Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 và Kế hoạch số 65-KH/TW ngày 19/2/2013 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều hoạt động đáng ghi nhận.
Các nghiên cứu ưu tiên của tỉnh trong thời kỳ 2011-2020 trong nông nghiệp và phát triển nông thôn: nghiên cứu, chọn tạo và nhân giống các loại cây con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và thích hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản và chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông sản; nghiên cứu về sử dụng, cải tạo đất và phát triển các vùng kinh tế nông nghiệp; nghiên cứu và nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp - nông thôn tiên tiến và hiệu quả.
Các ứng dụng KH-CN cho nông nghiệp có lợi thế và giá trị kinh tế cao của tỉnh như việc chọn tạo, nhân giống cây chè, cà phê, cá nước lạnh, bò sữa, rau và hoa, dâu tây, cây dược liệu…, sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi, sản xuất các chất kích thích tăng trưởng, chất bảo vệ thực vật và phân bón sinh học trong sơ chế - bảo quản sau thu hoạch nông, lâm sản và thủy sản; trong sản xuất dược phẩm và các chế phẩm y tế; trong xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến nông sản trong nông nghiệp.
Để góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Hội đã chủ động phối hợp với Sở KH & CN có giải pháp vận động nông dân hợp tác với các nhà khoa học, ứng dụng có chọn lọc các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ, các quy trình canh tác, các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Thông qua việc ứng dụng có hiệu quả về giống, công nghệ tưới, kỹ thuật canh tác… đã nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập trên đơn vị diện tích. Diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng đến tháng 6/2014 đã có gần 40.000 ha, chiếm 15% diện tích đất canh tác của tỉnh (trong đó rau, hoa và cây đặc sản là 14.603 ha, chè 5.635 ha, cà phê 15.335 ha, lúa 3.585 ha), bò sữa 9.763 con, trong đó 70% là hình thức chăn nuôi nông hộ; 50 ha nuôi cá nước lạnh với sản lượng 500 tấn/năm (cá hồi, cá tầm). Bên cạnh chất lượng sản phẩm được nâng cao, năng suất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gấp từ 2 đến 10 lần, doanh thu bình quân gấp 2 lần so với giá trị sản xuất bình quân/ha toàn tỉnh (đạt 250-300 triệu đồng/ha, trong khi đó bình quân chung là 122 triệu/ha), trong đó sản xuất rau cao cấp bình quân đạt 450-500 triệu đồng/ha, hoa cao cấp từ 800 triệu - 1,2 tỷ/ha (có 10.278 ha đạt trên 500 triệu đồng/ha và 1.420 ha đạt trên 1 tỷ đồng).
Với đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và đã được đánh giá là phát huy hiệu quả rõ nét, như: Thông qua việc thực hiện đề án Khuyến nông viên cơ sở, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 211 nhân viên khuyến nông cấp xã, 1.037 cộng tác viên khuyến nông cấp thôn để thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông tại cơ sở; Đề án củng cố lực lượng thú y cơ sở, trong đó hình thành mạng lưới thú y phủ kín các xã phục vụ công tác hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh. Bằng các nguồn vốn khác nhau, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tổ chức 1.637 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 62.717 lượt người tham dự, xây dựng 3.301 mô hình, điểm trình diễn khảo nghiệm chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi thủy sản, lâm nghiệp… nhằm giúp nông dân ứng dụng nhanh các chương trình KH-CN đã được nghiên cứu thành công.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, Hội Nông dân tỉnh còn gặp một số khó khăn, đó là, Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thành chưa trực tiếp thực hiện đề tài khoa học, chủ yếu hoạt động phối hợp triển khai nhân rộng các kết quả nghiên cứu với Hội Nông dân cấp huyện, cơ sở. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong hoạt động khoa học và công nghệ còn chưa đồng bộ. Các cấp Hội chưa chủ động trong việc đề xuất những nhiệm vụ mang tính cấp thiết để làm cơ sở xây dựng các chương trình, các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ.
Việc triển khai nhân rộng các kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chưa nhiều, kinh phí đầu tư thấp không đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương và chưa có quy định đơn vị nào sẽ tiến hành nhiệm vụ nhân rộng. Chưa có các đề tài dự án khoa học cho lĩnh vực xây dựng nông thôn mới và biến đổi khí hậu.
Cán bộ Hội và các ngành ở cấp cơ sở trình độ chuyên môn hạn chế, thường thay đổi nhân sự nên công tác quản lý, ứng dụng KHCN không được thường xuyên, liên tục đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý KHCN và chuyển giao những tiến bộ KHCN về nông thôn. Kinh phí sự nghiệp đầu tư cho việc ứng dụng khoa học chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương. Thiếu kinh phí đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Trong thời gian tới, các cấp Hội đã xác định nhiệm vụ phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Hội các cấp về vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định việc phát huy và phát triển khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ của Hội trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới./.