00:00 Số lượt truy cập: 3227403

Làm giàu nhờ trồng tre lấy măng 

Được đăng : 03/11/2016
Tre thuộc phân họ Tre (Bambosoideae), họ Hoà Thảo (Gramineae= Poaceae), bộ Hoà Thảo hay bộ Lúa (Poales). Bộ này chỉ có 1 họ , gồm 11000 loài (nước ta có khoảng 500 loài). Phân họ này có khoảng 70 chi và bao gồm khoảng 1300 loài. Hiện nay các loại tre chiếm diện tích tới 22 triệu ha trên thế giới và tồn tại ở ba khu vực: Châu Á-Thái Bình Dương, Châu Phi và Bắc Mỹ. Trung tâm các loại tre là khu vực gió mùa ở Đông Nam Á.

Cây tre rất thân thuộc với người Việt Nam. Tre dùng trong xây dựng và làm rất nhiều vật dụng dùng trong gia đình. Các loài phổ biến ở nước ta là Tre lộc ngộc (Bambusa bambos), Tre gai (B.spinosa), Tre Là ngà (B.blumeana), Híp (B. multiplex),Tầm vông (B.variabilis), Tre Lồ ô (B. procera), Tre vầu (B.nutans),

Hóp gai (B. flexuosa), Tre bầu (B. gibba), Tre đuôi chồn (B. agrestis), Nứa (B.schizostachyoides),Luồng (B.membranaceus), Trúc (B. tuldoides), Vầu đắng (Indosaca crassiflora), Vầu ngọt ( I. shibataeoides), Nứa lá to (Schysotachyum pseudolima), Dang (Dendrocalamus patellaris),Mai (Sinocalamus giganteus), Diễn (S. latiflorus)...

Hầu hết các loài tre nứa đều có thể lấy măng để ăn, nhưng năng suất lấy măng thường thấp, măng thường đắng và ăn không ngon.

Trong các loài tre trồng lấy măng thường được gây trồng ở Trung Quốc chỉ có 1 loài thuộc chi Bambusa (B. qibboides) còn phần lớn thuộccác chi khác nhưchi Phylostachys (P. praecox, P.praecox var. pervernalis, P. vivax, P. dulcis, P. iridescens, P.glabrata, P.acuta, P. nidularia, P. meyeri, P. heteroclada, P. nuda, P. viridis, P. prominens, P. flexuosa), chi Chimonobarnbusa ( C. utilis, C.szechuanensis), chi Sinocalamus (S. latiflorus, S. oldhami, S. uario-striatus, S . beecheyanus, S.beecheyanus var. pubescens, , S. latiflorus var. magnus)... Đó là những loài tre cho năng suất măng cao, măng trắng , ngọt, không đắng, có khả năng xuất khẩu sang Nhật với số lượng lớn. Tên gọi chung là Điềm trúc (Măng ngọt).

Giống nhập từ Trung Quốc có dạng củ gốc nối với 2-3 đốt. Nhập về qua biên giới đất liền tốt hơn là đi đường biển. Tránh giữ trong điều kiện nóng quá, nhất là sau thời gian chở trên tàu thuyền lại chuyển sang xe lạnh (đã có trường hợp giống măng nhập về chết hết trên 100 tấn vì nguyên nhân này!). Phải kiểm tra củ gốc xem có bị thối, bị giập nát hay không? Lấy giống về phải vùi ngay xuống đất ẩm hay cát ẩm, chờ chuẩn bị xong vườn trồng mới chở đến vườn .

Đất trồng măng cần có các điều kiện sau đây: tầng đất dày từ 50cm trở lên, có điều kiện dẫn nước và thoát nước tốt, đủ độ xốp và độ mầu mỡ, pH trong khoảng 4,5- 7,0, cách tầng nước ngầm khoảng 1m, độ dốc nhỏ hơn 15-200C, đủ nắng, không quá xa đường giao thông, thời gian trồng tốt nhất là trước mùa mưa. Mật độ trồng khoảng 45-70 gốc trên diện tích 667m2. Sau 4 năm sẽ tạo thành rừng tre lấy măng. Đào hố sâu 30-40cm, đổ vào rãnh 10-20cm đất và phân hữu cơ, đặt củ gốc vào và lấp đất thịt lên. Phủ rơm rạ quang gốc để giữ ẩm. Tưới nước cho vừa đủ ẩm, tuỳ theo khí hậu mà sau 7-15 ngày lại tưới thêm cho đủ ẩm. Sang mùa xuân năm sau sẽ mọc măng quanh gốc nếu biết quản lý tốt. Nên trồng các hàng măng so le nhau để hứng ánh nắng mặt trời .

Khi ngọn măng cao đến 1,8-2,0m thì tiến hành cắt ngọn bằng kéo chuyên dụng. Dùng bông thấm nước vôi đặc bôi lên ngọn. Vị trí cắt là ở bên trên đốt ở chiều cao nói trên. Mỗi bụi tre lấy măng chỉ nên để 3 ngọn. Khi nào già cỗi mới gây dựng 3 ngọn khác. Sau khi cắt ngọn ta lấy kéo chuyên dụng này cắt hết các cành ngang mọc ta từ phần gốc của bụi tre. Cần cắt vát và cách đốt một đoạn ngắn.

Đợi đến tháng thứ 10-12, khi bụi tre đã phát triển tốt ta tiến hành diệt rễ quanh gốc để kích thích đâm măng. Lấy cuốc xẻng đào một rãnh quang bụi tre, cách gốc khoảng 45-50 cm và sâu khoảng 20-25 cm và mạnh dạn xiến đứt các rễ tre. Sau đó 10 ngày không tưới nước.

Tiếp đến giai đoạn bón phân. Dùng một que tre (hay gỗ) cứng, đường kính khoảng 2-3 cm, chọc xiên xiên từ rãnh hướng vào gốc , mỗi gốc chọ 4 lỗ theo 4 hướng. Sau đó đổ dung dịch phân khoáng hỗn hợp N-P-K vào từng gốc. Lấy 1 kg phân NPKhoà với 10 lít nước. Dùng que hoà cho tan đều, phân supe lân không tan hết vì vậy quấy đảo xong phải tưới ngay, không để lắng. Mỗi gốc bón hết 1 lít dung dịch NPK. Sau đó vun gốc lại và chờ đợi măng xuất hiện.

Có thể thu hoạch khi măng bắt đầu nhú khỏi mặt đất. Đào sâu xuống để lấy từng củ măng. Có thể bóc hết lớp vỏ ngoài sau đó cắt măng thành các đoạn ngắn rồi muối chua như muối dưa rau cải. Khi măng đủ chua thì đóng bao PE và xuất khẩu trong điều kiện bảo quản lạnh. Cũng có thể cắt khoanh thành từng lớp và cắt thành từng miếng rồi phơi khô để xuất khẩu và để tiêu dùng nội địa.