00:00 Số lượt truy cập: 2691656

Kon Tum: Phát triển ồ ạt diện tích trồng sắn: Lợi bất cập hại! 

Được đăng : 03/11/2016

Mấy năm qua, tỉnh Kon Tum đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn để đáp ứng cho ngành công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các vùng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến của tỉnh đã đặt ra việc cấp bách cần được giải quyết kịp thời, đó là tình trạng phát triển nhanh diện tích trồng cây sắn trên nhiều chân đất khác nhau.


Nếu chỉ nhìn ở phương diện lợi nhuận trước mắt thì cây sắn đã góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. Nhưng, nếu đặt trên yêu cầu phát triển nông nghiệp phải ổn định, bền vững đồng thời đảm bảo cân bằng môi trường thì việc phát triển nhanh diện tích cây sắn mà không theo quy hoạch nào cả thì sẽ dẫn đến tác động xấu về tài nguyên rừng và đất rừng. Là địa phương có đến hai nhà máy chế biến tinh bột sắn có quy mô lớn, nên trong vòng vài năm trở lại đây huyện Sa Thầy đã trở thành địa phương đi đầu trong phát triển diện tích trồng sắn nguyên liệu. Toàn huyện hiện có trên 6000 ha sắn. Ông A Kim, Chủ tịch UBND huyện tâm sự: vẫn biết việc phát triển nhanh diện tích trồng sắn sẽ đặt ra cho địa phương rất nhiều nguy cơ. Thứ nhất, đất trồng sắn rất nhanh bị bạc màu và rất khó tái tạo trong điều kiện canh tác lạc hậu của đồng bào hiện nay. Tiếp đến là việc phát triển nhanh diện tích đất trồng sắn sẽ "cạnh tranh" gay gắt với diện tích trồng các loại cây chủ lực khác, như cao su, cây nguyên liệu giấy. Đặc biệt là việc phát triển nhanh diện tích đất trồng sắn sẽ khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng của địa phương sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Biết vậy, nhưng trong thực tiễn thì những cây trồng dài ngày mặc dù có gía trị kinh tế cao và bền vững, nhưng chúng không thể đáp ứng được nhu cầu trước mắt cho đời sống hàng ngày của đồng bào. Do vậy, việc đồng bào ở các địa phương trong huyện phát riển nhanh diện tích trồng sắn là nhu cầu tự thân. Xã Sa Sơn ( huyện Sa Thầy) được coi là điển hình về tốc độ phát triển trồng cây sắn. Toàn xã hiện có gần 500 hộ gia đình thì hộ nào cũng có đất trồng sắn. Hộ trồng ít nhất cũng có năm, ba sào; hộ trồng nhiều có đến hàng chục ha sắn. Cây sắn đã góp phần đáng kể để đưa tổng sản phẩm thu nhập của xã miền núi này đạt gần 13 tỷ đồng/ năm. Vai trò của cây sắn trong việc xóa đói giảm nghèo là không thể phủ nhận. Đây cũng chính là một trong số những địa phương xảy ra nhiều vụ cháy rừng nhất mà nguyên nhân là do đồng bào phát rừng để làm rẫy trồng sắn. Đây là một trong những lý do chính để khẳng định rằng, cây sắn là loại cây trồng "bấp bênh" không ổn định và không bền vững. Mặt trái của việc phát triển nhanh diện tích trồng cây sắn nguyên liệu là vấn đề không cần phải bàn cãi và tỉnh Kon Tum cũng đã sớm nhận ra mối nguy hại này.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Kon Tum hiện có gần 30.000 ha đất trồng sắn. Tỉnh đã có chủ trương từ nay đến năm 2010, sẽ giảm một nửa diện tích đất trồng sắn để đưa vào trồng các loại cây nguyên liệu khác có gía trị kinh tế cao và ổn định, bền vững hơn. Đây là chủ trương đúng của tỉnh, tuy nhiên có kiểm soát được tốc độ phát triển ồ ạt về loại cây trồng này hay không và liệu tỉnh có giảm được một nửa diện tích đất trồng sắn nguyên liệu hay không, như vậy còn phụ thuộc rất nhiều vào sự kiên quyết của các địa phương, các ngành chức năng và của tỉnh. Bởi vì, đến thời điểm này một số địa phương trong tỉnh vẫn coi việc phát triển diện tích trồng sắn như là một "chỉ tiêu" trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương./.