00:00 Số lượt truy cập: 3227508

Kinh nghiệm nuôi cá, ếch đạt hiệu quả cao ở vùng trung du, miền núi: Mô hình nuôi cá, ếch cải tiến 

Được đăng : 03/11/2016

Anh Phan Sách (ảnh) là người nuôi cá nước ngọt đầu tiên của thôn An Ngãi Tây II, xã Hoà Sơn (Hoà Vang, Đà Nẵng). Hiện anh có trên 1ha ao nuôi cá, tuỳ theo mức độ cao thấp, anh chia ra làm 6 ao, nuôi các loại cá chim trắng, trắm cỏ, rô phi đơn tính, ếch thịt, ếch đẻ… kết hợp  trồng sen. 


Để khép kín quy trình nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Sách cho biết ngoài các khâu chăm sóc, thức ăn, chế độ nước, khâu con giống cũng góp phần quan trọng. Các năm trước khi mua cá giống về, để bảo vệ số cá giống còn “non nớt” này, anh khoanh lưới ương nuôi vào một ao. Sau một thời gian, vớt cá chuyển đến các ao nuôi lâu dài. Song với biện pháp này, cá con cũng bị thất thoát rất lớn do chưa thích nghi với môi trường, thời tiết và bị cá lóc vào ăn cá con nên hao hụt lớn.

Nhà anh cách ao nuôi cá gần nhất khoảng 30m và cao hơn mặt nước trên dưới 1m. Lợi dụng địa thế này, trước sân nhà anh xây một cái bể với diện tích 60m2, cao 1m, phần chìm dưới đất là 0,5m, được chia ra làm hai bể nhỏ. Đáy của hai bể này được thông ra một “hố ga” nhỏ nằm sát chân thành ngoài của bể bằng 2 ống nhựa và từ “hố ga” này thông ra ao cá bằng một ống nhựa có đường kính 10cm. Hai bể này anh dùng để ươm nuôi cá giống khi mới mua về, mỗi lần ươm nuôi từ 3.000 đến 4.000 cá giống. Khi mua cá giống về, anh nhẹ nhàng thả vào hai bể nhỏ này chăm nuôi khoảng 1 tháng cho “cứng cáp”, sau đó anh xả ống đáy để cho cá con theo ống nhựa lớn ra các ô lưới khoanh sẵn trong ao. Ao này nằm sát vườn nên có bóng mát của cây để điều hoà nhiệt độ cho cá con khi gặp trời nắng gắt. Tại đây, cá được tiếp tục chăm nuôi từ 40 đến 50 ngày sau thì vớt cá đến các ao lớn để nuôi lâu dài. Nhờ cách này mà tỷ lệ cá con hao hụt không đáng kể, khi thu hoạch năng suất cá rất cao.

Gần đây, anh xây thêm 50 bể với tổng diện tích trên 1000m2 để nuôi ếch thịt và ếch đẻ. Anh cũng áp dụng kỹ thuật “thoát nước” tương tự như bể nuôi cá, đồng thời anh cũng đưa số ếch con đạt tiêu chuẩn “xuất xưởng” ra lồng lưới ngoài ao bằng đường ống tương tự. Nhờ vậy, ít tốn công chăm sóc cũng như rất an toàn, ít hao hụt ếch con. Chưa hết, anh tận dụng thức ăn thừa của cá, ếch trong các bể xi măng khi thay nước, sẽ trôi ra ao làm thức ăn cho cá. Năm 2006, nhờ có mô hình nuôi cá, ếch, trồng sen, anh thu được khoảng 100 triệu đồng. Bản thân anh tham gia trong CLB nuôi cá nước ngọt xã Hoà Sơn nên có điều kiện học tập, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá, ếch cho các hội viên. Hàng ngày có nhiều nông dân trong và ngoài xã đến tham quan, học hỏi mô hình của anh.

Tháng 5/2006, anh được Hội Làm vườn huyện Hòa Vang chọn báo cáo điển hình mô hình sen, cá, ếch xen canh. Tại Hội chợ - Triển lãm giống cây trồng, vật nuôi và máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp lần thứ I TP. Đà Nẵng tổ chức vào tháng 9/2006, anh Sách có một gian hàng trưng bày: “Mô hình nuôi ếch”.