốc được trồng bằng 2 loại cây Xoan và Keo lá tràm theo hình nanh cá sấu với mật độ trồng bình quân 800 cây/ha. Tính ra, sau 6 - 7 năm cây rừng trên đất dốc sẽ cho một khối lượng gỗ khoảng 70 – 75 m3/ha và có giá trị kinh tế thu được từ 30 - 35 triệu đồng/ha; sản xuất nông nghiệp được thâm canh tốt cho mức thu từ 10 - 15 triệu đồng/ha/năm. Những hộ sản xuất trên đất dốc được tỉnh, Công ty hỗ trợ vốn và hướng dẫn kỹ thuật trồng theo mô hình nông lâm kết hợp, phấn đấu mỗi năm trồng được khoảng 300 ha.
Đối với rừng sản xuất và rừng giàu, Công ty làm thí điểm với tổng diện tích được giao khoán hơn 1.200ha cho 35 hộ đồng bào dân tộc tại chỗ trong 50 năm (2004 - 2053). Trên cơ sở phương thức giao khoán trước đây, nguồn thu của người nhận khoán đều từ quỹ rừng có mức thu nhập cao hơn, trong đó mức hưởng lợi 2% từ nguồn gỗ khai thác hàng năm. Theo tính toán thực tế, mỗi hộ nhận khoán 35 ha rừng với sản lượng gỗ khai thác bình quân 34 m3/ha sẽ được hưởng lợi 7 triệu đồng/năm, chưa tính đến các khoản thu khác như tận dụng gỗ củi cành ngọn và một số lâm sản phụ. Đây là cơ sở để hộ nhận khoán ổn định đời sống, ổn định kinh tế gia đình và có trách nhiệm hơn trong quá trình QLBV rừng. Qua khảo sát và điều tra, theo phương án mới này, những hộ nhận khoán rừng rất phấn khởi, tự nguyện gắn với với đơn vị thực hiện tốt hơn trong việc bảo vệ rừng.
Những giải pháp làm giàu vốn rừng ở Công ty lâm nghiệp Ka nat có tính khả thi cao, đây được coi là bước đột phá trong công tác QLBVR mang tính ổn định và bền vững cần được nhân rộng trên địa bàn, đặc biệt là giải pháp cải tạo rừng nghèo kiệt thành rừng kinh tế.