00:00 Số lượt truy cập: 3229021

Lâm Đồng: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm khai thác lợi thế tiềm năng 

Được đăng : 03/11/2016
Là một trong những tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Lâm Đồng đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa: Nguồn: baolamdong.vn

Lâm Đồng là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên với dân số khoảng 1,25 triệu người, diện tích tự nhiên 977.354 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 316.000 ha, diện tích che phủ rừng đạt 60,2%. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn tỉnh năm 2013 đạt 13,4%, trong đó GDP ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 8,2%; giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đạt 122,2 triệu đồng/ha/năm.

TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện,diện tích đất gieo trồng toàn tỉnh đạt khoảng 330.098 ha. Trong đó gồm 151.500 ha cà phê (sản lượng 370 ngàn tấn), 23.100 ha chè (sản lượng 208 ngàn tấn); 51.000 ha rau (sản lượng 1,7 triệu tấn); 7.000 ha hoa (sản lượng 2.2 tỷ cành)... Toàn tỉnh hiện có 35.000 ha đất canh tác sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gồm: 8.041,6 ha rau các loại; 2.415,5 ha hoa; 3.846 ha đậu; dâu tây 135 ha; cây atisô 3 ha; vườn ươm 75,5 ha... Về chăn nuôi, Lâm Đồng hiện có đàn gia cầm khoảng 2,7 triệu con, đàn heo đạt 400 nghìn con, bò sữa 9.262 con. Toàn tỉnh có 323 trang trại, tỷ lệ chăn nuôi trang trại bình quân đạt 18%.

Trong lĩnh vực chế biến nông sản, trên địa bàn tỉnh hiện có 61 doanh nghiệp, hơn 130 cơ sở, hộ kinh doanh cá thể chế biến chè; 24 doanh nghiệp chế biến rau; 1 nhà máy chế biến sữa (với công suất 40.000 tấn/năm)... Hệ thống dịch vụ nông thôn với mạng lưới kinh doanh vật tư nông nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Song song với những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp Lâm Đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Là tỉnh có lợi thế sinh thái nông nghiệp cho phép sản xuất đa dạng cây trồng, vật nuôi, tuy nhiên hiện tỷ lệ diện tích có doanh thu dưới 100 triệu đồng/ha còn chiếm trên 70%. Tác động của biến đổi khí hậu và hệ thống hạ tầng thủy lợi hạn chế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng.

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh dẫn đến diện tích một số vùng chuyên canh rau, hoa công nghệ cao ngày càng thu hẹp. Cơ cấu kinh tế nội bộ ngành chưa cân đối khi giá trị ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng 82%, trong khi đó ngành chăn nuôi, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, chưa tạo ra bước đột phá khai thác tiềm năng.

Quá trình hội nhập WTO đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất quy mô hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm... Bên cạnh đó, những năm qua lực lượng sản xuất của tỉnh phát triển khá nhanh, tuy nhiên quan hệ sản xuất còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển (đặc biệt là các cơ chế chính sách) dẫn đến việc phát sinh nhiều vấn đề thực tiễn kìm hãm sản xuất.

Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, theo TS. Phạm S, trong thời gian tới tỉnh cần tập trung thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng ổn định về diện tích và quy mô. Trong đó, chú trọng đến công tác nghiên cứu, khảo nghiệm và phát triển các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, có giá trị kinh tế cao phục vụ công nghiệp chế biến.

Ngành nông nghiệp của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất. Cụ thể, triển khai dự án khu công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt, hướng đến gia tăng hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, tăng giá trị nông sản, giảm giá thành sản phẩm. Từng bước tiếp cận công nghệ tạo giống tiên tiến trên thế giới như: giống chiếu xạ, giống biến đổi gen, giống chuyển gen, giống có ưu thế lai... Đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc và thu hoạch.

Ngành cần tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, chứng nhận chất lượng sản phẩm như: GlobalGAP, VietGAP, HCCP, ISO, Rainforest... nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tập trung sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, tăng năng suất, an toàn chất lượng sản phẩm nông nghiệp; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên nguồn vốn xây dựng các mô hình điểm nhằm nhân rộng tại các xã nông thôn mới của tỉnh.

Cũng theo TS. Phạm S, thời gian tới, các hợp tác xã, tổ hợp tác cần được đổi mới, phát triển thông qua việc được hỗ trợ về đào tạo cán bộ quản lý, trợ giúp kỹ thuật và xúc tiến thương mại. Các mối liên kết tự nguyện, các liên minh trong tổ chức dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông hộ với doanh nghiệp cần được tăng cường phát triển; tăng tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua các hình thức hợp đồng theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác thương mại nông sản cần được chú trọng bằng việc đầu tư xây dựng thương hiệu nông sản mới, quảng bá các thương hiệu hiện có; tạo điều kiện cho các trang trại, hợp tác xã, các doanh nghiệp được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Cần tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế thu hút các nguồn vốn ODA và FDI nhằm nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận công nghệ mới. Thông qua đó góp phần tạo bước đột phá ngành nông nghiệp trong tương lai.

Ngoài ra, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cần gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua các giải pháp như: hỗ trợ, hướng dẫn các xã xây dựng đề án phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của người dân địa phương; giúp người dân xác định được cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được tăng cường nhằm giúp người dân tổ chức sản xuất hiệu quả hoặc chuyển sang lao động phi nông nghiệp. Cần tiếp tục huy động các nguồn lực (từ nhân dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác) nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện) phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân./.