00:00 Số lượt truy cập: 3228313

Kon Tum: Xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà cần sự đồng thuận từ nhiều phía 

Được đăng : 03/11/2016
Trong số hơn 9.000 ha cà phê kinh doanh của tỉnh Kon Tum thì riêng huyện Đăk Hà có khoảng 7.500 ha; huyện này có sản lượng cà phê chiếm hơn 90% tổng sản lượng của tỉnh. Đăk Hà cũng là một trong những vùng được đánh giá là có năng suất và chất lượng sản phẩm cà phê thuộc loại cao nhất khu vực Tây Nguyên với hơn 40% sản lượng cà phê nhân trên sàng (loại 1). Sau nhiều năm "thai nghén", ý tưởng xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà đang được chính quyền huyện bắt tay thực hiện.


* Bắt đầu từ khâu thu hoạch

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê chín đỏ của gia đình đang được thu hoạch, anh Nguyễn Quang Tiến, công nhân Công ty Cà phê Đăk Uy phấn khởi khoe: Lâu lắm rồi, người trồng cà phê ở Đăk Hà mới được mùa cà phê như năm nay, không chỉ năng suất mà giá cà phê cũng tăng cao, nhà nào trồng cà phê cũng đều thu lãi lớn. Nhà anh Tiến có 3 ha cà phê, gồm 2 ha nhận khoán của Công ty và 1 ha tự trồng. Năm nay, anh Tiến thu về khoảng 60 tấn cà phê tươi với giá bán bình quân 4.500 đồng như hiện nay thì sau khi nộp khoán, trừ chi phí chăm sóc, anh Tiến còn lãi ròng hơn 150 triệu đồng. Với khoản lãi này, anh Tiến không chỉ thanh toán xong các món nợ vay chăm sóc cà phê từ mấy năm trước dồn lại mà còn để dành được một khoản tiền lớn. Danh sách các hộ trồng cà phê có lãi ròng trên 100 triệu ở Công ty Cà phê Đăk Uy có đến hàng trăm hộ. Cứ nhà nào có 1,5 ha cà phê trở lên nếu chăm sóc tốt thì năm nay đều có lãi hơn 100 triệu đồng - Như lời chị Nguyễn Thị Diều, công nhân Công ty cà phê Đăk Uy cho biết.

Nguyên nhân chính làm năng suất cà phê ở Đăk Hà năm nay tăng cao ngoài yếu tố thời tiết thuận lợi còn là việc kiểm soát khâu thu hoạch của chính quyền địa phương. Bước vào vụ thu hoạch cà phê năm 2006, UBND huyện Đăk Hà đã ra quyết định thành lập Đội Kiểm tra liên ngành để kiểm soát việc thu hoạch cà phê và chống thất thu thuế. Theo đó, chính quyền huyện quy định, những vườn cà phê chín rộ trên 90% thì mới được thu hoạch. Chính sách này đã không chỉ làm năng suất cà phê tăng mà theo đánh giá của cơ quan kiểm định chất lượng thì chất lượng cà phê vụ này cũng cao hơn năm trước trên 15%. Với chủ trương này, khâu thu hoạch của hầu hết diện tích trên địa bàn huyện đều được kiểm soát. Không những chất lượng, năng suất cà phê tăng cao mà còn ngăn chặn được tình trạng trốn thuế, ép giá và hạn chế nạn trộm cà phê, bảo đảm được an ninh trật tự trong vùng. Đây cũng là hành động tích cực đầu tiên nằm trong kế hoạch xây dựng một thương hiệu cà phê Đăk Hà có vị thế trên thị trường trong nước và thế giới.

* Cần sự đồng thuận

Ý tưởng xây dựng thương hiệu cho cà phê Đăk Hà đã có từ lâu, nhưng từ trước đến nay chưa ai nghĩ là sẽ xây dựng kế hoạch để thực hiện. Ông Phạm Đức Hạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: sản phẩm cà phê của huyện Đăk Hà có hàng loạt thế mạnh so với các vùng chuyên canh cà phê khác trong nước như: diện tích trồng tập trung, năng suất cao, ổn định; chất lượng cà phê của huyện được đánh giá là thuộc loại cao nhất Việt Nam. Vì vậy, sau khi được bàn bạc kỹ lưỡng, quyết định xây dựng thương hiệu mạnh cho cà phê Đăk Hà là phù hợp với thực tiễn.

Ngoài bước khởi đầu là nâng cao hơn nữa chất lượng cà phê trong khâu thu hoạch, chính quyền huyện Đăk Hà đã đặt vấn đề với Trung tâm Khuyến công tỉnh Kon Tum trợ giúp về mặt pháp lý để lập kế hoạch xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà. Trước mắt, khi chưa lập được một kế hoạch hành động chi tiết cụ thể thì chính quyền huyện đang thực hiện một số việc để tạo tiền đề cho việc xây dựng một thương hiệu cà phê Đăk Hà mạnh trên thương trường, gồm các bước: ổn định diện tích, cải tạo chất lượng vườn cây, cải tiến quy trình đầu tư, đảm bảo chất lượng khi thu hoạch, tăng cường chế biến cà phê nhân bằng công nghệ “xát ướt” đồng thời có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ cà phê với quy mô lớn.

Tuy nhiên, ngay những việc làm ban đầu này, chưa hẳn là đã "xuôi chèo mát mái", bởi muốn thực hiện được phải có sự đồng thuận từ nhiều phía. Ông Cao Trọng Tuân, Giám đốc Công ty Cà phê Đăk Uy 3 đưa ra đánh giá: việc xây dựng thương hiệu là điều tất yếu trong xu thế hội nhập, nhưng hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn kinh doanh cà phê của huyện vẫn chỉ là xuất khẩu gián tiếp qua trung gian. Bởi vậy, việc xây dựng thương hiệu chưa mang lại quyền lợi trực tiếp ngay cho doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp trước mắt sẽ không mặn mà với kế hoạch của chính quyền. Một trở ngại khác, đó là tập quán canh tác của người trồng cà phê. Họ thường thu hoạch khi quả cà phê chưa chín đều với suy nghĩ như vậy sẽ đỡ làm mất sức của cây và kéo dài thời gian chăm sóc cây hơn, trong khi lại quá lạm dụng các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật mà không có biện pháp tái tạo đất về lâu dài. Người trồng cà phê ở Đăk Hà cũng chưa có thói quen tính giá trị sản phẩm bằng cà phê nhân mà chỉ tính sản phẩm xô và thường đem phơi khô để bán. Những tập quán, việc làm này dù vô tình, hay hữu ý đều làm cho chất lượng và giá trị sản phẩm cà phê bị giảm sút đáng kể.

Việc xây dựng một thương hiệu mạnh cho cà phê Đăk Hà là đúng đắn, song muốn thực hiện hiệu quả cần phải có sự đồng thuận, hợp tác chặt chẽ từ nhiều phía như: chính quyền, nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học... Để đạt được mục đích này, trước hết phải làm tốt khâu tuyên truyền./.