00:00 Số lượt truy cập: 2670973

Kinh nghiệm từ mối liên kết bốn nhà ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh 

Được đăng : 03/11/2016

Ðầu tháng 3-2007, mô hình liên kết "bốn nhà" để "cùng nhau ra đồng" ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần hình thành. Qua vụ sản xuất lúa hè thu, mô hình này đã thành công bước đầu. Nông dân trong ấp đã tổ chức lễ hội được mùa, cũng là dịp để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui, buồn trong quá trình liên kết, rút kinh nghiệm cho việc nhân rộng mô hình.


Chọn điểm Cầu Tre

Ấp Cầu Tre, xã Phú Cần (Tiểu Cần, Trà Vinh) có 2.336 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 98,2%; với 335 ha đất canh tác, trong đó có 110 ha đã được đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương bê-tông kiên cố.

Là xã thuộc Chương trình 135, cho nên được Chính phủ đầu tư khá đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đời sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn do canh tác chủ yếu vẫn là độc canh cây lúa.

Với trình độ canh tác thấp, vẫn các kỹ thuật canh tác truyền thống, lạc hậu, còn mang nặng tư tưởng trông chờ, sản xuất lúa tại đây còn nhiều hạn chế, năng suất không cao hơn 5 tấn/ha. Do đất xấu (đất cát pha, tầng canh tác mỏng, chua, mặn), do bị sâu bệnh phá hại, lại không nắm vững các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hợp lý (thường phun thuốc muộn, sử dụng không đúng thuốc, hỗn hợp các loại thuốc khi sử dụng) và còn hạn chế bởi các kỹ thuật canh tác lạc hậu như: sạ dầy (200-300 kg giống/ha), sử dụng giống phẩm cấp thấp, bón phân chăm sóc không hợp lý...

Vụ đông xuân 2006 - 2007, tại đây rầy nâu và bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá đã gây hại khá nặng, chỉ tính riêng khu kênh bê-tông (110 ha) đã có 38,5 ha bị hại nặng, năng suất chỉ đạt hơn 50% so với trung bình hằng năm (2,4 tấn/ha). Người dân hoang mang lo lắng, họ không biết phải làm gì  để sống, nếu như không ngăn cản được loại bệnh nguy hiểm đến cây lúa.

Việc giúp nông dân nắm bắt được các thông tin, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp và chính bản thân người dân.

Mô hình liên kết "bốn nhà" ra đời, và qua thử thách đã khẳng định được vai trò trong việc giúp nông dân vượt qua các hạn chế trong sản xuất, đặc biệt khi đối đầu với sự bùng phát của dịch bệnh.

Chính vì lẽ đó, đầu tháng 3-2007, mô hình  liên kết "bốn nhà" được thực hiện tại đây, với các mục tiêu sau: Giúp 158 hộ nông dân với diện tích canh tác 110 ha có hệ thống kênh bê-tông nổi và nông dân vùng lân cận hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, phương thức lan truyền và các biện pháp chủ động đối phó với dịch bệnh trên lúa. Chứng minh hiệu quả của việc sử dụng các giống đã sạch bệnh; việc sạ hàng, sạ thưa; việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân tổng hợp, dùng vôi, lân trong việc cải tạo đất phèn, bón đúng, bón đủ. Ðiều chỉnh thời vụ để phát huy hiệu quả của hệ thống kênh bê-tông, làm cơ sở cho việc tăng vụ. Thử nghiệm sản xuất giống lúa nhằm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Nâng cao hiểu biết và khả năng ứng dụng KHKT của cán bộ địa phương, và các hộ nông dân tham gia mô hình để họ tự áp dụng những tiến bộ về canh tác, trồng trọt và bảo vệ thực vật khi kết thúc mô hình.

Cầu Tre là nơi có đông đồng bào Khmer, vừa bị mất mùa liên tiếp, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn để tiếp tục sản xuất, đang cần sự trợ giúp. Việc chọn Cầu Tre làm mô hình là tấm lòng và trách nhiệm của các nhà khoa học để thử sức sống của khoa học trên đồng ruộng.

Cùng nhau ra đồng 

 Kết thúc một vụ mùa thắng lợi, giờ đây mới có thể nói liên kết "bốn nhà"  để "cùng nhau ra đồng" mới thật sự mang đúng và đầy đủ ý nghĩa của nó. Trong ngày vui lễ hội được mùa của nông dân ở đây, chúng tôi được nghe kể lại những câu chuyện hết sức cảm động để đưa cụm từ "cùng nhau ra đồng" về đúng với ý nghĩa của nó.  

Tiến sĩ Nguyễn Như Cường ở Viện Bảo vệ thực vật, người đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nơi đây hơn nửa mùa lúa cho biết, khi tôi mới về cũng gặp nhiều khó khăn lắm. Khó khăn đầu tiên là ngôn ngữ. Ở đây còn rất nhiều bà con Khmer nói, nghe không thông thạo tiếng phổ thông, tôi lại nói giọng bắc, cho nên rất trở ngại trong giao tiếp.  

Nhờ có thầy Thạch Sane biết được nhiều thứ tiếng (cả tiếng Pháp, tiếng Anh) giúp tôi rất nhiều trong việc giao tiếp với bà con. Rồi chuyện ra đồng, việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhiều bà con cũng không quan tâm, chưa tin. Nên lúc đầu, mọi thao tác kỹ thuật hầu như đều do cán bộ kỹ thuật thực hiện. Khó khăn khách quan trong vụ sản xuất vừa qua là vùng này tuy có kênh bê-tông nổi chủ động nước, nhưng đầu vụ trời không mưa, nước dưới sông mặn không thể bơm tát được đành để ruộng khô chờ nước hơn một tháng.  

Ruộng khô làm hạn chế việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nhiều thửa ruộng phải sạ lại; nhiều thửa giống lên không đều, thưa mà bà con ở đây có tập quán sạ dầy, nên không an tâm, đòi sạ lại. Trong quá trình thuyết phục, thậm chí chúng tôi phải cam kết cứ để ruộng thưa nếu năng suất thấp hơn trung bình hằng năm sẽ bồi thường, lúc đó bà con mới đồng ý.  

Thầy Thạch Sane, nói với chúng tôi: Bà con Khmer phải được thấy trước rồi mới tin. Bây giờ thì bà con mình tin quá rồi. Không phải tin từ chỗ được trúng mùa hơn các năm trước, có lãi nhiều; mà tin và phục nhiều hơn là ở chỗ thấy được quyết tâm, chịu khó của cán bộ kỹ thuật lặn lội dưới đồng ruộng.  

Nhất là tiến sĩ Cường, lúc đầu nghe nói là tiến sĩ, nói giọng bắc xa lắc xa lơ không mấy người tin tưởng. Nhưng qua thời gian tiến sĩ ở đây, suốt ngày lặn lội ngoài đồng, thức đến 1-2 giờ sáng để canh nước đưa vào ruộng, bà con mới thật sự tin tưởng. Và càng tin hơn khi nhiều người trúng đậm. Hộ ông Thạch Khol chỉ có hai công đất mà thu được 1.595 kg lúa, trừ chi phí còn lãi đến 2.420 nghìn đồng.  

Ông Thạch Minh nói, tôi thấy lúa thưa quá, lúc đầu định sạ lại, nhưng nghe theo các anh kỹ sư để lại dậm bù. Tôi tính chín công lúa này nhiều lắm cũng chỉ sáu, bảy bao, nhưng khi suốt thấy lúa nhiều quá mới sai con về nhà lấy thêm bảy, tám bao nữa mà đựng không hết. Tôi bán tại ruộng với giá 2.350 đồng/kg được tới 17 triệu 469 nghìn đồng, tính ra năng suất hơn 8,2 tấn/ha. Trừ chi phí tôi còn lãi đến 12 triệu 960 nghìn đồng, tính ra một công đất lãi đến 1 triệu 440 nghìn đồng, thật là nằm mơ cũng không dám ước. Vậy mà bây giờ đã thành sự thật. 

Sau vụ lúa này, nhiều hộ nông dân đã vượt qua cái nghèo, nhiều hộ tích lũy được vốn, mua được các phương tiện sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Người có đất ít thì nói rằng, có thể trang trải được nợ nần, mua đồ dùng cho con học tập. Hộ  khá hơn thì mua được ti-vi, kéo điện vào nhà... Hộ có đất nhiều như anh Thạch Sung (20 công) thì mua được cả máy cày. Quan trọng hơn tạo được lòng tin của nông dân vào khoa học, kỹ thuật, chí thú với ruộng đồng, khắc phục dần sự trông chờ, ỷ lại. Nhiều nông dân nói rằng, nếu nghe và làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật ngay từ đầu vụ, chắc còn trúng mùa hơn nữa. Vụ lúa tới, họ sẽ làm đúng theo hướng dẫn.

Những kinh nghiệm bước đầu

Việc chuyển giao các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, giới thiệu các biện pháp canh tác lúa tiên tiến, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất lúa... đã được Trung tâm khuyến nông, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, của các viện, trường triển khai từ nhiều năm nay; nhưng xem ra việc tiếp thu và vận dụng vào thực tế của nông dân còn rất hạn chế và thiếu bài bản. Nhất là vùng có đông đồng bào Khmer, việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn rất hạn chế.

Theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn Như Cường, trình độ sản xuất của bà con ở đây còn rất lạc hậu. Nhiều người chưa biết phân biệt đâu là rầy nâu, chưa xác định được một số bệnh hết sức thông thường của cây lúa, không rõ tác dụng của từng loại thuốc nông dược, chưa biết chính xác tác dụng của từng loại phân bón... Chính vì vậy, mặc dù sử dụng rất nhiều phân, thuốc; chi phí để mua các loại vật tư cao, nhưng phòng, trị và chăm sóc kém hiệu quả.

Thực hiện mô hình này, các nhà khoa học vừa hướng dẫn, vừa trực tiếp làm, vừa đào tạo kỹ thuật mười nông dân nòng cốt tại địa phương, để sau ba vụ lúa họ có thể thành thạo các biện pháp kỹ thuật hướng dẫn lại cho bà con trong vùng. Thành công của mô hình liên kết bốn nhà ở ấp Cầu Tre, giúp cho các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp rút ra bài học bổ ích.

Trước hết là, cần đổi mới phương pháp chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Tùy thuộc tập quán sản xuất của từng vùng, trình độ tiếp thu và khả năng ứng dụng mà có các mô hình chuyển giao thích hợp. Bí quyết thành công trong liên kết "bốn nhà" ở ấp Cầu Tre là sự đồng tâm, đồng lòng và đồng bộ.

Sau là, phải thống nhất được mục tiêu vì lợi ích của nhà nông, từ đó các nhà mới cùng bàn với nhau xem nông dân cần gì để mà giúp đỡ và quan trọng hơn là nông dân phải tự lực vươn lên, học tập và áp dụng.

Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, đơn vị tài trợ hơn 300 triệu đồng cho mô hình này nói: “Là nhà doanh nghiệp lẽ ra thấy bà con sử dụng nhiều vật tư thì phải mừng. Nhưng lương tâm nhà doanh nghiệp không cho phép, doanh nghiệp phải đồng hành cùng nông dân. Chúng tôi bỏ ra số tiền này tuy không lớn nhưng thấy được hiệu quả của nó rất rõ rệt. Bà con sử dụng phân, thuốc đúng liều, tiết kiệm được chi phí, có được lợi nhuận cao; bà con làm ăn có hiệu quả thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững được”.

Từ đây cho thấy để mối liên kết "bốn nhà" thật sự hiệu quả và bền vững, ngoài đồng tâm, đồng lòng, đồng bộ còn phải có sự đồng cảm. Nhà doanh nghiệp phải thấy và cảm nhận được sự khó nhọc của người nông dân trong sản xuất để làm ra sản phẩm cho xã hội, cho doanh nghiệp kinh doanh. Khi ký hợp đồng với nông dân cần lường trước những rủi ro của nông dân có thể gặp phải, cần có giải pháp hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn, không vì lợi ích trước mắt mà đẩy nhà nông vào thế bí.