Bước vào năm 2009, Lâm Đồng cùng với cả nước bắt tay vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Với nghị quyết mới về “tam nông” của Trung ương này, diện mạo mới của nông nghiệp – nông dân – nông thôn sẽ được hình thành và phát triển theo chiều hướng tích cực.
NHỮNG THÀNH TỰU QUAN TRỌNG
Theo nhận định của các chuyên gia, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, Lâm Đồng sẽ gặp không ít khó khăn bởi xuất phát điểm của nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, của địa phương này còn thấp. Nhưng, với quyết tâm cao, việc thực hiện Nghị quyết “tam nông” sẽ thu được những kết quả quan trọng trong năm 2009 - năm đầu tiên triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước.
Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng được ghi rõ trong Nghị quyết Trung ương 7 là “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân gấp trên 2,5 lần so với hiện nay trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn; tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học – công nghệ tiên tiến, tạo bước đột phá trong đào tạo nhân lực; tăng cường công tác xóa đói, giảm nghèo, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn”. Để đạt được mục tiêu đặt ra này, bước vào năm 2009, Lâm Đồng cần phải có một nền tảng cơ bản để phát triển KT- XH nói chung và nông nghiệp – nông dân – nông thôn nói riêng. Kết thúc năm 2008 vừa qua, Tỉnh ủy Lâm Đồng đánh giá (tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 21 được tổ chức vào cuối tháng 11.2008): Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng khá. Trong đó, đáng kể là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 14,1%, GDP bình quân đầu người đạt 12,5 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 235 triệu USD, đầu tư xã hội 6.500 tỷ đồng… (đều đạt và vượt so với kế hoạch đã đề ra).
CÔNG NGHỆ CAO – HƯỚNG TƯƠNG LAI
Riêng trên lĩnh vực nông nghiệp, tuy vẫn còn những hạn chế nhất định, song, theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, sự phát triển của tỉnh về nông nghiệp đã tạo bước chuyển quan trọng cho hướng tương lai, đặc biệt là năm 2009 này – năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Trung ương 7. Trong phát triển nông nghiệp, với Lâm Đồng, theo đánh giá của không chỉ lãnh đạo tỉnh, nông nghiệp công nghệ cao là thành quả rất quan trọng mà Lâm Đồng đã đạt được trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2008 vừa qua, có giá trị là một tiền đề thiết yếu để tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên này sẽ tiến xa hơn trong những năm sắp tới, khi mà kim chỉ nam Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp – nông dân – nông thôn vừa ra đời. Trước hết, cần xác định, Lâm Đồng là một trong số ít địa phương trong cả nước được chọn để triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao; và qua 5 năm thực hiện, đã đạt được những kết quả đáng mừng.
Số liệu của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng cho thấy: Hiện cả tỉnh có khoảng 4.000ha đất nông nghiệp được canh tác theo hướng công nghệ cao; trong đó có 1.327ha hoa, 1.235ha rau, 500ha chè… Hiệu quả sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã được nhìn thấy rõ: Thu nhập từ 500 triệu – 1 tỷ đồng/ha/năm đối với rau và hoa; từ 120 – 250 triệu đồng/ha/năm đối với cây chè. Tại Đà Lạt, nhiều mô hình trồng rau an toàn trong nhà kính ở phường 9 cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng dâu tây đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng hoa cúc lên đến 600 triệu đồng/ha/năm… Cùng với cây trồng, trên lĩnh vực chăn nuôi, vài năm gần đây, Lâm Đồng còn được nhắc nhiều với các mô hình chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại, nuôi cá nước lạnh theo hướng công nghiệp…
2009 – BƯỚC NGOẶT
Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những chương trình được Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định là chương trình trọng tâm của tỉnh (tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng bộ tỉnh) và đã được triển khai thực hiện từ gần 5 năm qua. Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 21 được tổ chức cuối tháng 11.2008, Lâm Đồng xác định “phát triển kinh tế bền vững” là một trong những nội dung của chủ đề chính trong năm 2009 (“Chấn chỉnh kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm, phát triển kinh tế bền vững”). Trong đó, ngành nông lâm thủy chiếm 49% - 50% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; và đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao lần nữa đã được nhấn mạnh và sẽ được tăng cường trong năm 2009 này. Về phía Trung ương, sau Nghị quyết 7, Chính phủ đã có “Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp – nông dân – nông thôn” với 3 chương trình quốc gia là xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực và chương trình mục tiêu thích ứng với sự biến đổi khí hậu. Cùng với 3 chương trình quốc gia này, gần 50 đề án chuyên ngành cũng đã thể hiện khá rõ nội dung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong phạm vi toàn quốc để phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn theo Nghị quyết 7 Trung ương. Theo đó, đến năm 2020, bằng mọi cách phải đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn cứ 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước. Soát xét lại, Lâm Đồng là tỉnh miền núi tuy có nền tảng của sự phát triển thiếu bền vững hơn nhưng “mũi nhọn” của khâu công nghệ cao chính là yếu tố căn bản để Lâm Đồng không những tiến kịp cả nước về nông nghiệp mà còn tiến xa hơn nữa trong xây dựng diện mạo nông thôn mới Việt Nam. Đây cũng chính là thế mạnh mà Tỉnh uỷ xây Lâm Đồng đã nhìn thấy và sẽ được khai thác một cách có hiệu quả trong năm 2009 này.