Đây là một trong những chương trình trọng tâm được Tỉnh uỷ Lâm Đồng đề ra trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng bộ tỉnh và được lãnh đạo đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Theo đó Chương trình nông nghiệp công nghệ cao đã có tác động rất lớn trong quá trình nhân rộng các mô hình sản xuất. Việc xây dựng các mô hình điểm nhà kính ở Đức Trọng, Đơn Dương, Tp Đà Lạt đã có sức lan toả và nhân rộng các mô hình sản xuất rau, chè, hoa chất lượng cao ở nhiều địa phương. Nếu năm 2005 Lâm Đồng chỉ mới xây dựng được 6 mô hình thì đến năm 2007 đã lên đến 84, trong đó có 70 mô hình rau, hoa; 11 mô hình chè chất lượng cao.
Hiện nay toàn tỉnh có hơn 1.000 ha được sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, trong đó có 240 ha rau và 707 ha trồng hoa các loại. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có 3.163 ha cây trồng sản xuất theo hướng NNCNC, trong đó diện tích rau là 1.235ha (tương đương 3.700 ha gieo trồng hàng năm, chiếm trên 10% diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh); diện tích hoa là 1.327 ha; gần 500 ha chè cành, chè chất lượng cao áp dụng công nghệ tưới phun, chiếm khoảng gần 2% diện tích chè toàn tỉnh. Hiệu quả sản xuất của các mô hình sản xuất theo hướng NNCNC tăng lên rõ rệt, đạt từ 500 – 1.000 triệu đồng/ha đối với rau, hoa và từ 150-250 triệu đồng/ha đối với chè chất lượng cao.
Theo quy hoạch đến 2010, vùng sản xuất rau, hoa, dâu tây công nghệ cao được triển khai trên địa bàn 10 xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương với tổng diện tích là 1.732ha. Kết quả sau 4 năm triển khai đối với vùng dự án, hầu hết thu nhập từ các mô hình sản xuất mới đều tăng lên rất nhiều so với phương pháp canh tác cũ.
Cụ thể tại Đà Lạt, những mô hình như trồng rau an toàn trong nhà kính tại phường 9 đạt doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng dâu tây đạt 300 triệu/ha/năm, mô hình trồng hoa cúc cho thu nhập 500-600 triệu/ha/năm hay trồng ớt ngọt trong nhà kính đạt doanh thu 1,05 tỷ đồng/ha/năm. Đối với cây chè chất lượng cao được quy hoạch tại địa bàn 14 xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh với diện tích 2.826ha. Đến nay đã phát triển được gần 2.000 ha chè chất lượng cao trong vùng quy hoạch và doanh thu trung bình có thể đạt 160 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Về chăn nuôi - thuỷ sản theo chương trình NNCNC, sau 4 năm triển khai đã mang lại hiệu quả, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 14,5% năm 2004 lên 17,5% năm 2007, tổng đàn bò sữa đã tăng từ 1.756 con (năm2004) lên 4.170 con (năm 2007). Riêng nuôi cá nước lạnh, năm 2007 từ đề án nuôi cá nước lạnh thành công, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư 5 mô hình nuôi cá nước lạnh cho 3 địa phương là Đà Lạt, Đức Trọng và Lạc Dương (3 mô hình nuôi cá hồi vân và 2 mô hình nuôi cá tầm Nga). Hiện nay đã có 9 đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đang đầu tư phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh, năm 2008, sản phẩm cá hồi vân và tầm Nga đạt gần 100 tấn, giá trị hàng hoá khoảng 15 tỷ đồng.
Việc triển khai chương trình NNCNC cũng đã thu hút được rất nhiều thành phần kinh tế tham gia vào các vùng sản xuất. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã thu hút được 179 dự án đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông lâm kết hợp… trong đó đầu tư vào phát triển nông lâm kết hợp là 81 dự án, đầu tư vào khu NNCNC Lạc Dương là 14 dự án.