00:00 Số lượt truy cập: 2677404

Lâm Đồng: Cà chua bệnh, thiệt hại hàng chục tỷ đồng 

Được đăng : 03/11/2016

Tại huyện Đơn Dương, vùng sản xuất cà chua lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, nông dân đang hết sức lo lắng và hoang mang vì bệnh xoắn lá do virus khiến cà chua bị sượng trái, thậm chí không có trái do giống không bảo đảm chất lượng.


Ông Nguyễn Văn Lộc, chuyên viên của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương, cho biết, hiện nay 11/11 xã, thị trấn của huyện đều trồng cà chua. Tại một số xã như: Ka Đô, Lạc Xuân, Tu Tra, Quảng Lập.. cà chua là mặt hàng nông sản chính của nông dân.

Ở Đơn Dương, những vụ bình thường như năm nay, bà con trồng khoảng 800 ha cà chua nhưng có mùa cao điểm, diện tích lên tới 1.500 – 2.000 ha, chiếm hơn 30% diện tích rau thương phẩm toàn huyện. Anh Đinh Văn Đủ ở thôn Nghĩa Hiệp I (xã Ka Đô) nói: “Gia đình tôi vừa phải phá bỏ 4 sào cà chua đang ở thời kỳ ra trái vì virus gây xoắn lá và co rút ngọn, thiệt hại gần 60 triệu đồng”.

Cũng trong tháng 3-2007, hàng trăm hộ gia đình trồng cà chua ở các xã Ka Đô, Lạc Lâm, Tu Tra, Lạc Xuân, P’Róh… cũng đã phải phá bỏ diện tích cà chua và lâm vào hoàn cảnh tương tự như anh Đủ.

Trả lời về loài virus đang tàn phá những vườn cà chua, hiện thời, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương chỉ mới chẩn được bệnh xoắn lá là do virus gây ra chứ chưa xác định được là virus gì và cũng chưa tìm ra loại thuốc đặc trị. Chỉ biết rằng, hiện nay bệnh đã lây lan trên tất cả những cánh đồng cà chua trong huyện. Khi cây bị nhiễm virus thì lá sẽ bị xoắn lại rồi khô héo và đỉnh sinh trưởng bị co rút, không ra hoa kết trái, dẫn đến sản lượng giảm mạnh.

Theo ước tính của ngành nông nghiệp địa phương, năm 2007 này, có khoảng 25% diện tích cà chua toàn huyện bị sâu bệnh, sản lượng cà chua của huyện giảm từ 20- 25 tấn/ha và theo thời giá hiện tại là 1.500 – 2000 đồng/kg thì con số thiệt hại do sâu bệnh đã lên đến hơn chục tỷ đồng. Cùng với việc phải đối phó với bệnh do virus, nhiều hộ nông dân còn rơi vào cảnh cà chua đến lúc thu hoạch có vỏ mà không có ruột. Một số hộ trồng cà chua ở xã Lạc Xuân cho biết, họ trồng giống cà chua 385, đến vụ thu hoạch bổ trái ra thì trái không có ruột hoặc nếu có thì ruột bị thối đen không thể ăn được.

Bệnh xoắn lá, co rút đỉnh sinh trưởng và cả bệnh sượng trái, đen ruột ở cây cà chua trên địa bàn huyện Đơn Dương vẫn chưa có thuốc đặc trị. Còn nguyên nhân gây mầm bệnh, cơ chế lây lan thì đã rõ vì hiện tại nguồn giống cung cấp cho người dân đang bị thả nổi, các giống cà chua đều do các đại lý nhập từ nước ngoài về hoặc lấy từ đâu không rõ nguồn gốc.

Các giống thường được trồng nơi đây là: An Na, 408, 386, 901, 385. Một cán bộ phụ trách mảng trồng trọt của Phòng Nông nghiệp huyện, khẳng định: Hiện nay huyện có khoảng hơn 50 cơ sở ươm, cung cấp giống cho bà con nông dân nhưng đến thời đểm cuối tháng 3-2007 mới chỉ có hai cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, cung cấp giống!?...