00:00 Số lượt truy cập: 3226368

Kinh nghiệm trồng trầu bà chân vịt 

Được đăng : 03/11/2016

Cây trầu bà chân vịt (trầu bà Nhật) là loại cây kiểng lá, dùng để cắm trang trí bình hoa. Những năm gần đây cứ vào dịp Tết người chơi kiểng lá ở TPHCM cũng như ở Hà Nội ngày càng tiêu thụ mạnh trầu bà chân vịt, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân trồng loại cây này thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ông Bùi Văn Phụng ở số 621/5A, khu phố 2, phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM, được xem như một gương điển hình trong việc chuyển đổi cây trồng khi mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, chuyển sang trồng cây trầu bà chân vịt.


Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Chánh Định, Chủ tịch Hội nông dân phường An Phú Đông cho biết: Ông Bùi Văn Phụng là một nông dân cần cù, sáng tạo, luôn tìm tòi học hỏi cách làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi đã thành công, ông luôn sẵn sàng hướng dẫn cho người khác cùng làm, ông cũng là một trong những người được bình chọn “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp Trung ương hội.

Vừa nhấp xong muỗng cà phê đá mát lạnh, ông Phụng hào hứng kể: Trước có một người Đài Loan sang TPHCM để làm ăn, trong chuyến đi ông ta mang sang một số loại hoa kiểng chủ yếu để tạo màu xanh trong khuôn viên nhà. Qua một người bạn giới thiệu, ông Đài Loan tìm đến và mời ông tới chăm sóc cây. Trong thời gian chăm sóc hoa kiểng, thấy có một loại cây lá coi rất lạ và đẹp. Sau hỏi ra mới biết, theo tiếng Việt gọi là cây trầu bà chân vịt, thế là ông lân la hỏi thăm về đặc tính, cách nhân giống… Lúc đầu ông xin vài nhánh về trồng thử trong mấy cái chậu, thấy cây cũng dễ trồng, phát triển tốt và ông quyết định nhờ mua 100 cây giống trầu bà về trồng. Trầu bà được chăm sóc tốt, cây lớn nhanh, lá đẹp, chỉ sau 1 năm, ông đã thu hoạch được lứa đầu, thật bất ngờ nếu so với các loại hoa, lá ông đã trồng trước đây, thì giá bán lá trầu bà cao hơn gấp nhiều lần, giá thời điểm lúc bấy giờ 2.500 đ/lá.

Ông Phụng chia sẻ: Cây trầu bà chân vịt là loại cây thân cỏ, rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Cần trồng trên nền đất tốt, không nhiễm phèn, nếu đất nhiễm phèn nặng thì nên trồng trong chậu. Chọn mua giống ở những cơ sở có uy tín, cây giống chủ yếu là cây con tách từ cây mẹ. Cách trồng cũng đơn giản, trộn tro trấu + xơ dừa + phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ sản xuất sẵn ở ngoài thị trường, trộn đều cho vào chậu, bới một lỗ nhỏ đặt cây giống xuống lấp chặt, tưới nước ngày 1 lần.

Cây trầu bà không chịu ánh sáng mạnh, cần làm giàn, có lưới che bớt ánh sáng, ánh sáng thích hợp từ 50 – 60%. Cây trồng sau 1 tháng tiến hành tưới phân (bánh dầu đậu phộng đã ngâm kỹ, pha nước lạnh cho thật loãng rồi tưới). Sáu tháng sau bón bổ sung phân hữu cơ Vinamit. Cây được 12 tháng tuổi bón phân NPK 16 – 16 – 8 hàm lượng rất nhỏ, mỗi chậu tuỳ theo lớn nhỏ bón từ 1 – 2 muỗng cà phê (lưu ý bón nhiều quá cây sẽ bị chết). Nên thường xuyên cung cấp phân bón lá, có thể dùng phân bón lá Đầu trâu 007, pha 10g/bình 8 lít, phun xịt khi trời mát. Xịt định kỳ 7 – 10 ngày/lần.

Phòng trừ bệnh hại: Cây trầu bà ít bệnh, tuy nhiên thường gặp sâu ăn lá, có thể dùng Suprathion 40 EC, liều lượng 10 – 15ml/bình 8 lít phun trực tiếp trên lá. Dùng Dithane M45 để trị bệnh mốc sương, pha 30 – 40g/bình 8 lít xịt.

Thu hoạch: Trồng sau khoảng 6 – 7 tháng là thu hoạch được, chọn những lá to thu hoạch trước. Cách thu hoạch, dùng tay bẻ những lá ở dưới gốc rồi bó lại mang đi giao cho các mối hoặc thương lái tới nhà mua. Giá bán lá thời điểm này từ 700 – 800đ/lá; giá bán cây giống 20.000đ/cây. Nếu bán vào dịp Tết còn cao hơn; mỗi ngày ông Phụng bán được từ 5.000 – 7.000lá. Hiện nay ông phụng đang trồng rất nhiều loại trầu như: Trầu bà đuôi phụng, đuôi công, trầu bà giống của Mỹ, Pháp, trầu tua, trầu vàng, bạch mã hoàng tử…

Qua việc trồng và nhân giống trầu bà chân vịt cung cấp cho thị trường, một năm gia đình ông Bùi Văn Phụng thu nhập trên 200 triệu đồng. Ngoài ra ông còn hướng dẫn cho một số hộ dân trong địa phương làm cũng rất hiệu quả.