Thời gian qua, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi phục vụ phát triển nông thôn và vùng đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hàng hóa trong thời gian qua được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh quan tâm triển khai đạt kết quả tốt, được chính quyền địa phương và bà con nông dân đánh giá cao.
Một số kết quả nổi bật thể hiện qua các dự án nông thôn – miền núi lớn:
+ “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng và sản xuất meo giống một số loại nấm ăn, nấm làm thuốc tại huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng” đã xây dựng hệ thống nhà nuôi trồng nấm tập trung mức công nghệ cao, nhà nấm phân tán, chuyển giao 9 quy trình công nghệ do Trung tâm Ứng dụng KH&CN của Sở chuyển giao; Đào tạo 8 kỹ thuật viên, tập huấn cho 270 lượt nông dân trong vùng. Cơ quan chủ trì đã tự đầu tư đối ứng hơn 3,5 tỷ đồng, tạo sức lan tỏa cho vùng nấm Đơn Dương với việc đăng ký nhãn hiệu tập thể “Nấm Bào ngư Đơn Dương”.
+ “Xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh vật từ bã thải trồng nấm, phế thải chăn nuôi và trồng trọt tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng” đã chuyển giao 3 quy trình công nghệ: công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh, công nghệ xử lý nguyên liệu hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh vật, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh vật; sản xuất được chế phẩm vi sinh vật; xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh cho một số cây trồng với quy mô 01 ha/mô hình: cà phê, chè, rau, đào tạo 20 kỹ thuật viên, tập huấn cho 500 lượt hộ dân.
+ “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nấm dược liệu quý và nấm ăn quy mô công nghiệp tại xã Đam Bri, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng” đã xây dựng mô hình sản xuất giống nấm, nuôi trồng nấm tập trung, sơ chế, xử lý bã thải, mô hình sản xuất nấm phân tán trong dân mang lại hiệu quả kinh tế.
Các mô hình trồng nấm công nghệ cao đạt hiệu quả cao và được lãnh đạo các huyện rất quan tâm và hỗ trợ. Thực tế đã tạo ra 3 vùng trồng nấm có lợi thế tương đối: Bảo Lộc, Đơn Dương - Đức Trọng và Đà Lạt – Lạc Dương, khẳng định rõ vị thế ngành nấm ở Lâm Đồng với hàng chục doanh nghiệp công nghệ cao, lôi cuốn xã hội hóa với tỷ trọng ngày càng tăng trong sản xuất công nghiệp hóa.
+ “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng” góp phần phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm có truyền thống và lợi thế ở Lâm Đồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của ngành trồng dâu nuôi tằm của huyện Lâm Hà, bước đầu hình thành mối liên kết từ sản xuất dâu, nuôi tằm đến tiêu thụ trứng cho các hộ sản xuất trong huyện và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư phát triển, tạo lập các làng nghề. Qua thực hiện dự án đã chuyển giao 10 quy trình trồng dâu, nuôi tằm. Đào tạo 16 kỹ thuật viên và tập huấn cho 300 lượt nông dân. Hiệu quả kinh tế đối với các hộ trồng dâu, nuôi tằm con tập trung thu nhập bình quân trừ chi phí từ 150 – 300 triệu đồng/năm. Thúc đẩy các đề tài tạo dựng vùng dâu tằm thứ 2 của tỉnh là Đạ Huoai, tập trung tạo ngành nghề dâu tằm tơ cho Lâm Đồng.
+ “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng và phát triển mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Lâm Hà - tỉnh Lâm Đồng”đã thúc đẩy chiến lược phát triển cà phê lợi thế và tạo lập thương hiệu cho các vùng cà phê chè ở Lâm Đồng. Đến thời điểm này dự án đã xây dựng mô hình vườn nhân chồi giống cà phê vối mới với 50.000 cây, cây sinh trưởng tốt và đã cho thu hoạch 150.000 chồi. Dự án đã nhận chuyển giao 09 quy trình kỹ thuật, đào tạo 20 kỹ thuật viên, đồng thời kết hợp các đề tài đi sâu về cây cà phê.
+ “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng” được triển khai từ tháng 6 năm 2013, dự án đã xây dựng các mô hình: trồng lúa nước tăng 162 – 166% về năng suất; cải tạo vườn điều cũ tăng 150% về năng suất so với các hộ không tham gia mô hình; trồng mới cà phê, trồng xen cà phê trong vườn điều phát triển tốt; trồng bơ triển khá tốt tại vườn cà phê; trồng dứa phát triển khá tốt xen dưới tán điều; trồng cam canh phát triển khá. Đã chuyển giao 05 quy trình kỹ thuật, đào tạo 10 kỹ thuật viên, tập huấn cho 480 lượt người. Dự án đã thúc đẩy kinh tế tại địa phương triển khai với các mô hình canh tác mới cho đồng bào dân tộc vùng sâu, cùng xa và qua đó đã thay đổi dần nhận thức của người nông dân trong cơ cấu câu trồng của nông hộ, giảm thiểu áp lực của việc di cư lao động tự do từ vùng nông thôn đến thành thị và góp phần ổn định an sinh xã hội và kinh tế - xã hội vùng dự án.
Kết quả đạt được từ các mô hình trình diễn của dự án, ban chủ nhiệm, chủ trì chuyển giao công nghệ, cơ quan quản lý phối hợp tổ chức tập huấn, phổ biến kết quả để người dân trong vùng dự án học tập, nhân rộng góp phần đổi mới cách nghĩ và cách làm của người dân để thực hiện quy trình sản xuất một cách khoa học, tạo thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có lợi thế so sánh. Thực tế thể hiện rõ quá trình liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) trong triển khai dự án. Đối với doanh nghiệp chủ trì thực hiện dự án, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao năng suất, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và hàng hóa có tính cạnh tranh cao, đồng thời giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp ngày càng thể hiện tính công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, phân bón, canh tác không dùng đất và an toàn vệ sinh thực phẩm sử dụng các giống mới ưu việt.. Xu hướng xã hội hóa phát triển ứng dụng phổ biến Khoa học Công nghệ trong những năm qua đã đi vào chiều sâu, lôi cuốn các thành phần kinh tế và tạo nên đặc trưng ở Lâm Đồng.