00:00 Số lượt truy cập: 2677152

Kinh nghiệm nhân giống kỳ đà của anh Ba Huệ 

Được đăng : 03/11/2016
Được bà con chỉ dẫn, chúng tôi tới thăm trang trại nuôi kỳ đà của anh Nguyễn Văn Huệ (Ba Huệ) ở số 31, tỉnh lộ 9, xã Bình Mỹ (Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh), người cho kỳ đà sinh sản thành công.

Anh Huệ kiểm tra định kỳ cho kỳ đà.

Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng trang trại, anh Huệ vừa kể về những ngày đầu tiếp xúc với kỳ đà, con vật nuôi mang lại nhiều lợi ích và giá trị kinh tế cao. Năm 1999, anh được tham gia lớp tập huấn nuôi và chăm sóc động vật hoang dã tại Công viên Đầm Sen, vừa đi học về thì được Chi cục Kiểm lâm huyện Củ Chi nhờ nuôi một số động vật hoang dã, trong đó có một cặp kỳ đà đang bị bệnh nặng. Nhận kỳ đà từ tay cán bộ kiểm lâm mà lòng anh cứ lo canh cánh, không biết có nuôi được hay không? Không yên tâm với những kiến thức đã học, ngày nào anh cũng mày mò tìm kiếm thêm thông tin trên sách báo để áp dụng vào thực tế, rất may là cặp kỳ đà nhanh chóng bình phục và phát triển tốt. Từ một cặp kỳ đà ban đầu, tới nay anh đã nhân giống được trên 120 con kỳ đà bố mẹ và 60 kỳ đà con.

Anh Huệ cho biết, kỳ đà trông rất giống thằn lằn nhưng to và dài hơn, có thể dài tới 2,5 – 3m, nặng 7 – 10kg, tuổi thọ khoảng 15 năm. Ở Việt Nam hiện có hai loại kỳ đà: kỳ đà vân (kỳ đà núi), sống ở trên cạn hay vùng đồi núi và kỳ đà hoa hay còn gọi là kỳ đà nước. Kỳ đà là động vật có ích, tích cực tiêu diệt sâu bọ, chuột phá hoại mùa màng. Tuy nhiên, do sức hấp dẫn của các món ăn chế biến từ thịt, trứng kỳ đà cũng như bộ da, đặc biệt là túi mật nên kỳ đà bị săn bắt rất nhiều, số lượng kỳ đà ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm, chính vì vậy, việc nuôi và gây giống kỳ đà là điều cần thiết.

Theo anh Huệ, muốn nuôi dưỡng, chăm sóc kỳ đà trước hết phải phân biệt được con đực và con cái bằng cách lật ngửa bụng để quan sát. Kỳ đà đực có thân và đuôi dài, to, lỗ huyệt lồi ra và có gờ, khi bóp vào gốc đuôi sẽ thấy gai giao cấu màu đỏ thẫm lồi ra. Kỳ đà cái có đuôi thon nhỏ, lỗ huyệt nhỏ, lép, khi bóp vào gốc đuôi không có gai sinh dục lồi ra. Nếu nuôi kỳ đà núi, bà con có thể xây chuồng gạch hay làm lưới, rộng khoảng 1m2/chuồng, nuôi 1 con/chuồng. Nếu là kỳ đà nước, chuồng phải rộng hơn, khoảng 2m2/chuồng và phải có máng nước to để kỳ đà ngâm mình trong nước.

Thức ăn của kỳ đà chủ yếu là ếch, nhái, cóc, đầu gà, vịt, tôm cá... Nên cho ăn vào buổi sáng, cho mỗi con ăn khoảng 100g/ngày.

Trong môi trường nuôi nhốt, kỳ đà sống riêng lẻ, mùa giao phối thường từ tháng 4 - 7 âm lịch, sau 18 tháng nuôi kỳ đà đến tuổi trưởng thành. Khi động dục, kỳ đà đực ăn ít, leo trèo và bò xung quanh chuồng. Lúc này bà con cho kỳ đà đực vào chuồng của con cái để chúng giao phối. Thời gian giao phối kéo dài 1 – 2 giờ, khi giao phối xong lại bắt con đực ra. Sau 2 – 3 ngày, đem con đực vào lại một lần nữa để tiếp tục giao phối, chắc chắn sẽ đậu thai. Sau khoảng 80 – 90 ngày, kỳ đà sẽ đẻ trứng. Kỳ đà nuôi không ấp trứng nên phải cho vào lò ấp nhân tạo. Nhiệt độ thích hợp cho trứng nở là 23oC – 27oC, độ ẩm 85%. Trứng ấp sau 70 – 75 ngày sẽ nở.

Kỳ đà mới nở phải cho ăn thức ăn băm nhỏ, sau 20 ngày tuổi thì tách riêng từng con, nuôi 1 con/chuồng. Sau 18 tháng nuôi có thể xuất bán. Hiện giá kỳ đà giống khoảng 300.000 đồng/kg.

Nhờ nuôi và nhân giống kỳ đà mà anh Huệ có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động với mức lương 1,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn nuôi 50 cặp nhím bố mẹ và 60 nhím con.