00:00 Số lượt truy cập: 3227698

Lâm Thao đầu tư phát triển kinh tế trang trại 

Được đăng : 03/11/2016
Thực hiện phương châm tất cả các trang trại đều được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi về lãi suất hỗ trợ giá giống, công tác thú y theo chương trình dự án trọng điểm của tỉnh và của huyện; các hộ trực tiếp sản xuất nông - lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để mở rộng sản xuất thì ngoài phần đất đã giao trong hạn mức của địa phương còn được UBND xã, thị trấn xét cho thuê đất để phát triển kinh tế trang trại.





Bên cạnh đó, một số địa phương dùng quỹ đất 5% và đất một vụ lúa đổi ruộng cho nông dân để quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Đó là những biện pháp mà huyện Lâm Thao và các địa phương trong huyện tập trung chỉ đạo và thực hiện để phát triển kinh tế trang trại thời gian qua.

Để làm được điều này, bên cạnh việc triển khai sâu rộng NQ số 03 ngày 2-2-2000 của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại, huyện Lâm Thao còn tăng cường triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại; cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó mà số trang trại trên địa bàn ngày càng tăng. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 75 trang trại, tăng 13 trang trại so với năm 2005 và tăng 54 trang trại so với năm 2002. Được đánh giá là phát triển với tốc độ nhanh và hiệu quả, kinh tế trang trại là loại hình sản xuất năng động, mang tính sản xuất hàng hóa cao và còn là động lực quan trọng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. 75 trang trại với diện tích 128,2ha, trong đó có 41 trang trại chăn nuôi, 21 trang trại tổng hợp, 11 trang trại nuôi trồng thủy sản và 2 trang trại trồng cây hàng năm.

Để kinh tế trang trại thực sự mang lại hiệu quả, nhiều chủ trang trại đã đầu tư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo môi trường. Tính đến hết năm 2006, tổng vốn của 75 trang trại đạt gần 21 tỷ 600 triệu đồng; trong đó nguồn vốn của các chủ trang trại tự có 14 tỷ 279 triệu đồng; nguồn vốn vay tín dụng - ngân hàng 7 tỷ đồng, còn lại trên 322 triệu đồng là các nguồn vốn khác. Bằng việc đầu tư đúng hướng, sản xuất có hiệu quả, mỗi năm các trang trại thu về từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng và tính tổng thu nhập của các trang trại trên địa bàn trong năm qua đạt 24 tỷ 271 triệu đồng.

Mô hình trang trại của gia đình ông Lê Duy Viên, xã Tứ Xã với diện tích 2,6ha, trong đó gần 2ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản với tổng kinh phí đầu tư 215 triệu đồng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, dưới ao ông Viên nuôi thả cá, trên bờ trồng sả, trồng cỏ nuôi bò và lúc nào trong chuồng cũng có từ vài trăm đến hàng ngàn vịt đẻ, ngan thịt, vừa tận dụng chất thải để làm thức ăn cho cá vừa đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Tổng nguồn thu nhập cũng được vài chục triệu đồng/năm.

Không chỉ ông Viên ở Tứ Xã mà còn ở rất nhiều địa phương trong huyện các chủ trang trại, nông dân đã đầu tư phát triển theo hướng phù hợp với thực tế của địa phương, như: Mô hình chăn nuôi lợn của chị Nguyễn Thị Dung ở Tứ Xã, của anh Bùi Hồng Sơn, xã Kinh Kệ, trang trại của chị Nguyễn Thị Oanh ở Sơn Dương; mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình anh Lê Hữu Chất, xã Cao Xá hay như mô hình trồng cây hàng năm của gia đình anh Lê Văn Thêm, xã Thạch Sơn... Kinh tế trang trại không những mang lại nguồn thu đáng kể, góp phần quan trọng vào việc đưa đời sống KT-XH của nhân dân địa phương đi lên mà nó còn góp phần to lớn vào việc giải quyết việc làm cho người lao động. Trong năm qua, có 769 lao động tham gia vào làm kinh tế trang trại.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2010 là trên địa bàn huyện có 100 trang trại, giá trị sản xuất hàng hóa bình quân hàng năm đạt 33 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 330 triệu đồng/ trang trại/ năm; thu hút và giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động. Trên cơ sở đặt ra mục tiêu như vậy, UBND huyện chủ trương gắn phát triển kinh tế trang trại với việc thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm, đồng thời tổ chức cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các hộ có đủ điều kiện; chỉ đạo có hiệu quả công tác dồn đổi ruộng đất, quy hoạch vùng để phát triển kinh tế trang trại; tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ KHKT, đào tạo kiến thức cho các chủ trang trại.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, không chỉ phát huy những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế trang trại thời gian qua mà UBND huyện và các địa phương trong huyện cũng cần nhìn nhận rõ và có những biện pháp khắc phục những hạn chế trong phát triển kinh tế trang trại, như: Một số trang trại quy mô còn nhỏ; hầu hết các trang trại đều thiếu vốn, kỹ thuật; sản phẩm tạo ra từ trang trại còn ít, giá thành chưa cao, thiếu sức cạnh tranh; chưa có sự hợp tác trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm; sự phối kết hợp giữa 4 nhà chưa chặt chẽ và đồng bộ; chưa đầu tư cao cho thị trường đầu ra sau sản xuất nên nhân dân chưa thực sự mạnh dạn đầu tư cũng là một trong những yếu tố hạn chế kinh tế trang trại trên địa bàn phát triển chưa vững chắc.