Vốn nổi tiếng là "trung tâm" sản xuất và cung ứng con giống cho cả nước, với tổng đàn lợn của tỉnh Hà Tây luôn đạt mức 1,2 triệu con. Hằng năm, tỉnh xuất hơn 200 nghìn con giống, từ 300 đến 400 nghìn con lợn thương phẩm. Vậy mà dịch tai xanh không bùng phát, ấy mới là điều lạ! Thực tế cho thấy, đến nay Hà Tây vẫn chưa bị "ghi danh" trên bản đồ dịch lợn tai xanh. Làm thế nào mà tỉnh có thể ngăn chặn thành công loại bệnh này? Trước những thắc mắc của chúng tôi, Chi cục trưởng Thú y Nguyễn Xuân Vui cười vui vẻ: "Ðó là do chủ động thực hiện công tác thú y một cách bài bản, giải quyết tận gốc các khâu phòng, chống dịch". Ngay từ tháng 12 của năm trước, Chi cục Thú y đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trình lên UBND tỉnh. Cho nên trong tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, trong đó quyết luôn cả kinh phí đi kèm cho việc mua vắc-xin, giám sát dịch bệnh và hóa chất tiêu độc, khử trùng... Về khâu giám sát dịch, bên cạnh thực hiện chế độ phụ cấp 540 nghìn đồng cho một định suất thú y xã, tỉnh còn có cơ chế phụ cấp cho mạng lưới thú y thôn (162 nghìn đồng/người). Như vậy, mạng lưới thú y cơ sở của tỉnh vốn có 150 cán bộ thú y tỉnh và huyện, 322 cán bộ thú y xã, nay có thêm vào đó 2.071 thú y thôn, bản là những "tai mắt" theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời. Tuy vậy, để bảo đảm "chất lượng" hoạt động của mạng lưới này, chính Chi cục trưởng thú y trực tiếp quản lý nguồn ngân sách trên, thông qua đó sẽ giao công việc cụ thể cho cán bộ thú y cơ sở. Ngoài việc được tạo điều kiện hành nghề thú y tự do (tiêm phòng, thụ tinh nhân tạo, chữa trị bệnh cho gia súc, gia cầm, hằng tháng mỗi thú y thôn có nhiệm vụ báo cáo số lượng đàn gia súc, gia cầm, tiêm phòng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cho thú y xã, báo cáo lên huyện, rồi lên tỉnh. Ai không báo cáo (hai lần) sẽ bị cắt suất phụ cấp này. Chế độ phụ cấp tuy nhỏ nhưng nó là cơ chế gắn trách nhiệm của họ vào mạng lưới thú y cơ sở. Vì vậy, Chi cục trưởng thú y có thể nắm chắc số liệu thực tế đàn gia súc cũng như tình hình dịch bệnh ở từng thôn, từng xã. Về khâu xử lý triệt để ổ dịch, để tạo điều kiện cho ngành thú y chủ động hơn, tỉnh sẵn sàng cấp 100 triệu đồng/năm (bao gồm tiền hỗ trợ dân tiêu hủy gia súc, gia cầm, tiền công tiêu hủy) và giao cho Chi cục Thú y quản lý để chủ động phối hợp chính quyền địa phương bao vây, xử lý nhanh gọn ổ dịch theo đúng quy định. Thậm chí để kịp thời tổ chức chống dịch, cán bộ trạm thú y huyện đã ứng "tiền nhà" hỗ trợ ngay cho dân tiêu hủy gia súc mắc bệnh. Vì thế, các điểm dịch (với số lượng ít) đã được bao vây, xử lý triệt để ngay khi mới xuất hiện, ngăn chặn dịch lan rộng. Riêng dịch lợn tai xanh, vấn đề phòng bệnh theo quan điểm của ngành thú y là ngoài "mạng lưới thú y thôn, bản", thì quan trọng là phải khống chế được các bệnh dịch tả và tụ huyết trùng. Theo Chi cục trưởng Nguyễn Xuân Vui, bệnh tai xanh làm lợn chết nhiều thực chất do các bệnh bội nhiễm khác gây ra, do đó nếu tiêm phòng tốt các bệnh truyền nhiễm kế phát thì bệnh tai xanh không bùng phát thành dịch lớn được. Dựa trên cơ sở này, ngành thú y đã đề nghị tỉnh cơ chế "cho không" vắc-xin dịch tả lợn, tụ huyết trùng, công tiêm phòng các bệnh này, trước mắt bảo vệ an toàn cho đàn lợn nái, lợn đực giống (khoảng 150 nghìn con) trong dân. Theo thống kê hằng năm, việc tiêm phòng các loại bệnh theo quy định trên đàn lợn toàn tỉnh cũng đạt tỷ lệ hơn 70% số gia súc trong diện tiêm, góp phần đáng kể trong việc hạn chế bùng phát dịch lợn tai xanh vừa qua.
Dịch lợn tai xanh đang được khống chế, thời gian này các địa phương đang bắt đầu kế hoạch khôi phục chăn nuôi. Ðể bảo đảm nguồn con giống "sạch bệnh" cung ứng cho các địa phương, Chi cục thú y Hà Tây đang siết chặt công tác kiểm dịch tại các cửa ngõ của tỉnh như chốt, trạm kiểm dịch Cầu Rẽ, Hà Vĩ, Ba La; đội kiểm dịch lưu động thực hiện nghiêm việc cấp giấy kiểm dịch, niêm phong kẹp chì phương tiện vận chuyển, bấm thẻ đeo tai cho con giống theo quy định khi xuất ra ngoài tỉnh. Tại các "điểm nóng" chuyên "gột lợn" hay các vùng nguy cơ cao, Chi cục Thú y yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện các cam kết về an toàn dịch, bao gồm các điều kiện: mua gia súc, gia cầm về địa phương phải có giấy kiểm dịch, từ vùng an toàn dịch, phải khai báo với thú y xã, khi ốm không được bán chạy, khi có dịch phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp chống dịch theo đúng quy định, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Ngoài ra, chi cục cũng khuyến cáo các công ty lớn tạm dừng nhập lợn giống cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định.
Thực tế, việc giám sát tốt tình hình dịch bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch (nếu xảy ra) hay việc chủ động khống chế được các bệnh bội nhiễm nguy hiểm... là những biện pháp căn bản để ngăn chặn dịch lợn tai xanh ở Hà Tây. Biện pháp không phải là mới (đã được nêu ra trong các công điện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hội nghị quán triệt công tác phòng, chống dịch) nhưng sự quan tâm, cách nhìn nhận đúng của UBND tỉnh về tầm quan trọng của mạng lưới thú y cơ sở, cách tổ chức phòng, chống một cách bài bản của ngành chức năng là những kinh nghiệm hay cho công tác tổ chức phòng, chống dịch (hiện vẫn là những điểm yếu ở nhiều địa phương), không chỉ đối với dịch lợn tai xanh mà hơn thế, nó còn có ý nghĩa đối với các loại bệnh gia súc, gia cầm khác.