00:00 Số lượt truy cập: 3227120

Kinh nghiệm trồng na trên đất dốc núi đá 

Được đăng : 03/11/2016

Ở nước ta na được trồng ở hầu hết các địa phương trong cả nước, có nhiều vùng na lớn tập trung như: Vùng na Bà Đen, Tây Ninh (khoảng 3.060ha), Tân Thành, Châu Đức - Thành phố Vũng Tàu (800 - 900ha), vùng na Ninh Thuận, Đồng Nai (800 - 900ha), vùng na Đông Triều - Quảng Ninh (khoảng 1.000ha), vùng na Lục Nam - Bắc Giang (khoảng 600 - 700ha)...


Tuy nhiên, những vùng na lớn này không được nhiều người biết đến bằng vùng na Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn, bởi na Chi Lăng không chỉ thơm ngon về chất lượng mà còn bởi tính đặc thù của địa hình canh tác, trồng trọt.

Vùng na Chi Lăng (chính xác hơn là vùng na Chi Lăng - Hữu Lũng (Lạng Sơn) có diện tích trên 3.000ha (Chi Lăng 2.395ha, Hữu Lũng 934ha) chủ yếu là na dai có nguồn gốc từ xã Minh Khai, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ) do người dân mang theo khi đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Chi Lăng từ năm 1960. Điều đặc biệt là na chỉ trồng ở chân núi và trên sườn núi đá vôi (thậm chí cả trên đỉnh núi) nơi có các dải đất hẹp xen lẫn với đá hoặc các hốc đá có đất, độ dốc lớn, đôi khi hiểm trở. Người dân Chi Lăng cho biết na chỉ trồng ở núi đá mới cho chất lượng ngon, ngọt, còn trồng ở núi đất thì quả chua và không thơm, giá trị thấp, khó bán.

Trồng na trên đất núi đá có ưu điểm là những năm đầu không phải đầu tư chăm sóc nhiều do đất ở các hốc đá phong hóa từ đá vôi tích tụ rất nhiều mùn và khoáng chất. Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng lượng đất cũng như dinh dưỡng bị rửa trôi xói mòn.

Theo kinh nghiệm của người trồng na, muốn duy trì vườn na trên núi đá lâu dài, cho năng suất, chất lượng ổn định cần phải thực hiện một số biện pháp kỹ thuật chủ yếu sau:

1. Giữ ẩm cho đất và chống xói mòn

Mặc dù quá trình phong hóa thành đất vẫn tiếp tục diễn ra, song do địa hình dốc cộng với việc cuốc xới chăm sóc na nên sự rửa trôi, xói mòn diễn ra rất mạnh trong mùa mưa (từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 9) và rất khô hạn trong mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau). Để giữ được ẩm cho cây trong mùa khô và chống xói mòn trong mùa mưa, người dân thường tận dụng những cỏ, rác thu được trên núi tủ gốc cây quanh năm. Nhiều gia đình còn xếp đá xung quanh gốc cây để ngăn đất trôi hoặc xây những bể chứa nước trên núi với những mái hứng nước mưa bằng tấm nilon hoặc tấm lợp phibro ximăng để lấy nước tưới bổ sung cho na trong những thời kỳ khô hạn, nhất là thời kỳ nở hoa và quả non vào tháng 4, tháng 5.

2. Hàng năm phải đốn tỉa đau để khống chế độ cao, kích thích cành xuân và làm cho cây trẻ lại

Na là cây rụng lá mùa đông, nếu để tự nhiên hoặc cắt tỉa nhẹ sau thu hoạch (cắt tỉa những cành tăm, cành sâu, bệnh, hoặc cành già cỗi...) thì quá trình rụng lá của na kéo dài ảnh hưởng tới sự bật mầm và sinh trưởng của cành xuân. Hàng năm sau thu hoạch khoảng 2 tháng(đầu tháng 12) người dân thường đốn đau đến tận cành cấp 2 (độ cao cây chỉ còn khoảng 2 - 2,5m) thì cành xuân bật mầm tập trung, sớm hơn và có thời gian sinh trưởng dài hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra hoa và đậu quả tốt. Đốn đau còn tạo điều kiện thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch đặc biệt là công việc thụ phấn bổ sung cho hoa và trẻ hóa lại vườn na.

3. Bón phân phục hồi cây sau thu hoạch:

Cây na trong quá trình nuôi quả, kéo dài tới 4 - 5 tháng, đã phải huy động một số lượng lớn các chất dinh dưỡng. Do vậy sau thu hoạch cần phải bón cho cây một lượng dinh dưỡng nhất định để bù lại lượng dinh dưỡng mang đi theo quả và để cho cây tiếp tục sinh trưởng, phân hóa mầm hoa cho vụ quả tiếp theo.

Người dân Chi Lăng thường bón sớm ngay sau thu hoạch (tháng 9) để tận dụng được lượng mưa cuối mùa hòa tan phân. Lượng phân bón cho mỗi cây tùy theo loại phân. Nếu là phân NPK Lâm Thao 5 - 10 - 3 bón mỗi cây từ 2 - 3 kg. Phân NPK Việt Nhật 15 - 15 - 15, bón mỗi cây 0,5 - 1,0kg; phân NPK Bình Điền 18 - 12 - 8bón mỗi cây 0,5 - 1,0 kg.

Nếu thời tiết có biểu hiện hạn sớm, nên kết hợp bón phân qua đất với phân bón qua lá. Có thể sử dụng phân bón lá Thiên nông 10 - 35 - 25+E pha 1kg trong 200 lít nước hoặc phân bón lá Boom Flower, phun ít nhất 2 lần sau khi thu hoạch khoảng 20 ngày, lần sau cách lần trước 15 ngày. Khi phun phân bón lá cho na nên phun vào lúc trời nắng nhẹ, nhiệt độ không quá 30oC và phun dưới mặt lá vì khí khổng của lá na nằm ở phía dưới mặt lá và chỉ mở khi nhiệt độ không khí dưới 30oC.

4. Bón phân thúc lộc và đón hoa

Đợt bón thúc lộc và đón hoa cần thực hiện ngay đầu tháng 2. Bón mỗi cây 3kg phân NPK Lâm Thao 5 - 10 - 3, hoặc 1kg NPK Việt Nhật 15 - 15 - 15 cùng với 15 - 20kg phân hữu cơ hoai mục (nếu không có phân hữu cơ có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh hoặc Sông Gianh với lượng 1kg/cây hoặc các loại phân hữu cơ sinh học khác). Cần giữ ẩm liên tục cho cây bằng cách tủ gốc và tưới nước bổ sung nếu có điều kiện.

5. Bón phân thúc quả

Vào tháng 6, khi quả có đường kính 3 - 5cm, thấy bộ lá na xanh tốt thì chỉ cần bón phân kali 1 - 2kg/cây. Nếu bộ lá xanh vàng tức là có biểu hiện thiếu dinh dưỡng thì sử dụng phân hỗn hợp NPK 12 - 5 - 10 bón cho mỗi cây từ 3 - 5kg tùy theo tình trạng của cây. Khi bón không cần đào rãnh xung quanh tán mà nên đào 4 hố nhỏ theo hình chiếu của tán để bón phân vào.

6. Bón vôi chống chua

Na là cây ưa độ pH từ trung tính đến kiềm yếu (pH từ 7 - 8) nên chỉ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, chất lượng cao trên đất quanh núi đá vôi. Do trồng trọt lâu năm, đất bị rửa trôi và dần bị chua làm cây na sinh trưởng kém, khó chăm sóc, hay bị bệnh thối rễ. Cần bón vôi cho na hàng năm khoảng 1 - 2kg vôi bột cho một cây. Bón vôi khi đất ẩm, rải đều vôi xung quanh gốc cây, xới nông, trộn đều vôi với đất. Chú ý chỉ bón vôi trước hoặc sau khi bón các loại phân vô cơ khác từ 10 - 15 ngày để tránh làm bung trôi các chất dinh dưỡng của các loại phân.

7. Thụ phấn bổ sung cho na

Để tăng tỷ lệ đậu quả, na cần được thụ phấn bổ sung. Người ta thường nuôi thả con bọ thụ phấn vào vườn na hoặc thụ phấn nhân tạo bằng các dụng cụ thụ phấn như “súng”, ống thổi hoặc bút lông.